Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Thiết bị trong nước chưa dùng đã… hỏng
Chúng tôi về Tam Dương, Vĩnh Tường, nơi được coi là thủ phủ chăn nuôi của Vĩnh Phúc, được người dân nơi đây cho biết, họ cũng đã từng dùng các thiết bị nội như giàn sưởi, làm mát, sàn lót nền chuồng… ưu điểm là giá rẻ, nhưng lại rất nhanh hỏng. Ông Đào Xuân Hải (xã Kim Long, Tam Dương, Vĩnh Phúc) đang nuôi tới 60.000 con gà đẻ trứng và khoảng 20.000 gà hậu bị giống Ai Cập cho hay: “Tôi là người rất đồng tình và hưởng ứng phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nên đã đầu tư toàn bộ hệ thống tấm tản nhiệt, máy sưởi… nội. Nhưng chỉ mới dùng được vài năm, chưa đủ khấu hao thì đã hỏng, nên vừa rồi tôi phải đổi sang dùng hàng nhập từ Thái Lan”.
Từ tấm lót sàn chuồng lợn nái đến bóng đèn sưởi ... cũng phải nhập ngoại. Ảnh: L.H.T
Anh Trần Văn Toàn- một hộ chăn nuôi ở xã Nhật Tân (Kim Bảng, Hà Nam) cho rằng, những người chăn nuôi như chúng tôi phải bất đắc dĩ dùng các thiết bị ngoại trong chăn nuôi do trong nước chưa sản xuất được hoặc có sản xuất nhưng chất lượng còn nhiều hạn chế khi áp dụng thực tế. “Đơn cử như tấm sàn nhựa lát cho lợn nái, hàng nội rẻ hơn, nhưng độ bền kém, nhanh hỏng, nên tính ra vẫn đắt hơn hàng ngoại” – anh Toàn nói.
Cũng theo tìm hiểu của NTNN, thời gian gần đây các công ty nước ngoài còn xuất khẩu vào VN cả hệ thống dây chuyền công nghệ. Anh Trần Văn Thanh (ở quận Tân Phú, TP.HCM) sau khi nghiên cứu kỹ về thời cơ làm ăn sắp tới khi VN ký các hiệp định thương mại EU, TPP đã quyết định thuê đất đầu tư một trang trại nuôi heo lớn 1.000 con nái ở Bình Dương. Và công nghệ nuôi anh chọn là từ một công ty của Mỹ. “Họ qua tư vấn lo cho mình hết từ A đến Z, từ công nghệ xây dựng chuồng trại, con giống, kỹ thuật nuôi đến cả quy trình quản lý. Không tính tiền đất, chỉ riêng tiền xây dựng chuồng trại, cơ sở hạ tầng trên diện tích 7ha mà tôi đang làm là đã hết 24 tỷ đồng, trên 1 triệu USD. Họ kêu làm vậy họ mới làm, không thì thôi” – anh Thanh cho biết. Tương tự, bà Nguyễn Như Cường- Chủ nhiệm HTX An Hạ (Bình Chánh, TP.HCM) cũng đang có kế hoạch xây dựng trang trại chăn nuôi bò sữa rộng 40ha ở Đồng Nai. “Tôi chọn công nghệ của Israel. Họ bán công nghệ là cả một gói từ xây dựng chuồng trại (trên diện tích 10ha), đồng cỏ chăn thả (30ha), con giống, kỹ thuật nuôi đến công nghệ quản lý… Tổng cộng chi phí là 2 triệu USD. Mà họ theo mình tới 5 năm, hỗ trợ hết mình trong tất cả các khâu, kể cả hỗ trợ tiền lãi suất không lấy trong 5 năm đầu” – bà Cường cho biết.
Theo tìm hiểu của PV, không chỉ các trang trại nuôi gia công cho các công ty nước ngoài như CP, Japfa phải sử dụng hầu hết các thiết bị, dụng cụ, thuốc men ngoại, mà hầu hết các trang trại, đặc biệt là các trang trại lớn đều phải sử dụng hàng ngoại. Ông Trần Mạnh Thắng, chủ trang trại ở thôn 8, xã An Ninh (Bình Lục, Hà Nam) cho biết, về nguyên tắc khi tham gia nuôi gia công cho CP, người nuôi có thể chủ động mua các loại thiết bị như tấm tản nhiệt làm mát, sưởi ấm, sàn chuồng cho lợn nái, hay hệ thống máng ăn, uống… chỉ có vaccine là bắt buộc phải sử dụng 100% vaccine ngoại.
Song theo ông Thắng, để đồng bộ, ông vẫn phải nhập các thiết bị từ nước ngoài của CP. “Hiện chúng ta cũng đã sản xuất được các loại máng ăn, uống tự động, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, dùng nhanh hỏng, nên bắt buộc phải dùng hàng nhập của CP” – ông Thắng cho hay.
Bỏ ra hàng trăm tỷ để nhập vaccine mỗi năm
Theo thống kê của Cục Thú y (Bộ NNPTNT), mỗi năm Việt Nam phải chi ra hàng trăm tỷ đồng để nhập khẩu vaccine phục vụ phòng chống dịch bệnh cho ngành chăn nuôi. Tính đến hết tháng 8.2014, con số nhập khẩu vaccine của nước ta vẫn còn rất cao, dù năm nay được coi là năm ít dịch bệnh xảy ra trong ngành chăn nuôi. Cụ thể, nhập hơn 12,5 triệu liều vaccine lở mồm long móng, trị giá 5,9 triệu USD; hơn 5,4 triệu liều vaccine, trị giá hơn 7,9 triệu USD; hơn 151,8 triệu liều vaccine cúm gia cầm, trị giá hơn 2,6 triệu USD.
Ông Phùng Quốc Chướng – Viện trưởng Viện Thú y cho biết, để nghiên cứu ra được một vaccine phòng bệnh rất tốn kém nhưng từ nghiên cứu tới ứng dụng lại là một vấn đề khác. Hiện Bộ NNPTNT “đặt hàng” hai đề tài nghiên cứu là cúm gia cầm gần 5 tỷ đồng và tai xanh gần 8 tỷ đồng. Trong đó, đề tài nghiên cứu cúm gia cầm H5N1 đã hoàn thành nhưng để đưa vào sản xuất lại vướng nhiều vấn đề nên chưa thể triển khai được.
Cùng chung nhận định trên, ông Nguyễn Văn Phú (Công ty TNHH Dược Hanvet) cho biết, ở Việt Nam hiện nay chỉ có 3 đơn vị cung ứng vaccine nhưng cũng chỉ chiếm chưa đầy 10%, còn lại là nhập khẩu ở nước ngoài. “Thị trường vaccine ở Việt Nam vẫn còn bỏ ngỏ, chủ yếu vẫn phụ thuộc vào nước ngoài”- ông Phú cho biết.
Theo đánh giá của Cục Thú y, qua tìm hiểu tình hình sử dụng vaccine cho thấy, phần lớn các trang trại chăn nuôi quy mô lớn, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thường lựa chọn vaccine nhập khẩu để sử dụng, trong khi đó vaccine do các doanh nghiệp trong nước sản xuất thường chỉ được các hộ gia đình, trang trại chăn nuôi quy mô nhỏ sử dụng.
TS Mai Huy Tân – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Đức Việt khi ra nhập TPP, chúng ta có rất nhiều điểm yếu, hiện tuyệt đại đa số là chăn nuôi nhỏ lẻ, các hộ chăn nuôi nhỏ thì khả năng tài chính của nông dân không có để đầu tư nên rất khó cạnh tranh về giá cả đối với các trang trại lớn ở trong nước. Trong khi chăn nuôi của chúng ta lại phụ thuộc lớn vào nước ngoài, phải nhập khẩu từ nguyên liệu TACN, máy móc thiết bị, thuốc và vaccine nên nếu chúng ta không chủ động giảm nhập khẩu, hạ giá thành sản phẩm sẽ thua ngay trên sân nhà.
Cũng theo Cục Thú y, nguyên nhân chính của tình trạng này là do phần lớn vaccine sản xuất trong nước đều dùng công nghệ cũ như sản xuất trên môi trường trứng hoặc trên môi trường động vật, trong khi đó các nước tiên tiến đã và đang sản xuất vaccine trên môi trường tế bào, vaccine công nghệ mới như vaccine tái tổ hợp, vaccine tiểu phần… điều này khiến cho vaccine nhập ngoại thường có chất lượng cao và ổn định hơn so với vaccine sản xuất trong nước.
Đây là một trở ngại lớn cho các doanh nghiệp trong nước khi phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu vì thông thường đầu tư cho sản xuất vaccine thường khá cao, tỷ lệ thu hồi vốn chậm nên hiệu quả đầu tư chưa cao.
Điều này khiến cho các doanh nghiệp trong nước khá e ngại trong quyết định đầu tư dây chuyền sản xuất vaccine cũng như cho đầu tư nhân lực có chuyên môn cao.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.