Hôm đó Kiên ngồi ở hàng ghế đại biểu, rồi được giới thiệu là “ngọn đuốc” đến để “truyền lửa” cho các em khuyết tật ở Trung tâm Dạy nghề từ thiện Quỳnh Hoa (Thanh Trì, Hà Nội). Khi vừa bước lên sân khấu em có vẻ hơi ngại ngùng, nhưng không phải vì khả năng thuyết trình, mà ngại vì con “ác quỷ” ngán ngự trên khuôn mặt em. Nhưng khi được MC hỏi “động lực nào khiến em đã chiến thắng “ác quỷ” để vươn lên trở thành một người có ích cho xã hội?”, thì Kiên lại rất tự tin hào hứng.
Tuổi thơ nghiệt ngã
“Em nghĩ ông trời không cho ai tất cả, cũng không lấy đi của ai tất cả. Tham gia Câu lạc bộ Người khuyết tật, Trung tâm Dạy nghề từ thiện Quỳnh Hoa… em mới biết mình còn may mắn hơn nhiều người là chân tay vẫn còn lành lặn, nhiều người chân tay cà kheo, co quắp… nhưng vẫn nỗ lực vươn lên. Hơn nữa bên em còn có bố mẹ, người thân, bạn bè họ luôn bên em động viên, chia sẻ, nếu em không vươn lên sẽ phụ lòng mọi người” – Kiên chia sẻ.
Lưu Viết Kiên cần mẫn sửa chữa những chiếc quạt khách đưa đến quán.
Hôm tôi đến, Kiên đang sửa quạt điện, điện thoại ngoài quán, làm chung với một người anh họ. Trong lúc chờ Kiên về, ông Lưu Viết Thanh bố Kiên đã kể cho chúng tôi nghe về tuổi thơ đầy nghiệt ngã của em. Ông Thanh cho biết, năm 1965 đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông lên đường nhập ngũ ở đơn vị C3, D112, E595, F377 (thuộc Bộ Tư lệnh 559), chiến đấu ở chiến chiến trường Bình Trị Thiên.
Năm 1968, ông Thanh bị thương nặng không còn khả năng chiến đấu nên được chuyển ra Nghệ An điều dưỡng, phục hồi vết thương. Tại đây, ông đã gặp bà Trần Thị Hạnh nữ điều dưỡng xinh đẹp xứ Nghệ, cảm phục trước những hy sinh của ông cô thiếu nữ Hạnh đã đồng ý trở thành vợ ông. Một đám cưới đơn sơ, nhưng đầm ấm được tổ chức ngay tại trại điều dưỡng.
Hòa bình lập lại, ông cùng vợ về Hà Nội sinh sống, rồi lần lượt 5 đứa con của ông ra đời. “Cả bốn anh chị của Kiên đều khỏe mạnh, hiện đã có gia đình cả, tôi đã thành ông nội, ngoại gần hai chục năm nay rồi. Nhưng riêng Kiên, khi vừa tròn 1 tuổi, bỗng mắt phải xuất hiện một cục thịt to bằng hạt đậu đen, cả nhà ai cũng nghĩ đó là cục “thịt thừa”, nhưng cục thịt này mỗi ngày một to dần ra, với tốc độ rất nhanh.
Lo ngại cho sức khỏe của cháu, gia đình phải bán mấy tạ lúa non để đưa Kiên đi khám, kết quả, bác sĩ bảo Kiên bị u xơ thần kinh, bắt buộc phải mổ, nhưng bán cả gia tài không nổi vài triệu đồng thì lấy đâu tiền mổ, nên vợ chồng tôi đành ngậm ngùi đưa cháu về” – ông Thanh mắt đỏ hoe khi nhắc lại chuyện cũ.
Những năm học mẫu giáo, “cục thịt – ác quỷ” trên khuôn mặt Kiên chỉ độ cái đồng xu, mắt chưa bị che lấp, nhưng khi bước vào lớp 1, “con ác quỷ” này mỗi ngày một phình to ra, đến năm lớp 2 – 3 nó đã to như cái bát to. Thấy mặt Kiên “quái dị”, nên những đứa trẻ lớp khác thường hay trêu chọc, khiến Kiên rất mặc cảm và thường chạy ra sau lớp ngồi khóc một mình. Không chỉ vậy, có người còn ác độc lấy Kiên ra hùa là “ma cà rồng” để dọa những đứa trẻ hư hay khóc, nên nhiều đứa trẻ khi nhắc đến Kiên, nó còn sợ hơn cả “ngáo ộp”, “ma cà rồng” vậy.
Biết phận, để tránh những ánh mắt soi mói, hiếu kỳ của người đời độc ác, đông cũng như hè, Kiên thường xuyên đội chiếc mũ len trùm từ đầu xuống cổ, chỉ lộ ra hai con mắt và lỗ mũi.
Để cắt bỏ đi "ác quỷ" trên mặt, Kiên đã phải trải qua tới 5 lần phẫu thuật và mỗi lần lên... bàn mổ là một lần Kiên và gia đình mang theo hy vọng sẽ chia tay vĩnh viễn với "con ác quỷ" trên khuôn mặt. Mắt phải đành phải khoét đi để mong cứu lấy tính mạng và khuôn mặt, nhưng cuối cùng mắt thì mù, còn mặt thì ngày càng dị dạng...
Sống không chỉ vì mình
Đúng lúc Kiên và gia đình tuyệt vọng nhất, thì cũng là lúc họ hy vọng nhất: “Lúc đó ở Bệnh viện Việt Đức đang có một đoàn bác sĩ của Pháp đi từ thiện. Khi biết hoàn cảnh của gia đình, đoàn đã bảo lãnh tài trợ toàn bộ ca phẫu thuật cắt bỏ khối u “ác quỷ” trên mặt cho cháu” – ông Thanh vui vẻ kể lại.
Lưu Viết Kiên và anh họ Lưu Viết Quân mở quán sửa chữa điện thoại, điện dân dụng.
Ông Thanh cho biết thêm, khi đó bác sĩ Catherine có lẽ là người dành nhiều tình cảm cho Kiên và gia đình hơn cả, bà thường xuyên động viên, chia sẻ với Kiên. Đặc biệt, trước khi về nước bà đã xin nhận Kiên làm con nuôi và tình nguyện chu cấp một khoản tiền nho nhỏ hàng tháng cho Kiên. Cảm phục trước tấm lòng của bác sĩ Catherine, vợ chồng ông bà Thanh mừng rơi nước mắt.
Nhiều lần Kiên đã ôm những tấm hình hồi bé khi còn bình thường rồi nhìn vào gương khóc. Rồi em nghĩ đến cái chết, nhưng rất may em đã không làm điều dại dột. Từ tột cùng đau khổ, Kiên đã đứng dậy bẵng nỗ lực bản thân.
Năm 2003, khi khối u đã được cắt bỏ, qua một người quen Kiên đã lên Trung tâm dạy nghề Thanh Xuân để học nghề sửa chữa điện thoại. Ngày Kiên lên Trung tâm học, gia đình vừa mừng, vừa lo. Mừng vì em đã vượt qua được mặc cảm để học lấy một cái nghề kiếm sống. Còn lo không biết sức khỏe của em có đảm bảo để theo học không, vì dấu hiệu tái phát, mọc ra của khối u vẫn đang ngày hiện rõ. Biết gia đình lo lắng, Kiên mỉm cười, rồi nói một câu chắc nịch: “Bố mẹ yên tâm, khi nào học thành nghề con mới về”.
Đúng là trời không cho ai tất cả và cũng không lấy đi của ai tất cả. Mặc dù học “bữa đực, bữa cái”, nhưng được cái Kiên thông minh, nhanh nhẹn nên hiểu rất nhanh. Hết giờ học, em còn mượn linh kiện của Trung tâm về học, hết tháo ra rồi lại lắp vào. Nhất là những lúc trái gió trở trời, mình mẩy đau ê ẩm, đầu đau như búa bổ, tưởng chừng phải bỏ cuộc, nhưng nghĩ đến những lời hứa với bố mẹ và bố mẹ nuôi ở bên kia bán cầu Kiên lại cắn răng chịu đựng vươn lên. Và sau khóa học em đã trở thành một người chuyên “bắt bệnh” điện thoại.
Kiên tâm sự, khi gần ra trường, em ốm một trận “thập tử nhất sinh”, tưởng như “đứt gánh giữa đường”. Đúng lúc đó, em bỗng nhận được bức thư của bố mẹ nuôi từ bên Pháp gửi về. Bức thư ngắn gọn, nhưng tràn đầy tình cảm: “Bố mẹ rất hạnh phúc khi được đỡ đầu con. Dù ở xa nhưng lúc nào bố mẹ cũng nghĩ về con và luôn cầu chúc cho con khỏe mạnh. Cuộc sống phía trước còn rất nhiều gian nan, nhưng bố mẹ hy vọng con sẽ vượt qua…”. “Đọc xong bức thư em rất xúc động, hạnh phúc và thầm nghĩ mình phải cố gắng hơn nữa để không phụ sự tin yêu gia đình và bố mẹ nuôi” – Kiên mỉm cười cho hay.
Đầu năm 2006, Kiên ra trường, vay mượn vốn từ anh em họ hàng, rồi cùng anh họ Lưu Viết Quân mở quán sửa chữa điện thoại, điện dân dụng. Với tay nghề giỏi, cẩn thận, nên quán "Quân - Kiên" được rất nhiều người tin tưởng, nhiều khách hàng ở Thanh Xuân, Hà Đông... cũng tìm về nhờ Kiên sửa. Không chỉ vậy, từ đó đến nay cái thương hiệu “Kiên điện thoại, điện dân dụng” đã trở thành “địa chỉ đỏ” để các bạn trẻ đến sửa chữa điện thoại và đặc biệt là các bạn trẻ cùng cảnh ngộ đến học nghề với Kiên. “Em nghĩ, cuộc sống là sự bù trừ. Cho đi để nhận lại. Vì vậy em sẵn sàng truyền nghề cho các bạn cùng cảnh ngộ và có nhiều bạn cũng đã thành nghề như Tuấn ở Hà Tĩnh, Chiến ở Phú Thọ… Thực sự đến bây giờ em mới thấu hiểu một câu: “Cứu một người bằng xây bảy tòa tháp” trong giáo lý nhà Phật – Kiên trải lòng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.