Tham gia Hiệp định TPP: Cần bắt tay chăn nuôi theo chuỗi

Thứ năm, ngày 01/05/2014 11:12 AM (GMT+7)
Theo dự kiến, năm nay Việt Nam sẽ tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), trong đó ngành chăn nuôi được dự báo bị tác động mạnh nhất.
Bình luận 0
Để sẵn sàng vào “sân chơi” chung, người chăn nuôi cần bắt tay nhau để sản xuất theo chuỗi nhằm hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh.

Chưa lúc nào hết bấp bênh

Trao đổi với phóng viên, bà Cao Thị Thế ở thôn 6, xã Đồng Lạc (Yên Thế, Bắc Giang) cho biết: “Mặc dù gà đồi Yên Thế đã được xây dựng thương hiệu nhưng tôi cũng chẳng thấy khác biệt mấy so với hồi chưa có thương hiệu, người dân chủ yếu chăn thả tự do nên rủi ro cao, thu nhập vẫn bấp bênh. Do đó, từ năm 2013 gia đình tôi đã ký hợp đồng với một doanh nghiệp trên địa bàn nuôi gà theo hướng gia công, giờ không còn phải lo đầu ra cho sản phẩm nữa”.

Ông Trần Văn Chiến - Chủ nhiệm HTX dịch vụ Cổ Đông (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) cũng nêu thực tế: “Là đơn vị chăn nuôi lợn quy mô lớn, chúng tôi đã tìm hiểu rất kỹ về TPP và thấy rằng, ngành chăn nuôi đang gặp rất nhiều khó khăn, gia nhập hiệp định này sẽ còn thêm nhiều khó khăn nữa. Thực tế cho thấy, dù chúng tôi đã chăn nuôi quy mô trang trại nhưng đầu vào (con giống, thuốc thú y, thức ăn…) vẫn rất cao, trong khi giá thì lên xuống thất thường”.

Nuôi lợn ở trang trại của ông Trần Văn Chiến.
Nuôi lợn ở trang trại của ông Trần Văn Chiến.

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) trong giai đoạn 2005-2013, ngành chăn nuôi phát triển khá ổn định, tốc độ tăng trưởng 5,3%/năm, chiếm 24,6% tỷ trọng trong nông nghiệp năm 2013. Tuy nhiên, chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ lệ cao, với khoảng 65-70% về đầu con và 55-60% về sản lượng; tổng thể năng suất chăn nuôi, nhất là năng suất sinh sản còn thấp, giá thành sản phẩm cao.

Bên cạnh đó, việc quản lý dịch bệnh, quản lý chất lượng vật tư chăn nuôi, nhất là chất lượng giống vật nuôi, môi trường chăn nuôi và an toàn vệ sinh thực phẩm cũng còn nhiều tồn tại, bất cập. Cơ cấu sản phẩm chưa hợp lý giữa thịt lợn, thịt gia cầm, thịt bò; công tác thống kê, dự báo chưa được quan tâm đúng mức…

Ứng phó thế nào?

Ông Nguyễn Hồng Hà – Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi Alpha (Văn Giang, Hưng Yên) cho rằng, mục tiêu của chúng ta là năng suất cao, giá thành thấp, đảm bảo an toàn thực phẩm và người chăn nuôi có lợi nhuận ổn định (không quá cao, không quá thấp). Để đạt được những mục tiêu trên, ở khía cạnh người chăn nuôi, không có cách nào khác là phải đi theo hướng chăn nuôi công nghiệp, quy mô lớn, đầu tư đồng bộ từ điện, nước, nước thải, chuồng trại, trang thiết bị…

Trang trại phải có đủ công nhân kỹ thuật, kế toán, quy trình chăn nuôi tốt. Địa điểm chăn nuôi cần bền vững về môi trường, dịch bệnh, có tính pháp lý lâu dài. Đặc biệt là cần có sự liên kết giữa các chủ trang trại, HTX theo quy trình khép kín để giảm giá thành đầu vào, hạ giá thành đầu ra, tăng sức cạnh tranh khi hội nhập vào sân chơi chung. Để chuẩn bị “đón sóng” TPP, ông Trần Văn Chiến cho biết HTX đã tự liên kết được với 150 chủ trang trại, doanh nghiệp để thực hiện thí điểm mô hình sản xuất theo chuỗi khép kín, gồm cung ứng con giống, thức ăn, kiểm soát thuốc thú y, giết mổ… để hạ giá thành sản phẩm, đảm bảo vệ sinh và tăng sức cạnh tranh.

"Về mặt tổng thể, theo tôi giải pháp quan trọng là cần hạ giá sản phẩm, nâng cao chất lượng và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện chúng ta đang đẩy mạnh sản xuất giống được khoảng 9%. Nếu liên kết tốt, bớt khâu trung gian và giảm được giá thức ăn chăn nuôi thì giá thành sẽ giảm khoảng 15%, đủ sức cạnh tranh với sản phẩm nhập ngoại”.

