Trồng sầu riêng ví như cây tiền tỷ, một xã ở Bà Rịa–Vũng Tàu có nhiều nông dân là tỷ phú
Trồng sầu riêng sạch ra trái đang hot, một xã ở Bà Rịa–Vũng Tàu có nhiều nông dân là tỷ phú
Nguyễn Văn Minh (Hội ND xã Long Phước)
Thứ ba, ngày 30/05/2023 05:10 AM (GMT+7)
Hiện tại, nông dân xã Long Phước, thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã trồng được 48,5 ha cây sầu riêng. Mỗi ha sầu riêng, nông dân nơi đây thu lợi nhuận từ 400 - 600 triệu đồng/năm. Đặc biệt, có những nông dân trồng sầu riêng từ trước năm 2000 đến nay đã có lợi nhuận cả tỷ đồng/ha.
Nhiều nông dân vươn lên làm giàu từ trồng sầu riêng
Anh Văn Văn Danh là trong những một nông dân tiên phong trồng cây sầu riêng ở xã Long Phước. Anh Danh cho biết: Anh trồng sầu riêng từ năm 1998 khi chính quyền xã kêu gọi nông dân cải tạo vườn tạp và được người dân ở xã hưởng ứng cao. Trong khi nhiều nông dân tìm cây trồng khác để chuyển đổi, thì anh Danh chọn cây sầu riêng để trồng.
Trước khi bắt tay vào trồng sầu riêng, anh Danh đã nhờ bạn bè tư vấn về chọn giống và trực tiếp đến huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang để tìm hiểu cặn kẽ về kỹ thuật trồng cây sầu riêng. Anh Danh quyết định chọn giống sầu riêng Thái Lan và R6 để trồng.
Với 1ha đất, anh Danh trồng 40 cây sầu riêng giống Thái Lan và 60 cây giống Ri6. Anh Văn Văn Danh cho biết, từ lúc trồng đến khi cây cho trái bói là 7 năm. Tổng vốn đầu tư cho mỗi cây sầu riêng đến khi có trái là khoảng 8 triệu đồng. Sau 7 năm khối lượng trái của mỗi cây khoảng 30 - 50 kg/cây/năm. Đến năm thứ 10 thì cây cho trái trung bình từ 150 – 200 kg/cây/năm. Thời gian sau, nếu chăm sóc đúng kỹ thuật thì mỗi cây có thể cho thu hoạch lên đến 300kg trái.
Anh Danh chia sẻ: "Từ khi sầu riêng của tôi cho trái (vào năm 2005 ) đến nay, tôi chưa bao giờ bị thua lỗ. Trước năm 2015, lợi nhuận của mỗi 1ha sầu riêng khoảng 300 - 400 triệu đồng/năm, chỉ đứng sau cây tiêu. Đến cuối năm 2016, cây tiêu liên tục bị rớt giá thì sầu riêng bắt đầu tăng giá và luôn cho lợi nhuận hơn 500 triệu đồng/ha/năm.
Từ năm 2017 đến nay, 1 ha sầu riêng của gia đình tôi cho thu hoạch trung bình 20 tấn/năm ( trung bình 1 cây cho 200kg trái). Với giá bán dao động từ 60.000 đồng – 70.000 đồng/kg doanh thu bình quân từ bán sầu riêng của tôi được 1,3 tỷ đồng/năm. Sau khi trừ chi phí đầu tư, gia đình tôi còn lợi nhuận 900 triệu đồng/năm. Nông dân trồng sầu riêng chúng tôi chỉ cần giá sầu riêng được 45.000 đồng/kg và sức tiêu thụ tốt thì vẫn có lợi nhuận gần 500 triệu đồng/ha/năm nếu chăm sóc đúng kỹ thuật và cho năng suất cao".
Ông Nguyễn Văn Hướng – hội viên nông dân xã Long Phước có 1,2ha đất trồng cây lâu năm. Lúc đầu, ông Hướng trồng nhiều loại cây ăn trái khác nhau nhưng lợi nhuận không cao. Để chuyển đổi cây trồng có hiệu quả kinh tế, ông đã tham quan nhiều vườn cây ăn trái trong tỉnh, tham khảo ý kiến nhiều người để tìm hiểu. Được Hội Nông dân xã tư vấn, ông Hướng đã quyết định trồng cây sầu riêng từ năm 2003.
Với 1,2ha đất, ông trồng 120 cây sầu riêng Ri6. Sau 8 năm chăm sóc đến năm 2011 sầu riêng của ông bắt đầu cho trái bói. Ông Nguyễn Văn Hướng cho biết: Năm đầu, trung bình mỗi cây sầu riêng ông thu hoạch được 60kg trái, 1,2ha thu hoạch được 7,2 tấn sầu riêng, giá bán sầu riêng lúc đó là 40.000 đồng/kg ông thu được 288 triệu đồng. Sau 3 năm đầu thu hoạch năng suất chênh lệch không cao nên ông chỉ thu lại vốn đầu tư cơ bản và chưa có lợi nhuận.
Đến năm 2015, năng suất sầu riêng tăng trung bình lên mỗi cây 180kg, với giá bán 50.000 đồng/kg, doanh thu từ 120 cây sầu riêng của ông đạt 1,08 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí ông còn lợi nhuận 730 triệu đồng/năm.
Ông Hướng nói thêm, từ năm 2016 đến nay năng suất vườn sầu riêng của ông luôn ổn định từ 22 đến 24 tấn trái/năm, bình quân với giá 55.000 đồng/kg sau khi trừ chi phí ông thu về lợi nhuận mỗi năm hơn 900 triệu đồng.
Ông Lê Huyện canh tác 0,4ha đất. Năm 2000 ông Huyện trồng cây trà xanh và 3 cây sầu riêng giống Thái Lan để thử nghiệm. Do trồng số lượng ít nên 3 cây sầu riêng được ông Huyện chăm sóc rất kỹ, đến năm 2006 sầu riêng của ông bắt đầu cho trái bói. Nhận thấy trồng cây sầu riêng có thể cho thu nhập cao, ông bắt đầu tìm hiểu, học hỏi, năm 2007, ông Huyện quyết định trồng xen 40 cây sầu riêng giống Thái Lan vào vườn chè xanh, sau khi sầu riêng lớn, ông chặt bỏ dần chè xanh. Do trồng và chăm sóc đúng kỹ thuật nên đến nay 43 cây sầu riêng của ông Huyện cho trái ổn định từ 8 tấn đến 8,5 tấn mỗi năm với giá bán trung bình 65.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí đầu tư ông thu về gần 400 triệu đồng.
Sầu riêng Long Phước được công nhận là sản phẩm OCOOP 3 sao, đưa sầu riêng vào siêu thị
Tại xã Long Phước hiện nay có nhiều hộ trồng sầu riêng và thu lợi nhuận hơn 600 triệu đồng mỗi năm. Theo các hộ có nhiều năm kinh nghiệm trồng sầu riêng tại xã Long Phước thì chất đất và khí hậu của Bà Rịa – Vũng Tàu rất thích hợp cho cây sầu riêng phát triển.
Hơn nữa, cây sầu riêng trồng tại xã Long Phước có chất lượng cao, thời gian thu hoạch cũng sớm hơn nơi khác từ 15 đến 20 ngày nên giá bán còn cao, hút khách hàng, sức tiêu thụ tốt, nông dân trồng sầu riêng có thu nhập khá.
Trước tình hình diện tích sầu riêng tăng nóng như hiện nay, nông dân trồng sầu riêng xã Long Phước cho biết sẽ áp dụng tiến bộ kỹ thuật để nâng cao chất lượng trái sầu riêng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, xây dựng thương hiệu để đảm bảo đầu ra.
Nhằm giúp nông dân trồng sầu riêng đảm bảo chất lượng và đạt năng suất cao, giữ được đầu ra ổn định, Hội Nông dân xã liên hệ và mời cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả Miền Đông Nam bộ về hỗ trợ, hướng dẫn nông dân kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh trên cây sầu riêng bằng phương pháp cầm tay chỉ việc.
Cán bộ kỹ thuật của trung tâm đã trực tiếp hướng dẫn nông dân cách phòng ngừa các bệnh thường gặp trên cây sầu riêng như: sâu đục thân, sì mủ thân cây, rụng trái non và đốm lá…
Bên cạnh đó, Hội Nông dân xã luôn tạo điều kiện, giúp đỡ nông dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi từ Quỹ Hỗ trợ nông dân và Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư cho vườn sầu riêng.
Để giúp nông dân liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, Hội Nông dân xã đã thành lập Tổ Hội nghề nghiệp "Trồng sầu riêng" với 24 thành viên. Mới đây, Hội Nông dân xã đã kiến nghị Phòng Kinh tế Thành phố Bà Rịa hỗ trợ kinh phí và phối hợp chặt chẽ cùng UBND xây dựng trái sầu riêng của xã thành sản phẩm COOP.
Đến nay, sầu riêng xã Long Phước đã được UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu quyết định công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Hiện tại, sầu riêng Long Phước đã được siêu thị CoopMart Bà Rịa ký kết hợp đồng thu mua.
Hiện tại, nông dân xã Long Phước, thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã trồng 48,5 ha cây sầu riêng chủ yếu là giống sầu riêng Thái Lan và Ri6, trong đó có 41 ha đang cho trái và 7,5 ha trồng mới từ 1 đến 4 năm.
Trong thời gian qua, giá sầu riêng tăng vọt do được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Diện tích sầu riêng trong cả nước tăng nóng và đã vượt quy hoạch. Tại xã Long Phước (TP Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) nông dân cũng đang phá bỏ cây đang trồng để chuyển sang trồng sầu riêng làm cho nguy cơ cung vượt cầu, rớt giá, ùn ứ là rất cao.
Để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng "trồng chặt, chặt trồng" tại địa phương, Hội Nông dân xã Long Phước thường xuyên tuyên truyền, khuyến cáo nông dân giữ lại các loại cây trồng vẫn cho lợi nhuận, thời gian sinh trưởng còn dài, chỉ chặt bỏ những loại cây trồng kém hiệu quả, già cỗi để chuyển sang trồng sầu riêng theo hướng an toàn, đạt tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời đề xuất, phối hợp cùng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu hỗ trợ hướng dẫn nông dân đăng ký cấp mã số vùng trồng nhằm đảm bảo đầu ra cho sầu riêng của nông dân.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.