Nhìn người bạn cùng học thời cấp 3 nằm bất động trên giường bệnh, Phan Ngọc Quý (SN 1993) thương bạn rơi nước mắt. Rồi khi biết gia đình bạn đang khánh kiệt về khoản tiền hàng trăm triệu đồng để điều trị, Quý đã nghĩ ra cách chạy xe ôm, để thêm một khoản tiền nho nhỏ, giúp bạn qua cơn nguy kịch.
Phan Ngọc Quý và chiếc xe wave chuẩn bị đón khách trước cổng Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: LN
“Tôi đang rất cần tiền”
Những ngày qua, trên mạng xã hội Facebook, dòng trạng thái (status) của Phan Ngọc Quý (nickname Kẹo Đắng), sinh viên năm cuối, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã thu hút hàng nghìn bình luận và được hàng nghìn người chia sẻ.
Dòng trạng thái của Quý bắt đầu với số điện thoại của mình và mấy câu ngắn gọn: “Tôi đang rất cần tiền. Ngày mai và ngày kia, thứ Bảy và Chủ Nhật tôi sẽ chạy xe ôm để dành số tiền đó ủng hộ bạn tôi. Nếu các bạn cần đi đâu hãy gọi cho tôi. Tôi sẽ lấy rất rẻ”. Kèm theo đó, Quý đưa thêm thông tin về người bạn học cùng thời cấp 3 là Phùng Thiều Lam (SN 1993), sinh viên năm 3, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đang chơi vơi giữa sự sống và cái chết bởi căn bệnh viêm cơ tim.
“Gia đình Lam đã khánh kiệt. Tôi sẽ không cầu xin sự giúp đỡ của bất kì ai, vì các bạn cũng là sinh viên như tôi làm gì có tiền, chỉ có lao động chân chính mới tạo ra giá trị. Bởi vậy các bạn hãy giúp tôi chia sẻ thông tin này, để có thêm nhiều người biết đến và tôi sẽ có nhiều tiền hơn để ủng hộ cho bạn ấy. Tôi sẽ làm việc mọi thời điểm kể cả là 1, 2 giờ sáng nếu các bạn cần. Tôi sẽ lấy rẻ, rất rẻ, các bạn hãy gọi cho tôi”, Quý kêu gọi trên Facebook. Và chỉ sau một thời gian ngắn, dòng thông tin của Quý đã có hiệu quả. Từ 4 giờ sáng, đã có người gọi điện cho em.
Ngồi trò chuyện với chúng tôi bên góc hành lang của Bệnh viện Bạch Mai, chiếc điện thoại của Quý réo chuông liên hồi. Thỉnh thoảng một ai đó bảo Quý đến chở đi công việc, một khách hàng nào đó lại muốn thuê quý “ship hàng”, có người thì gọi thẳng Quý đến nhà để đưa tiền ủng hộ.
Quý mở máy điện thoại, chỉ vào danh bạ, hàng loạt họ tên được Quý đánh dấu 2 kí tự đầu tiên là TT. Quý bảo, đó là viết tắt của “từ thiện”, “em muốn lưu lại để sau này khi có cơ hội Lam còn biết, đã rất nhiều người bên bạn, ủng hộ bạn cả vật chất, tinh thần với mong muốn cho Lam sẽ vượt qua bạo bệnh”. Vừa nói, Quý vừa kể những con người mà em chưa một lần gặp mặt, họ đọc được thông tin qua Facebook rồi theo số điện thoại rồi gọi điện.
“Đa số họ biết em lấy tiền cho bạn chữa bệnh nên đều cho thêm. Có người em lấy công 30.000 đồng thì trả em 500.000 đồng, có người cho em lên 1 triệu đồng. Có những trường hợp khiến em rất cảm động như một bác đã khá già ở Kim Giang, gọi em đến rồi xuống nhà đưa tiền cho em, hay có anh chỉ gọi em đến ngồi uống cà phê, trò chuyện rồi gọi thêm bạn bè đến ủng hộ. Hay như nhóm các bạn chuyên “ship hàng” đã dành một ngày công để đưa tiền cho em. Trong 2 ngày chạy xe ôm, ngày đầu tiên em thu về được 445.000 đồng, ngày thứ hai thì hơn 7 triệu đồng. Đó là những khoản tiền rất nhỏ, nhưng em cảm thấy ấm áp tình người vô cùng”, Quý xúc động chia sẻ.
“Chúng tôi nợ nhiều người”
Bà Thiều Thị Oanh bên giường bệnh của con.
Chiếc balo bên Quý đã phủ đầy bụi trắng. Một ngăn Quý để dành cho tiền vào đó mà Quý gọi là “ngăn của Lam”. “Được bao nhiêu tiền xe ôm và ủng hộ, em cho vào đây”, Quý nở nụ cười rất tươi. Phan Ngọc Quý cho biết, em quê ở xã Nghĩa Hồng, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An là bạn học cùng lớp chuyên hóa với Phùng Thiều Lam ở Trường THPT chuyên Đại học Vinh.
Khi biết bạn bị trọng bệnh, trong lớp cũ của Quý đã có nhiều bạn đến thăm và kêu gọi ủng hộ bằng nhiều hình thức. “Có bạn ủng hộ bằng tiền, có bạn đến chăm sóc Lam ở bệnh viện cùng gia đình, còn em, sau khi suy tính, chỉ thấy việc chạy xe ôm là nhanh nhất, vừa có tiền ngay, vừa tranh thủ được thời gian đi học. Nhìn Lam nằm bất động trên giường bệnh, gia đình đã vay mượn hàng trăm triệu đồng, thậm chí là treo biển bán nhà để cứu bạn mà em không cầm được nước mắt. Ngày đầu tiên được 445.000 đồng, cầm tiền đưa cho mẹ Lam, cả hai cô cháu nhìn nhau rồi khóc. Mẹ Lam bảo em đừng làm như thế nữa, hãy lo việc học nhưng em không nghe. Nhìn bạn mình như thế, có ngồi học cũng không yên tâm anh ạ”, Quý tâm sự.
Nghe câu chuyện của Quý, người viết thực sự xúc động. Hai ngày ngược xuôi với những cuốc xe ôm trên đường phố Hà Nội, quần áo Quý đã bám dày bụi bẩn, đôi dép em đi cũng đã sờn, mòn vẹt chạm vào cả gót chân. Mấy hôm nay trời lạnh, em vẫn đôi dép ấy cùng chiếc xe wave cũ kĩ luồn lách khắp các con phố đông đúc để nhặt những đồng tiền nhỏ bé, hi vọng có thêm tiền điều trị cho bạn.
“Ở trọ ngoài không đủ tiền, em xin chuyển vào ký túc xá của trường để ở nhưng mấy hôm nay chạy xe không có thời gian để chuyển. Toàn bộ đồ đạc em vẫn gửi nhờ ở nhà một người bạn, đi cả ngày, đêm về đó ăn cơm và nghỉ ngơi”, Quý cho biết thêm.
Gia đình Quý nghèo. Bố vẫn phải đi làm xa, mẹ thì đã nghỉ hưu và hưởng lương ba đồng, ba cọc. “Cả ngày hôm nay mẹ gọi điện nhưng em chưa dám nghe vì sợ mẹ biết và lo. Chiếc xe bị mòn yên, ngồi lún xuống nên chạy cả ngày cũng hơi đau lưng. Nhưng hôm qua, khi biết tin Lam đã có dấu hiệu phục hồi, mắt mở và chân đã cử động được thì em lại càng có động lực hơn nữa. Hôm nay cũng có một số bạn ở Trường ĐH Xây dựng và Bách khoa liên hệ để giúp em có thêm nhiều khách hàng”, Quý vui mừng thông báo.
Nói đến Quý, bà Thiều Thị Oanh (SN 1961, mẹ của Lam) nghẹn lại. “Chúng tôi nợ Quý, những người bạn của Lam và những người khác một món nợ không biết khi nào trả hết được. Quý đưa cho tôi đồng tiền mà cháu kiếm được, tôi khóc và bảo thế này vất vả lắm, cháu về lo việc học đi nhưng Quý bảo cháu cố gắng được thì sẽ cố gắng chờ bạn tỉnh”, bà Oanh vừa khóc, vừa nói.
Phùng Thiều Lam (SN 1993, trú tại phường Bến Thủy, TP Vinh, Nghệ An), là sinh viên năm 3, Trường Đại học Kiến Trúc Hà Nội. Trưa 29 Tết, Lam đột nhiên có triệu chứng đau đầu, lên cơn sốt, buồn nôn và được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Nghệ An. Nhưng do bệnh tình quá nặng, Lam được gia đình chuyển ra Bệnh viện Bạch Mai. Đến đây, các bác sỹ chẩn đoán em bị viêm cơ tim. Tính đến thời điểm này, tổng chi phí điều trị của Lam đã lên đến gần 600 triệu đồng và đa số là tiền vay mượn. Để duy trì sự sống cho Lam, chi phí điều trị hàng ngày có thể lên tới hàng chục triệu đồng.
Lê Nhung (Gia đình & Xã hội)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.