Chăn nuôi gia cầm theo chuỗi, nhà nông chuẩn bị Tết không lo về giá

San Nguyễn Thứ sáu, ngày 08/12/2017 08:33 AM (GMT+7)
Thành phố Hà Nội đã và đang xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ thịt, trứng gia cầm để bảo đảm đầu ra sản phẩm ổn định, không phụ thuộc vào thương lái. Hà Nội cũng tổ chức liên kết các hộ/trại chăn nuôi thành các tổ chức tập thể như Chi hội/HTX/Hội chăn nuôi - tiêu thụ sản phẩm để phát triển chăn nuôi ổn định, bền vững.
Bình luận 0

Khắc phục tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ

Theo Sở NNPTNT Hà Nội, hiện nay, tổng đàn gia cầm của thành phố là 22,8 triệu con, trong đó: Đàn gà khoảng 16,5 triệu con với sản lượng trứng đạt 575 triệu quả; vịt, ngan, ngỗng 6,3 triệu con với sản lượng trứng đạt 450 triệu quả. Toàn thành phố có 642 trại chăn nuôi gà đẻ trứng thương phẩm quy mô lớn ngoài khu dân cư với tổng đàn gần 2,6 triệu con, sản lượng trứng đạt khoảng 410 triệu quả/năm, tập trung ở các huyện Quốc Oai, Chương Mỹ, Đông Anh, Ba Vì…

Để giải quyết tình trạng chăn nuôi thiếu ổn định, sản phẩm trứng bảo đảm an toàn thực phẩm, từ năm 2012 đến nay, Hà Nội đã xây dựng được 21 chuỗi liên kết chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm.  Nhiều nhãn hiệu tập thể như “Gà Mía Sơn Tây”, “Gà đồi Ba Vì” và “Gà đồi Sóc Sơn” đã được xây dựng thành công.

img

 Công ty Tiên Viên đang liên kết với 15 hộ chăn nuôi vệ tinh tại địa phương và tiêu thụ khoảng 30.000 trứng/ngày cho các hộ. ảnh: San Nguyễn

Từ năm 2016 tới nay, chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm gà đồi Sóc Sơn tới thị trường và nhận được kết quả khả quan hơn mong đợi. Quy mô chăn nuôi thường xuyên của chuỗi đạt trên 100.000 con, cung cấp cho thị tường khoảng trên 300kg thịt mỗi ngày với nguồn thịt đảm bảo an toàn, thực phẩm với nhãn hiệu “Gà đồi Sóc Sơn”. Các quy trình chăn nuôi, quy chế quản lý chuỗi và chất lượng sản phẩm chung của chuỗi đều được các thành viên tham gia tuân thủ nghiêm túc, chặt chẽ. Thời điểm này, đã có 1 cơ sở giết mổ bảo đảm vệ sinh thú y, vệ sinh ATTP với công suất 300-500 con/ngày phục vụ cho việc tiêu thụ sản phẩm của chuỗi bằng sản phẩm thịt gà có bao gói, dãn tem nhãn. Các điểm bán và giới thiệu sản phẩm sử dụng nhãn hiệu tập thể gà đồi Sóc Sơn.

Ông Nguyễn Văn Đông - Chủ tịch Hiệp hội gà Sóc Sơn cho biết: Việc thực hiện chuỗi liên kết các tác nhân từ sản xuất con giống, nguyên liệu đầu vào, tổ chức chăn nuôi, giết mổ, tiêu thụ sản phẩm sẽ góp phần giảm thiểu chi phí sản xuất, kiểm soát, nâng cao chất lượng hiệu quả kinh tế cho chăn nuôi. 

Giám đốc Công ty cổ phần Tiên Viên (Chương Mỹ) Đặng Đình Tiên cho biết, để cung cấp trứng sạch ra thị trường, đến nay, công ty đã xây dựng được 8 trại chăn nuôi khép kín, quy mô chăn nuôi hằng năm là 20.000 gà hậu bị, 25.000 gà đẻ.

Lựa chọn doanh nghiệp đủ mạnh

Về lâu dài, để chuỗi liên kết tiêu thụ trứng gia cầm phát huy hiệu quả, chính quyền địa phương cần lựa chọn những doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ chăn nuôi đủ điều kiện tham gia chuỗi liên kết và quản lý chặt chẽ”.
Ông Nguyễn Huy Đăng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội

Tuy nhiên, việc xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ trứng gia cầm còn khó khăn do quy mô sản xuất của người dân nhỏ lẻ, dẫn tới khó kiểm soát về chất lượng sản phẩm. Ông Nguyễn Huy Đăng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội cho biết, hiện nay chăn nuôi trên địa bàn TP mới đáp ứng 60% nhu cầu tiêu dùng, còn lại phải nhập từ các tỉnh, thành khác. Thời gian qua, ở ngoại thành đã hình thành một số vùng chăn nuôi gia cầm trọng điểm, tuy nhiên tiêu thụ vẫn không ổn định, nhiều trang trại gia cầm thua lỗ.

Ông Tạ Văn Tường  - Giám đốc Trung tâm Phát triển Chăn nuôi Hà Nội, để tháo gỡ những khó khăn này cần liên kết với những doanh nghiệp đủ mạnh. việc liên kết các hộ sản xuất với nhau và với DN đã bắt đầu được triển khai từ năm 2008, các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ đã được mở rộng ra nhiều vùng chăn nuôi trọng điểm gắn với xây dựng nhãn hiệu sản phẩm đặc trưng như gà đồi Ba Vì, gà Mía Sơn Tây, trứng vịt Liên Châu, vịt cỏ Vân Đình. Mới đây, công ty TNHH Ba Huân đã xây dựng nhà máy xử lý trứng gia cầm tại huyện Phúc Thọ với công suất xử lý 65.000 trứng/giờ.

Theo ông Đăng, Hà Nội cũng đã có chính sách hỗ trợ xây dựng các chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn. Ví dụ, để đảm bảo an toàn thực phẩm trong giết mổ gia súc gia cầm, thành phố hỗ trợ 50% phí giết mổ năm đầu tiên, 40% năm thứ hai, 30% năm thứ ba và hỗ trợ xây dựng cơ sở giết mổ, hệ thống xử lý môi trường. Các cơ quan chức năng địa phương thường xuyên mở các lớp tập huấn, hướng dẫn khoa học kỹ thuật cho người dân để chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang khép kín, từ việc lựa chọn con giống, thức ăn, quy trình chăm sóc, không sử dụng kháng sinh quá liều, dẫn tới tồn dư hoóc môn trong sản phẩm trứng. Nhà nước đứng ra làm khâu trung gian để doanh nghiệp và nông dân ký kết hợp đồng kinh tế, có điều kiện ràng buộc, bảo đảm quyền lợi giữa hai bên.  /.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem