Châu Âu 'ngồi trên đống lửa' vì sợ viễn cảnh Nga cắt hoàn toàn khí đốt
Châu Âu 'ngồi trên đống lửa' vì sợ viễn cảnh Nga cắt hoàn toàn khí đốt
Phương Đăng (theo Aljazeera)
Thứ năm, ngày 23/06/2022 16:02 PM (GMT+7)
Người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết Nga có thể cắt hoàn toàn khí đốt sang châu Âu khi nước này tìm cách tăng cường đòn bẩy chính trị của mình trong cuộc khủng hoảng Ukraine,
“Tôi sẽ không loại trừ việc Nga tiếp tục tìm lý do để giảm hơn nữa việc cung cấp khí đốt đến châu Âu - và thậm chí có thể khóa van hoàn toàn”, Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol cảnh báo khi nói về viễn cảnh Nga cắt hoàn toàn khí đốt tới châu Âu.
“Đây là lý do châu Âu cần các kế hoạch dự phòng. Châu Âu nên sẵn sàng trong trường hợp khí đốt của Nga bị cắt hoàn toàn. Càng gần đến mùa đông, chúng ta càng hiểu rõ ý định của Moscow hơn", ông Birol nói thêm.
Giám đốc điều hành IEA cũng cho rằng, những biện pháp khẩn cấp mà các nước châu Âu thực hiện để giảm nhu cầu năng lượng có lẽ chưa đủ mạnh nếu Nga ngừng hoàn toàn xuất khẩu khí đốt.
Theo ông Birol, việc Gazprom cắt giảm 60% nguồn cung cấp khí đốt qua đường ống Nord Stream (Dòng chảy phương Bắc) vào tuần trước là "nhằm tránh việc châu Âu lấp đầy kho dự trữ đồng thời gia tăng các đòn bẩy chính trị của Nga trước những tháng mùa đông".
Động thái của Nga diễn ra khi châu Âu đang cố gắng lấp đầy kho khí đốt dưới lòng đất trước mùa Đông. Các công ty khí đốt tích cực nạp đầy kho dự trữ trong mùa Hè với hy vọng khi có thể mua khí đốt với giá rẻ hơn, sau đó, giảm khối lượng mua khí đốt vào mùa Đông, khi nhu cầu sưởi ấm tăng lên.
Ông Birol nói rằng, IEA không coi việc cắt đứt hoàn toàn khí đốt Nga là kịch bản có khả năng xảy ra nhất nhưng cáo buộc Nga đã thao túng giá khí đốt kể từ năm ngoái. Giá khí đốt ở châu Âu đã tăng vọt lên mức cao nhất mọi thời đại.
Liên minh châu Âu đã trừng phạt dầu mỏ và than đá của Nga vì cuộc xung đột ở Ukraine, nhưng không cấm nhập khẩu khí đốt vì họ phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung cấp từ Moscow.
EU phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Moscow để sản xuất điện và vận hành ngành công nghiệp năng lượng.
Tuần trước, Nga đã giảm cung cấp khí đốt cho 5 nước thuộc EU, trong đó có Đức, nền kinh tế lớn nhất của khối. Gazprom giải thích rằng, họ phải cắt giảm khí đốt xuất khẩu cho châu Âu thông qua đường ống Nord Stream vì các lệnh trừng phạt của phương Tây đã khiến một thiết bị quan trọng được đưa đi bảo trì tại Canada bị mắc kẹt.
Tuy nhiên, Đức cáo buộc động thái của Nga mang động cơ chính trị với Bộ trưởng Kinh tế Đức gọi động thái giảm nguồn cung khí đốt cho châu Âu của Gazprom là "một cuộc tấn công".
"Nếu chúng tôi bước sang mùa đông với các kho dự trữ khí đốt chỉ còn một nửa và nguồn cung bị cắt, đó sẽ là một cuộc khủng hoảng kinh tế đầy khó khăn ở Đức", Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck nói ngày 21/6.
Hiện tại, các kho dự trữ khí đốt của Đức chưa được làm đầy tới 60%.
"Chúng tôi đã thấy mô hình này nhiều lần", Bộ trưởng Habeck nói và gọi quyết định giảm nguồn cung khí đốt qua đường ống Nord Stream là cuộc tấn công kinh tế nhắm vào chúng tôi".
Nga hiện chỉ cung cấp 40% nhu cầu khí đốt của châu Âu, trong đó Đức, Ý và nhiều nước Trung Âu phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung này. Khoảng 25% nguồn dầu mỏ cho châu Âu cũng đến từ Nga.
Châu Âu đã vạch ra kế hoạch cắt giảm 2/3 lượng nhập khẩu khí đốt từ Moscow vào cuối năm nay và loại bỏ hoàn toàn khí đốt của Nga vào năm 2027.
EU cũng cho biết, khối sẽ ngừng nhập than của Nga trong tháng 8/2022 và hầu hết dầu của Nga trong 6 tháng tiếp theo. Mục tiêu của việc làm này là khiến Nga giảm 850 triệu USD/ngày tiền bán dầu và khí đốt cho châu Âu để làm giảm động lực của Nga trong cuộc xung đột ở Ukraine.
Thay thế cho khí đốt Nga, các chính phủ và các công ty châu Âu đã mua khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ và được vận chuyển bằng tàu. Tuy nhiên, xung đột Nga-Ukraine đã khiến giá năng lượng tăng vọt, thúc đẩy lạm phát kỷ lục ở châu Âu trong khi Nga luôn đạt doanh thu khí đốt ở mức cao.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.