PGS-TS Nguyễn Đăng Vang

Về vấn đề này, PGS-TS Nguyễn Đăng Vang – Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam khá lạc quan khi cho rằng, không hẳn vào TPP ngành chăn nuôi sẽ bị thiệt thòi mà còn tùy từng lĩnh vực và vẫn có thời gian để tìm giải pháp ứng phó.

Hiện tại, với việc Việt Nam tham gia vào Khu vực mậu dịch tự do (AFTA) và ASEAN + 5 thì một số mặt hàng thuế đã về mức 0 - 5%, còn khi gia nhập TPP tức là sẽ mở rộng hơn với các thị trường khác. Tuy nhiên, với từng mặt hàng của ngành chăn nuôi, lại có những đặc điểm khác nhau.

Ông Vang phân tích: Đối với gà, các nước nuôi trọng lượng khoảng 2kg, thịt nhão nên không phù hợp với thói quen tiêu dùng của người dân. Đối với lợn, theo ông Vang, chỉ có Mỹ là có ưu thế sản xuất ngô, đậu tương nên sản phẩm thịt lợn của họ có giá thành rẻ hơn thịt lợn nước ta khoảng 20%. Tuy nhiên, nếu họ xuất ngay vào Việt Nam thời điểm này với sản phẩm chính là thịt đông lạnh, trong khi người dân chưa có thói quen ăn thịt đông lạnh nên chúng ta vẫn còn thời gian ứng phó.

Ngoài ra, chúng ta vẫn đang có ưu thế để xuất khẩu thịt lợn vào thị trường Nhật Bản, bởi giá thành sản xuất của chúng ta hiện vào khoảng 42.000 đồng/kg, nhưng ở Nhật Bản phải mất 105.000 đồng/kg.

Liên kết để sống khỏe

Để ứng phó với Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), trao đổi với phóng viên NTNN, ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho rằng, vấn đề quan trọng nhất là người chăn nuôi phải liên kết lại với nhau.

Có thể Hiệp định TPP sẽ chính thức được ký kết và có hiệu lực trong năm nay, điều này sẽ đặt ra thách thức gì đối với ngành chăn nuôi, thưa ông?

- Nếu hiệp định được ký, Việt Nam sẽ trở thành 1 trong 12 thành viên. Xét về trình độ phát triển chăn nuôi thì Việt Nam nằm ở nhóm cuối, do đó thách thức của ngành chăn nuôi khi gia nhập TPP đúng là rất lớn. Trong đó đáng lo ngại nhất là các sản phẩm sữa, thịt bò, thịt gà trong nước sẽ phải cạnh tranh khốc liệt với sản phẩm nhập khẩu về giá, chất lượng, an toàn thực phẩm. Ví dụ, giá sữa tươi nguyên liệu bán tại trại ở New Zealand chỉ khoảng 31 cent/lít, trong khi Việt Nam vào khoảng 63 cent/lít.

Vậy ngành chăn nuôi Việt Nam sẽ phải chuẩn bị những gì để đương đầu với những khó khăn khi tham gia TPP?

- Theo tôi, chúng ta cần thực hiện thành công đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng phát triển những sản phẩm có lợi thế như lợn, gà thả vườn, vịt thịt, vịt trứng. Chúng ta phải tự đổi mới sản xuất, giảm giá thành, tăng chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm vì đây là cách bền vững nhất, nhưng cũng khó nhất. Việc này không làm ngay được mà cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Bên cạnh đó, cần củng cố và hoàn thiện hàng rào kỹ thuật đối với sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu cả về mặt pháp lý, hệ thống phòng phân tích và đội ngũ quản lý; Xây dựng, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật tương thích với khu vực và quốc tế; Nghiên cứu và tạo ra những sản phẩm mới để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thịt tươi của 70% dân số; Đẩy mạnh công tác quản lý hệ thống giết mổ để đảm bảo an toàn thực phẩm và xử lý môi trường…

Với nông dân, ông có lời khuyên gì?

- Theo tôi, quan trọng nhất là bà con phải liên kết với nhau, phải tham gia vào tổ chức để cùng bảo vệ quyền lợi, tăng sức cạnh tranh cho mình. Để làm được điều đó, các cơ quan chức năng, nhất là địa phương cần hỗ trợ bà con về hành lang pháp lý, đào tạo để nông dân biết cách quản lý, vận hành cơ sở sản xuất, kinh doanh của họ… Đặc biệt là trong đào tạo nghề, cần đào tạo họ năng lực kinh doanh vì đây đang là điểm yếu nhất của người nông dân, từ đó giúp họ lựa chọn những mặt hàng có lợi thế để sản xuất ổn định, không chạy theo phong trào.
Xin cảm ơn ông!

Thanh Xuân (Thực hiện)


Thanh Xuân (Thanh Xuân)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem