Chàng kiến trúc sư Nhật và mối lương duyên với kiến trúc cổ Việt Nam

Hoàng Nhật Thứ sáu, ngày 21/06/2019 07:00 AM (GMT+7)
Mỗi viên ngói cổ trên các mái nhà rêu phong hàng trăm năm tuổi ở Hội An, đối với kiến trúc sư (KTS) Ando Katsuhiro đều là những viên ngọc quý. Chủ nhân của những ngôi nhà cổ nằm trong dự án bảo tồn, trùng tu năm xưa vẫn còn nhớ như in hình ảnh một anh chàng kiến trúc sư người Nhật trẻ măng, luôn nghiêm túc trong công việc. Nhiều năm sau khi Ando quay lại thăm nơi này, một số người dân địa phương vẫn thân mật gọi anh: “Ando ơi!”.
Bình luận 0

img

Ảnh chụp KTS Ando Katsuhiro khảo sát một ngôi nhà cổ tại Hội An (Ảnh: JICA Việt Nam)

Cuộc trò chuyện ngắn ngủi giữa người viết với kiến trúc sư Ando Katsuhiro tại văn phòng JICA ở Hà Nội mang tới cho cả hai cảm giác thân thiện như quen biết từ lâu. Dù đã rời Việt Nam gần 6 năm, vốn tiếng Việt có phần mai một, nhưng qua từng câu chuyện, từng tấm hình được Ando chia sẻ, mọi người vẫn cảm nhận được tình yêu di sản và mối lương duyên Việt – Nhật vẫn còn sâu đậm trong anh.

img

Họ và tên: Ando Katsuhiro.

Chuyên môn: Kiến trúc sư, phát triển du lịch, quy hoạch đô thị và khu vực.

Chức vụ: Giảng viên, Khoa Quản lý chính sách toàn cầu song song với bản địa và Truyền thông, Trường Đại học Tỉnh Yamanashi, Nhật Bản.

Chuyên gia về Phát triển du lịch, Dự án đa dạng hóa sinh kế dựa vào Du lịch di sản tại các bản làng nông ngư nghiệp (JICA Việt Nam).

Sống” cùng di sản Hội An

Ando bảo, khoảng thời gian 11 năm anh gắn bó, làm việc tại nhiều vùng quê trên khắp đất nước Việt Nam cũng là cái duyên.

Sang Việt Nam lần đầu tiên khi còn là một sinh viên đi theo thầy giáo tới Hội An để thực hiện đề tài nghiên cứu về phát triển du lịch. Sau đó, Ando Katsuhiro đã quyết định làm việc tại Việt Nam và trở thành chuyên gia về du lịch di sản và du lịch văn hóa, theo Chương trình Cử tình nguyện viên của JICA.

Anh Ando kể lại: “Tôi bắt đầu làm việc tại Việt Nam từ năm 2003. Công việc đầu tiên của tôi là làm tình nguyện viên của JICA cho công tác bảo tồn phố cổ Hội An. Lúc đó, Hội An là một khu phố yên bình, người dân địa phương mới chỉ biết làm một vài món đồ lưu niệm để làm quà tặng cho khách du lịch.

Trong giai đoạn đó, tôi đã tham gia thiết kế, trùng tu nhà cổ, quản lý việc trùng tu tại hiện trường và góp phần nâng cao ý thức người dân trong việc bảo tồn khu phố cổ này. Lúc đó, khu vực Hội An được công nhận là di sản thế giới còn lại khoảng 450 ngôi nhà cổ. Trong đó, ngôi nhà cổ nhất được xây dựng cách đây 300 năm. Nhiều ngôi nhà trong số này gặp phải những vấn đề khó khăn như mối mọt hay mưa dột, không đảm bảo cuộc sống sinh hoạt thường ngày của người dân.

Song thực tế những ngôi nhà ở đây vừa là tài sản văn hóa, vừa là nơi sinh sống của con người. Do đó, trước khi trùng tu chúng tôi phải điều tra rất kỹ về lịch sử của từng ngôi nhà, về cách sinh hoạt của một gia đình, rồi nguyện vọng của những người sinh sống trong ngôi nhà đó.

Một điều dễ nhận thấy nhất là do nhu cầu về các trang thiết bị sinh hoạt hiện đại ngày càng tăng cao để cuộc sống được tiện lợi hơn, nên những đồ gia dụng điện, nhà tắm hiện đại, bếp ga được lắp đặt nhiều. Những thay đổi đó là hệ quả của phát triển du lịch. Người ta sửa lại nhà để phục vụ kinh doanh, chuyển sang làm du lịch. Vậy nên, trong quá trình làm việc, tôi đặc biệt chú ý đến những việc thiết kế sao cho thuận lợi nhất cho sinh hoạt. Trong quá trình làm việc, các kiến trúc sư địa phương cũng chia sẻ với tôi những suy nghĩ trên”.

Song song với quá trình trùng tu, Ando cũng thường xuyên trao đổi với các kiến trúc sư và thợ mộc ở đây về những điểm khác nhau giữa kiến trúc Nhật Bản và Việt Nam. Theo anh, điểm giống nhau trong kiến trúc của hai nước là những ngôi nhà gỗ được xây dựng cẩn thận trong một thời gian dài thường rất đẹp và được truyền lại cho các thế hệ sau như một di sản. Vậy nên, theo Ando, điều khó nhất chính là việc bảo tồn di sản Hội An vừa là nơi sinh sống của con người, nhưng cũng vừa giữ được những nét kiến trúc cổ vốn có của nó. Với anh, mỗi viên ngói cổ trên các mái nhà rêu phong hàng trăm năm tuổi ở Hội An đều là những viên ngọc quý.

Kết quả, năm 2004, ngôi nhà thờ cổ gần 200 năm tuổi này đã được vinh danh bằng Giải thưởng Công trạng (Award of Merit) do chính UNESCO châu Á – Thái Bình Dương trao tặng cùng 5 ngôi nhà cổ khác trên toàn quốc.

img

KTS Ando Katsuhiro trong một chuyến khảo sát nhà cổ tại Cái Bè, Tiền Giang (Ảnh: JICA Việt Nam)

Sau Hội An, Ando tiếp tục chuyến hành trình của mình tới nhiều miền quê trên khắp đất nước Việt Nam thông qua các dự án trùng tu nhà cổ ở làng Phước Tích (Huế), Cái Bè (Tiền Giang), Đường Lâm (Hà Nội)… Song trong lòng chàng KTS người Nhật Bản, Hội An vẫn là nơi lưu lại nhiều kỉ niệm đáng nhớ nhất.

“Ở Việt Nam, tôi đi được khoảng 40 tỉnh thành,nhưng nơi tôi thích và ấn tượng nhất vẫn là Hội An. Hội An là nơi tôi đặt chân đến lần đầu tiên và sau nhiều năm tôi quay lại thăm nơi này, một số người dân địa phương vẫn gọi tôi: Ando ơi! Tôi nghĩ điều đó làm tôi ấn tượng nhất mà ở Nhật không có”, Ando tâm sự.

Những tâm tư ở làng cổ Đường Lâm

“Lần đầu tiên đến thăm Đường Lâm, tôi thấy dường như thời gian nơi đây đã ngừng lại. Tôi thấy cảnh người nông dân ra đồng với con trâu, hình ảnh mà tôi không còn tìm thấy được ở Nhật Bản hiện tại vì công việc nhà nông đã được cơ giới hóa. Cuộc sống chậm rãi và yên bình nơi đây thực sự là linh hồn của làng cổ”, Ando chia sẻ.

Năm 2005, sau khi Đường Lâm được xếp hạng di tích quốc gia, khách du lịch đến đây ngày một nhiều. Tuy nhiên, làng cổ này vẫn còn nhiều tài nguyên du lịch chưa được phát triển. Ando Katsuhiro cùng với các đồng nghiệp tại trường Đại học nữ Chiêu Hòa và các đồng nghiệp Việt Nam đã cùng nghiên cứu, làm việc để góp phần trùng tu các nhà cổ và phát triển mô hình du lịch cộng đồng tại Đường Lâm. Năm 2014, Dự án bảo tồn làng cổ Đường Lâm có sự tham gia của anh đã chính thức nhận Giải thưởng của UNESCO Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương”.

img

KTS Ando Katsuhiro tại Đình Mông Phụ, Làng Đường Lâm (Ảnh: JICA Việt Nam)

Tiếp đó, thông qua Dự án “Hỗ trợ phát huy vai trò của cộng đồng trong phát triển bền vững tại Việt Nam thông qua du lịch di sản” thuộc Chương trình Đối tác Phát triển của JICA (do Trường Đại học nữ Chiêu Hòa triển khai tại làng Phước Tích (Huế), Cái Bè (Tiền Giang), Đường Lâm (Hà Nội) từ năm 2014 đến năm 2017), chàng KTS người Nhật đã phối hợp với Ban Quản lý làng cổ Đường Lâm tiến hành những cuộc khảo sát tìm kiếm các tài nguyên du lịch mới của làng, từ đó xây dựng bản đồ du lịch của những vùng du lịch đã khảo sát.

Qua khảo sát, những hướng dẫn viên và cán bộ trong ban quản lý đã bày tỏ rằng: những nơi mà họ không để ý trước đây, từ bây giờ trở đi sẽ có thể trở thành điểm du lịch hấp dẫn.

Ando kể lại: “JICA chọn Đường Lâm vì đây là ngôi làng cổ hiếm hoi còn giữ nguyên vẹn các giá trị truyền thống từ lịch sử đến kiến trúc, văn hóa ẩm thực, giá trị nhân văn, lễ hội, cùng hệ thống hơn 100 ngôi nhà cổ, trong đó có gần 40 nhà có niên đại từ 100 đến 400 năm”.

Không chỉ giúp đỡ tạo bản đồ du lịch cho những ngôi nhà cổ, Ando cùng JICA đã hướng dẫn người dân cách xây dựng thương hiệu riêng của làng nghề Đường Lâm cho các sản phẩm truyền thống như tương, kẹo lạc... thông qua thiết kế mẫu mã, lô-gô đẹp hơn cho sản phẩm. Người dân còn được hướng dẫn để mở các nhà hàng ăn uống, cách làm các món ăn dân dã nhưng là đặc sản của làng, cách phục vụ khách du lịch sao cho tốt nhất… Những người dân địa phương sẽ là hướng dẫn viên đưa khách du lịch đến gần với văn hóa của làng quê Việt hơn.

Giúp đồng bào Thái làm du lịch thoát nghèo

Từ tháng 4/2017, Ando bắt đầu công tác giảng dạy về du lịch tại Trường Đại học tỉnh Yamanashi. Trước đó anh đã cùng trường Đại học nữ Chiêu Hòa đề xuất thành công dự án mới cũng thuộc Chương trình Đối tác Phát triển có tên gọi là Dự án “Đa dạng hóa sinh kế dựa vào du lịch di sản tại các bản làng nông ngư nghiệp vùng sâu vùng xa” triển khai tại Cù Lao Chàm, Hội An và đặc biệt là tỉnh Nghệ An. Dự án được thực hiện từ năm 2016 đến năm đầu năm 2019.

img

Trải nghiệm đi thuyền trên sông Giăng (Ảnh: JICA Việt Nam)

Ando Katsuhiro diễn tả: “Cái cảm giác thú vị khó diễn đạt bằng lời khi tôi bắt đầu bước chân lên thuyền để ngắm sông Giăng, sông như tơ lụa vắt qua đại ngàn, dòng nước quý bao đời vỗ về các bản làng với không chỉ con cá, con tôm và nước uống mà còn là con đường giúp bà con dân bản giao lưu với thế giới bên ngoài. Cảm giác ấy theo suốt chặng hành trình, nhất là đoạn cuối dòng sông, nơi tôi gặp một bản làng tộc người Đan Lai mà ý nghĩa về thời gian không còn tồn tại ở đây, không hề có dấu vết của cuộc sống hiện đại... Sông Giăng với tôi rất hiếm trên thế giới bởi sự hoang sơ đến ngỡ ngàng”.

Nhưng trong lòng anh cũng tự hỏi: “Làm thế nào để giúp bà con đồng bào dân tộc Thái cải thiện cuộc sống?”.

Con Cuông có nhiều tiềm năng phát triển du lịch tại, với nhiều điểm tham quan hấp dẫn, như thác Kèm, suối Mọc, vườn quốc gia Pù Mát… nhưng khoảng cách lại xa trung tâm thành phố Vinh và đường đi khá khó khăn. Thêm vào đó, người dân địa phương cũng tham gia hoạt động du lịch nhưng mới ở mức tự phát chưa có đầu tư bài bản. Do vậy, phát triển du lịch vẫn là bài toán khó không chỉ đối với huyện Con Cuông, mà với cả chuyên gia Ando Katsuhiro khi mới tiếp cận địa phương.

img

Giao lưu văn hóa tại homestay của đồng bào người Thái ở Nghệ An (Ảnh: JICA Việt Nam)

Ý tưởng đầu tiên của Ando là chọn các “hạt giống” nòng cốt, những gia đình có khả năng kinh tế, lấy đó làm hạt nhân để liên kết với những người xung quanh làm du lịch cộng đồng. Dự án của Ando hỗ trợ hình thành các nhóm du lịch như nhóm homestay, nhóm sản xuất các sản phẩm từ cam, nhóm ẩm thực, nhóm văn nghệ, nhóm trải nghiệm đồng áng.

Thậm chí, Ando đã mời giảng viên của Khoa Du lịch, ĐH KHXH&NV (ĐHQG Hà Nội), cùng giáo sư người Nhật tới hướng dẫn bà con cách tiếp đón khách du lịch, cách nấu nướng, trang trí, bày biện món ăn trên các vật dụng được làm từ tranh tre nứa lá...

"Các chuyên gia Nhật Bản cũng đã đến dạy cho bà con bản Nưa cách nấu ăn và sử dụng những dụng cụ của thiên nhiên để nấu ăn, hỗ trợ dụng cụ bằng tre đan để sản xuất, giúp bà con khôi phục nghề truyền thống. Và người dân nếu hiểu được sự hòa hợp giữa thiên nhiên và con người, tận dụng nó để phát triển du lịch thì thật tốt. Các bạn tôi đến Con Cuông đều thú vị khi trải nghiệm du lịch homestay, ngủ nhà sàn, thưởng thức các thức ăn tự nhiên, sáng ra được đánh thức bởi tiếng gà gáy, tiếng suối chảy, ngắm mặt trời lên sau đỉnh đại ngàn. Hiện nay, điều đáng mừng là người dân Con Cuông đã hợp tác rất tích cực để làm du lịch, các công ty lữ hành cũng đã đưa du khách tới”, Ando nói.

img

Bữa ăn do đồng bào người Thái tự tay làm để phục vụ khách du lịch tại bản Nưa (Ảnh: JICA Việt Nam)

Đội nón lá, nói tiếng Việt khá thành thạo, Ando chẳng ngại ngần đi tới những bản làng xa xôi nhất, và chẳng mấy chốc mà đồng bào Thái ở Con Cuông không mấy người là không biết “ông” tiến sĩ Nhật hiền hậu ấy.

Trong con mắt của chị Lô Thị Hoa (người dân tộc Thái), Ando là người nhiệt tình có một không hai, am hiểu về du lịch và đặc biệt là luôn góp ý chân thành về cách gìn giữ những cái “chất” của bản làng dân tộc. Anh không ép người dân học theo phong cách của Nhật Bản, chỉ đưa thêm ý tưởng để họ tự giữ bản sắc.

img

Trong quá trình làm việc tại Việt Nam, KTS Ando từng giành được những giải thưởng: 

  • Giải Thành tựu (Performance award) cho nỗ lực bảo tồn di sản thế giới Hội An, tháng 11/2005;
  • Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Văn hóa, Thể thao và Du lịch” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam trao tặng (theo Quyết định số 4235/QĐ-BVHTTDL ngày 01/11/2012);
  • Giải thưởng dành cho Kiến trúc sư/Nhà thiết kế/Tư vấn, Bằng khen “Bảo tồn công trình cổ tại Làng cổ Đường Lâm”, Giải thưởng UNESCO Bảo tồn Di sản Văn hoá Châu Á - Thái Bình Dương (tháng 9/2013);
  • Giải thưởng Thành viên danh dự dành cho người có đóng góp bảo tồn di sản thể giới Hội An (Tháng 1/2015).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem