Chất độc màu da cam và nỗi đau ba thế hệ

Thứ hai, ngày 20/09/2010 14:49 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ở tuổi thất thập, người cựu chiến binh - thương binh ấy vẫn phải chạy vạy, lao động cật lực để nuôi nấng, thuốc thang cho ba người con và một đứa cháu bị bệnh. Đó là hoàn cảnh của ông Phạm Ngọc Thường, ở xã Ngọc Khê (huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hoá).
Bình luận 0

Vết thương thuở ấy

Theo Quốc lộ 47, chúng tôi tìm về thôn Cao Vân (xã Ngọc Khê)- nơi có căn nhà nhỏ tuềnh toàng nằm lẻ loi ở cuối chân đồi của gia đình cựu chiến binh Phạm Ngọc Thường. Bước vào nhà, cảnh đầu tiên làm chúng tôi chạnh lòng là 2 người bệnh đang nằm chung trên một chiếc giường cũ kỹ đặt ngay ở phía góc nhà.

Nhìn quanh một vòng trong nhà mà chẳng thấy vật dụng gì gọi là có giá trị, ngoài những tấm giấy khen, bằng khen, Huân chương kháng chiến cứu nước. Rót một ly nước lọc tiếp khách, ông Thường buồn rầu tâm sự: "Đó là con út và đứa cháu nội nhà tôi đấy. Cả hai cha con nhà nó đều bị bệnh đã lâu rồi, nhưng nay thì càng ngày càng nặng thêm…".

Nhập ngũ năm 19 tuổi. 22 tuổi vào Đảng, từng tham gia chiến dịch Buôn Ma Thuột và chiến dịch Hồ Chí Minh, đến năm 1976 thì ông Thường xuất ngũ. Được tham gia nhiều trận đánh lớn, với ông, là niềm tự hào của một thời trai trẻ.

Năm 1978, ông lấy vợ. Ở với nhau chưa được 1 năm, ông lại viết đơn lên đường tham gia chiến trường biên giới phía Bắc (năm 1979). Trong thời gian này ông bị thương và đưa về Bệnh viện Quân y Quân khu IV điều trị và xác nhận là thương binh hạng ¼1/4.

Nỗi đau tiếp nỗi đau

img Nhiều lúc tôi muốn buông xuôi cho số phận của mình, nhưng nghĩ lại mình chết đi thì dễ nhưng còn các con, các cháu rồi ai sẽ nuôi chúng nên tôi lại gượng dậy đi làm. img

Chiến tranh qua đi, ông Thường giải ngũ trở về quê hương trước sự chờ đợi của người vợ và gia đình, sự chào đón của bạn bè, hàng xóm láng giềng. Thời gian trôi đi, vợ chồng ông sinh được 3 người con (2 trai, 1 gái), lớn lên cả 3 đều lập gia đình.

Nhưng cuộc đời thật trớ trêu, cả 3 người con lập gia đình khi sinh con đều có biểu hiện bất thường, bệnh tật liên miên. Người con đầu là Phạm Ngọc Chiến thường lên cơn thần kinh, la hét, có lúc chạy khắp làng.

Cô con gái thứ hai là Phạm Thị Trang sau khi sinh con thì đổ bệnh, gầy guộc ốm đau triền miên. Đặc biệt là cháu Phạm Ngọc Dương, con của vợ chồng anh Phạm Ngọc Hải và Phạm Thị Lợi, sinh năm 2004, đến nay đã 6 tuổi nhưng không thể cầm nổi chiếc bát ăn cơm.

Ông Thường kể: "Năm cháu Dương lên 3 tuổi thì mắc phải một căn bệnh lạ, chân tay cháu cứ teo tóp dần đi, ngày càng trở nên ngớ ngẩn, da vàng xạm…". Đi khám, bác sĩ chẩn đoán cháu bị bệnh tim, thiếu máu.

Mỗi tháng cháu Dương phải truyền máu ít nhất một lần, mất 1- 2 triệu tiền thuốc và truyền máu. "Chẳng hiểu thế nào, cả 2 bố con nó đổ bệnh một lúc. Gần mười năm nay, vợ chồng tôi thay nhau chăm sóc con, cháu. Bình thường còn đỡ chứ lúc trái gió trở trời nó thét lên đập phá đồ đạc rồi cười nói suốt ngày…" - ông Thường vừa kể vừa rơm rớm nước mắt.

Trên cơ thể ông Thường hiện đang còn viên đạn. Bình thường ông làm lụng nuôi 3 con và cháu. Nhưng mỗi khi trái gió trở trời cơn đau tái phát dữ dội, ông không làm được việc gì, bụng đói cả nhà chỉ biết nhìn nhau mà khóc.

Chinh chiến bao năm ở chiến trường ông không sợ bất cứ điều gì, vậy mà khi trở về hoà bình để sinh sống ông lại bó tay với cuộc đời. Nghi ngờ bệnh tình của mình ảnh hưởng do chiến tranh, vừa rồi ông Thường đi bệnh viện xét nghiệm và kết quả là ông bị nhiễm chất độc da cam.

Nhưng, hiện ông vẫn chưa được hưởng các chính sách dành cho đối tượng này. Với ông, chính sách đó là rất cần thiết, giúp ông vợi bớt khó khăn trong những tháng ngày cuối đời.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem