Theo thông tin từ Cục Chăn nuôi, từ năm 2006 đến nay khoảng 7 triệu hộ chăn nuôi quy mô nhỏ đã bỏ nghề. Ông đánh giá như thế nào về thực trạng này?
- Thực tế này đã và vẫn đang diễn ra. Chăn nuôi nông hộ quy mô nhỏ giảm dần nhưng thay vào đó là các trang trại có quy mô lớn hơn. Tuy nhiên, cũng phải nhấn mạnh rằng chăn nuôi hộ, trang trại vừa và nhỏ vẫn có vai trò cực kỳ quan trọng trong nền kinh tế nước ta. Theo tính toán của chúng tôi, năm 2010, chăn nuôi nông hộ, trang trại vừa và nhỏ cung cấp đến 96,9% thịt cho tiêu dùng.
|
Hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thường tự ngừng sản xuất do gặp nhiều rủi ro. |
Có ý kiến cho rằng, hiệu quả kinh tế chăn nuôi hộ gia đình không cao, đặc biệt là dễ xảy ra dịch bệnh, ô nhiễm môi trường đã khiến cho chăn nuôi hộ đang "chết dần", ông nghĩ sao?
- Nhìn chung chăn nuôi hộ quy mô nhỏ là những hộ có thu nhập thấp, kỹ thuật công nghệ thấp, chủ yếu dựa vào tập quán chăn nuôi truyền thống. Vì thế, họ phải đối mặt với nhiều thách thức như: Thị trường tiêu thụ, an toàn sinh học trong chăn nuôi thú y, giá thành sản phẩm thịt cao khi chăn nuôi vượt nguồn thức ăn phụ phẩm tự có trong gia đình, vấn đề an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng... Đặc biệt chăn nuôi hộ gia đình quy mô nhỏ đối mặt với rủi ro lớn do dịch bệnh, ô nhiễm môi trường. Chăn nuôi nông hộ phân bổ trong dân cư khó kiểm soát dịch bệnh trên cả người và gia súc, gia cầm… Nhiều rủi ro khiến lợi nhuận thấp nên bản thân chăn nuôi hộ quy mô nhỏ có xu hướng tự mất đi.
Nhưng chăn nuôi quy mô nhỏ lại có vai trò rất lớn trong việc tạo thu nhập cho người dân, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, trong khi phát triển chăn nuôi quy mô lớn, công nghiệp chưa thể thay thế. Theo ông, làm gì để giải quyết vấn đề này?
- Hiện nay chăn nuôi nước ta đã được hoạch định theo hướng chăn nuôi công nghiệp, thâm canh, sản xuất hàng hóa. Chăn nuôi có quản lý, kiểm soát, bảo vệ môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm. Tất nhiên, chúng ta còn nghèo, việc chăn nuôi hộ nhỏ lẻ có thể cải thiện bữa ăn hoặc trao đổi hàng hóa theo kiểu lấy công làm lãi. Ở miền núi, vùng sâu vùng xa, ít việc làm, nhiều lao động, đất đai lại rộng nên phải tận dụng những lợi thế này để duy trì, phát triển chăn nuôi hộ nhỏ lẻ. Đặc biệt, việc phát triển chăn nuôi quy mô hộ nhỏ có thể tạo những sản phẩm có xuất xứ địa lý đặc trưng cho các vùng miền như: Sữa bò Mộc Châu, lợn Mán, gà đồi Bắc Giang…
Theo ông cần có những chính sách gì để duy trì hiệu quả chăn nuôi hộ nhỏ lẻ, trong khi vẫn phát triển được chăn nuôi theo quy mô lớn?
- Trước hết cần tăng cường hệ thống thú ý công nhằm giúp người chăn nuôi tránh được những rủi ro không đáng có. Đồng thời nâng cao kiến thức chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh cho người dân thông qua hệ thống khuyến nông. Hơn nữa, đối với người nghèo, cần tiếp tục có nguồn vốn chính sách để khuyến khích họ tăng gia sản xuất. Đặc biệt, phải hình thành được mô hình các hộ nông dân tự nguyện liên kết sản xuất thông qua hình thức là các hợp tác xã; các hộ gia đình cần có sự liên kết với doanh nghiệp theo cơ chế hợp đồng để tạo sản phẩm quy mô lớn, đồng nhất. Xuất xứ địa lý của các sản phẩm trong chăn nuôi cũng cần được quan tâm và đầu tư nhiều hơn.
Xin cảm ơn ông!
Hữu Thông (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.