Ông có thể cho biết vì sao năm nay lại xuất hiện nhiều vụ vi phạm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi?
- Năm nay là Năm an toàn thực phẩm (ATTP) nên việc xuất hiện các điểm nóng chính là do các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh, kiểm tra, nhất là về tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
Ảnh minh họa
Hiện nay, chúng ta chỉ cho phép sử dụng một vài chất tăng trọng và tạo nạc trong chăn nuôi với hàm lượng cực nhỏ, còn lại là các chất bị cấm. Thực tế cho thấy, việc kiểm tra và phát hiện được tình trạng sử dụng chất cấm là hết sức phức tạp. Về nguyên tắc, chăn nuôi phải đảm bảo an toàn và không cho phép tồn dư các chất cấm trong thịt, gây ảnh hưởng tới sức khoẻ người tiêu dùng.
Do đó, sau những kết quả thanh kiểm tra rất tốt của các địa phương vừa qua, chúng ta cần tổ chức lại công tác kiểm tra tình trạng sử dụng chất cấm trên toàn quốc. Tỉnh nào cũng phải làm. Tất nhiên để đạt hiệu quả, chúng ta nên tập trung ở các vùng có nguy cơ cao, vùng ven thành phố, vùng bán nhiều thịt, vùng tiêu thụ nhiều sản phẩm, đặc biệt các lò mổ và những hộ có quy mô chăn nuôi vừa - là những nơi có nguy cơ cao sử dụng chất cấm.
Câu chuyện sử dụng chất cấm không mới, nhưng theo ông đâu là nguyên nhân một số cá nhân, tổ chức vẫn bất chấp đạo đức để sử dụng chất cấm?
-Tôi cho rằng vấn đề mấu chốt là lợi ích kinh tế. Khi sử dụng các chất này, người ta sẽ rút ngắn được thời gian nuôi, lợn tăng trọng nhanh hơn, mẫu mã đẹp hơn, có thể bán được giá cao hơn… Tuy nhiên, họ không nghĩ rằng cái lợi rất nhỏ (mỗi con lợn có thể chỉ được thêm 1 triệu đồng) nhưng hậu quả gây ra cho người tiêu dùng thì rất lớn.
Do đó, ngoài việc ban hành và áp dụng các chế tài xử phạt mạnh hơn, chúng ta cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục để người chăn nuôi nhận thức được vấn đề và chấm dứt hành vi sử dụng chất cấm, gây ảnh hưởng tới cả xã hội. Ngoài ra, chúng ta cũng cần tăng cường sự giám sát của người dân để phát hiện, thông báo cho cơ quan chức năng xử lý các cá nhân vi phạm.
" Giá các chất cấm sử dụng trong chăn nuôi cực kỳ rẻ, nhập lậu là 1 triệu đồng/kg nhưng bán ra thị trường tại Việt Nam là 3 triệu đồng/kg, sau khi đóng gói nhỏ, giá chỉ 500 đồng/gói nên ai cũng có thể mua được”.
Ông Hoàng Thanh Vân
|
Các chế tài với hành vi sử dụng chất cấm của chúng ta hiện nay cũng chưa đủ sức răn đe. Theo Nghị định 119/2003 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi thì mới dừng ở mức phạt tiền, chỉ gây tổn hại kinh tế cho người vi phạm.
Nếu nâng mức xử lý vi phạm bằng xử phạt hình sự thì sẽ đủ sức răn đe, góp phần hạn chế tình trạng sử dụng chất cấm. Khi đã có chế tài đủ mạnh rồi, các cơ quan chức năng cần tiếp tục tăng tần suất thanh tra, kiểm tra để sớm phát hiện các hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
Để chấm dứt tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, theo ông biện pháp căn cơ là gì?
-Thực tế, việc sử dụng chất cấm ở nhiều nước cũng xảy ra, còn tại Việt Nam, chăn nuôi đang phát triển như hiện nay thì sẽ vẫn còn một số cá nhân, tổ chức sử dụng chất cấm. Do đó, theo suy nghĩ của chúng tôi, biện pháp căn cơ nhất trước tiên là phải rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật; phân rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành và tăng cường mức xử phạt để răn đe; xây dựng các vùng chăn nuôi an toàn, các mô hình sản xuất sạch theo chuỗi từ chăn nuôi tới giết mổ, phân phối, có thể truy xuất được tận gốc.
Nếu xây dựng được các chuỗi thực phẩm sạch, an toàn chắc chắn những hộ sử dụng chất cấm sẽ không còn “đất sống”, có như vậy ngành chăn nuôi mới phát triển bền vững. Tất nhiên, việc đấu tranh với tiêu cực cần có sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành chứ một mình ngành chăn nuôi sẽ không thể làm được.
Xin cảm ơn ông!
TS Nguyễn Thanh Sơn - Viện trưởng Viện Chăn nuôi: Phải phạt tù
Trong rất nhiều giải pháp để ngăn chặn tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi thì biện pháp quan trọng nhất là phải tuyên truyền đến người chăn nuôi, người tiêu dùng. Người chăn nuôi phải ý thức được rằng không phải chỉ là sinh kế của cá nhân gia đình họ mà là vấn đề sức khỏe của cả xã hội. Biện pháp quan trọng thứ hai là phải có một chế tài xử lý thật nghiêm, thậm chí phải đưa vào Bộ luật Hình sự việc sử dụng chất cấm để phạt tù, nhằm vệ sức khỏe cộng đồng.
Điều đáng lưu ý là hiện nay chế tài xử lý rất thấp chưa mang tính răn đe. Hiện, chế tài chỉ dừng lại ở phạt hành chính với mức vài ba chục triệu nên không đủ sức răn đe đối với các cá nhân, tổ chức, cơ sở chăn nuôi vi phạm. Theo quan điểm cá nhân tôi phải tăng nặng hình phạt, thậm chí phải đưa vào một trong những điều khoản của Bộ luật Hình sự.
Ông Hồ Hoàng Dũng - Phó Tổng giám đốc Kỹ thuật Công ty Green Feed Việt Nam: Nắm người lưu thông
Theo quy trình xử lý hiện nay, khi phát hiện một sản phẩm trên thị trường có chất cấm, Chi cục Thú y truy ngược từng khâu và truy đến khâu cuối cùng là người chăn nuôi để phạt. Điều này rất khó khăn để phạt được hết do Chi cục Thú y không đủ lực lượng. Do đó, cần phạt ngay ở khâu phát hiện ra. Ví dụ phát hiện sản phẩm của thương lái có chất cấm phạt luôn thương lái, thương lái tự khắc sẽ thỏa thuận với người chăn nuôi là không mua sản phẩm có sử dụng chất cấm. Nếu phạt trực tiếp với người chăn nuôi sẽ không xuể và họ sẽ lại tái phạm. Chúng ta không nên “nắm” người chăn nuôi mà nên “nắm” người lưu thông.
Thu Trần (ghi)
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.