Chất lượng tín dụng chính sách được nâng cao

Thứ tư, ngày 13/03/2013 08:20 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nhiều đại biểu cùng đánh giá như vậy tại Hội nghị sơ kết thực hiện Đề án củng cố nâng cao chất lượng tín dụng chính sách khu vực Tây Nam Bộ năm 2012, do Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tổ chức tại TP. Cần Thơ ngày 12.3.
Bình luận 0

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Bùi Ngọc Sương - Phó Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cho biết: Nhìn lại 1 năm thực hiện Đề án, chất lượng tín dụng chính sách trong vùng có những chuyển biến tích cực, có khả năng hoàn thành kế hoạch theo lộ trình đề ra.

img
Hàng trăm ngàn hộ ND khu vực Tây Nam Bộ thoát nghèo nhờ vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng CSXH để đầu tư sản xuất.

Nợ quá hạn còn 2,65%

Báo cáo kết quả thực hiện 5 chỉ tiêu theo Đề án, ông Võ Minh Hiệp - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH cho biết: Trong năm 2012, các chi nhánh tập trung quyết liệt xử lý nợ đến hạn, nợ quá hạn và đạt được kết quả tương đối tốt. Đến 31.12.2012, tổng nợ quá hạn của các chi nhánh trên 437,8 tỷ đồng (chiếm 2,65% tổng dư nợ), giảm 185,5 tỷ đồng so với thời điểm xây dựng Đề án, hoàn thành 147% so với chỉ tiêu nợ quá hạn đề ra theo lộ trình thực hiện đề án đến cuối năm 2012. Trong đó, 11/12 chi nhánh hoàn thành vượt chỉ tiêu.

Cũng theo lãnh đạo Ngân hàng CSXH, tổng dư nợ các chương trình tín dụng tại các chi nhánh đến ngày 31.12.2012 là 16.535 tỷ đồng, tăng 1.376 tỷ đồng so với cuối năm 2011; tỷ lệ tăng trưởng tín dụng đạt 9,08% (tỷ lệ chung toàn quốc là 9,8%). Hầu hết các chi nhánh hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch tín dụng năm 2012.

Tuy vậy, bên cạnh những chuyển biến tích cực vẫn còn một số tồn tại: Tính đến 31.12.2012, còn 7 chi nhánh có tỷ lệ nợ quá hạn lớn hơn 2% là: Bạc Liêu, An Giang, Cà Mau, Hậu Giang, Kiên Giang, Bến Tre và Sóc Trăng. Có 7/12 chi nhánh nợ quá hạn tăng so với thời điểm cuối năm 2011.

Cần cơ chế phối hợp chặt chẽ

Để nâng cao chất lượng tín dụng tại các chi nhánh khu vực Tây Nam Bộ, ông Dương Quyết Thắng - Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH yêu cầu Ngân hàng CSXH cấp tỉnh và cấp huyện phải hoàn toàn chủ động, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, Ban đại diện hội đồng quản trị các cấp và phối hợp với hội đoàn thể, UBND cấp xã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, phấn đấu đến hết năm 2014 đạt được các chỉ tiêu cơ bản: Nợ quá hạn giảm dần từng năm, đến năm 2014 chỉ còn dưới dưới 2%.

Các chi nhánh phấn đấu bình quân mỗi năm giảm 20 - 30% số lãi tồn đọng và đến cuối năm 2014 chỉ còn 30% so với lãi tồn đọng của năm 2011. “Phải giảm ít nhất 50% số nợ bị chiếm dụng so với số nợ bị chiếm dụng còn tồn đọng năm 2011 và đến cuối năm 2014 tổng số nợ bị chiếm dụng tồn đọng tối đa bằng 50% số nợ bị chiếm dụng còn tồn đọng năm 2011. Tổ tiết kiệm và vay vốn được xếp loại tốt trên 60% và không có tổ yếu kém” - ông Thắng nhấn mạnh.

Sau 10 năm hoạt động, Ngân hàng CSXH đã phục vụ trên 4,1 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách trong vùng, với doanh số cho vay gần 30.000 tỷ đồng. Hiện trên 1,9 triệu hộ còn dư nợ với tổng số tiền trên 18.000 tỷ đồng.

Theo lãnh đạo Ngân hàng CSXH, để đạt được những kết quả bước đầu khả quan và có triển vọng nêu trên là do sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, đặc biệt là sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ và quyết tâm của hệ thống Ngân hàng CSXH.

Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan sớm triển khai cho vay hộ cận nghèo; đề nghị cho khu vực Tây Nam Bộ làm thí điểm cơ cấu Chủ tịch UBND xã tham gia Ban đại diện Hội đồng quản trị cấp huyện; có cơ chế xử lý dứt điểm các khoản nợ nhận bàn giao từ Ngân hàng Công Thương VN; Ngân hàng NNPTNT và Kho bạc Nhà nước; có cơ chế phối hợp với các hội, đoàn thể trong việc quản lý và giám sát nguồn vốn cho vay…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem