Cây "chè đu đưa" mọc trong Vườn quốc gia Xuân Sơn ở Phú Thọ thực ra là giống chè gì?

Thứ bảy, ngày 21/05/2022 06:15 AM (GMT+7)
Dọc theo những rặng hoa Trạng Nguyên đỏ như thắp lửa men lối vào, chúng tôi cùng những cán bộ của Vườn Quốc gia ngược núi, khám phá rừng chè cổ Shan tuyết độc đáo (mà người dân bản địa vẫn quen gọi là “chè đu đưa”) ở xóm Lùng Mằng, xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ
Bình luận 0

Cuối Đông, áp Tết, trong cái rét ngọt của Vườn Quốc gia Xuân Sơn, dọc theo những rặng hoa Trạng Nguyên đỏ như thắp lửa men lối vào, chúng tôi cùng những cán bộ của Vườn Quốc gia ngược núi, khám phá rừng chè cổ Shan tuyết độc đáo (mà người dân bản địa vẫn quen gọi là “chè đu đưa”) ở xóm Lùng Mằng, xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn- Nơi được coi là “rốn” chè cổ trong khu vực...

Cây "chè đu đưa" mọc trong Vườn quốc gia Xuân Sơn ở Phú Thọ thực ra là giống chè gì? - Ảnh 1.

Quần thể chè cổ thụ tại xóm Lùng Mằng hiện có hàng trăm gốc cây một người ôm, có giá trị kinh tế và sức hút đối với khách tham quan.

Cây chè... một người ôm

Xóm Lùng Mằng, xã Xuân Sơn nằm trong vùng lõi của Vườn Quốc gia Xuân Sơn. Anh Nguyễn Văn Hùng, cán bộ Vườn thông tin: Chè Shan tuyết hiện phân bổ đều ở tất cả các khu vực của Vườn, tuy nhiên xóm Lùng Mằng được coi là “rốn” chè, bởi nơi đây qua khảo sát phát hiện một quần thể rộng với 67 cây to và nhiều cây con mọc trên một khu vực đồi rộng lớn...

Cây "chè đu đưa" mọc trong Vườn quốc gia Xuân Sơn ở Phú Thọ thực ra là giống chè gì? - Ảnh 2.

Theo thống kê, tại Vườn Quốc gia Xuân Sơn đang có hàng trăm gốc chè cổ cả người ôm, cao từ 15-20m.

Ngỏ ý đi thăm, chúng tôi được các cán bộ Vườn dẫn đi. Sau một thời gian đi xe máy, đi bộ leo đồi bở hơi tai qua dốc Nhội, cuối cùng tay chúng tôi cũng chạm vào những thân chè cổ mốc thếch, đầy rêu và địa y, mọc cheo leo trên đồi Dun...

Cũng theo anh Hùng, giống chè Shan tuyết này di thực cùng người Dao về Xuân Sơn và được trồng từ những năm 1960. Sơ bộ thống kê, trong ranh giới Vườn hiện có khoảng 2.000 cây, đường kính từ 12-15cm (tuổi đời tầm 20 năm trở lên); đặc biệt có nhiều cây to đường kính lên tới 35-40cm, tuổi đời 50-60 năm, quý nhất là hiện có hàng trăm cây to cỡ này vẫn sinh trưởng tốt và cho thu hái thường xuyên...

Ông Bàn Văn Heng, 62 tuổi là người Xuân Đài- giờ định cư ở xóm Lài, xã Nánh Nghê, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình- giáp ranh rừng chè cổ cho biết: Khu vực Lùng Mằng còn rất nhiều cây chè cổ to, có nhiều cây tới một người ôm, cao hàng chục mét, mọc tít trên đồi, khi  hái phải trèo lên tận ngọn. Mùa thu hái thường bắt đầu từ tháng 2 âm lịch hàng năm cho đến tháng 7-8 thì hết mùa mọc lá và búp. Việc thu hái và sao chè đều làm thủ công. 

Anh Bàn Văn Thanh- con ông Heng, thông tin: Người dân trong bản thường xuyên thu hái về sao uống hoặc hái lá tươi về nấu nước uống cho mát. Chè Shan tuyết nơi đây là chè tự nhiên, không phun thuốc, lại sống nơi đồi cao quanh năm mây phủ nên chất lượng rất tốt do luôn dãi dầu mưa nắng, hấp thụ khí trời và bám rễ đất đồi rừng nên có vị ngọt mát, thơm đượm khó quên. Người dân trong này, ngoài gọi chè Shan tuyết còn gọi là “chè đu đưa” vì cây to, cao tới 15-20m, cả người ôm không hết, mỗi khi muốn thu hái chỉ có cách phải trèo lên ngọn, đu đưa trong gió để nhặt từng lá chè non mỡn…

Cây "chè đu đưa" mọc trong Vườn quốc gia Xuân Sơn ở Phú Thọ thực ra là giống chè gì? - Ảnh 4.

Ông Phạm Văn Long- Giám đốc Vườn Quốc gia Xuân Sơn cho biết: Trong quá trình điều tra, cán bộ Vườn phát hiện hàng trăm cây chè Shan tuyết cổ, có nhiều cây một người ôm, cao từ 15-20m mọc rải rác ở các xóm Dù, xóm Cỏi, xóm Lạng... Đây không chỉ là nguồn gen quý hiếm để bảo tồn, phát triển giống chè quý mà còn mở ra cơ hội phát triển du lịch và làm giầu tiềm năng phát triển kinh tế của bà con các dân tộc trong khu vực Vườn Quốc gia Xuân Sơn khi triển khai các dự án trồng, khai thác, chế biến giống chè cổ này.

Chắt chén “chè đu đưa” anh Thanh hái ở đồi về, quan sát kỹ nước chè có mầu hơi đỏ, nhưng uống vào có vị đặc biệt mát và ngọt nơi cuống họng. 

Chủ nhà kể: Khi hái về, bà con thường chế biến bằng cách sao bằng tay trên chảo nóng cho quắt lá và búp đến khô kiệt rồi mới cất đi uống dần. Nếu làm đúng cách, nước luôn có vị thơm mát, đun cùng nước suối đầu nguồn, uống đến đâu giải nhiệt, mát đến đó. 

Anh Thanh thông tin: Vào vụ, nhiều người dân vẫn đi thu hái về bán cho tiểu thương với giá khoảng 30 ngàn/ 1kg lá tươi, nhiều khi còn không có bán, nhưng đến nay việc thu hái vẫn nhỏ lẻ và nhân rộng diện tích chè còn hạn chế…

Tiềm năng vùng chè đặc sản

Ngay khi phát hiện quần thể chè cổ nằm trong Vườn Quốc gia, nhằm bảo tồn và tìm cơ hội biến những cây chè cổ Shan tuyết thành vùng chè đặc sản, các cán bộ của Vườn đã nhiều ngày, nhiều tháng leo đồi tìm hiểu, thống kê phân vùng giống chè độc đáo này để lập dự án bảo tồn. 

Cuối cùng, sau một thời gian dài điền dã, kiểm đếm, nghiên cứu, các cán bộ Vườn Quốc gia Xuân Sơn đã hoàn thiện và bảo vệ thành công đề tài “Điều tra, đánh giá thực trạng, đề xuất các biện pháp bảo tồn, khai thác và phát triển bền vững chè Shan tuyết tại Vườn Quốc gia Xuân Sơn”.

Cây "chè đu đưa" mọc trong Vườn quốc gia Xuân Sơn ở Phú Thọ thực ra là giống chè gì? - Ảnh 6.

Thạc sỹ Trần Đăng Hùng, Chủ nhiệm đề tài cho biết: “Mục tiêu của nhóm nghiên cứu là quản lý, bảo tồn số chè Shan tuyết đặc trưng hiện có tại Vườn Quốc gia Xuân Sơn nhằm duy trì tính đa dạng sinh học đồng thời nghiên cứu, thử nghiệm một số biện pháp kỹ thuật trong chăm sóc, khai thác, chế biến chè Shan tuyết để hoàn thiện quy trình kỹ thuật, từng bước khai thác, phát huy giá trị, hiệu quả kinh tế của giống chè quý, đặc sản của tỉnh, góp phần xây dựng thương hiệu chè Phú Thọ”. 

Cây "chè đu đưa" mọc trong Vườn quốc gia Xuân Sơn ở Phú Thọ thực ra là giống chè gì? - Ảnh 7.

Cũng theo ông Hùng, nhiều chuyên gia chè hàng đầu sau khi kiểm nghiệm đã nhận xét: Giống chè Shan tuyết cổ ở Vườn Quốc gia Xuân Sơn có chất lượng và phẩm cấp hơn hẳn nhiều địa phương khác như Sơn La, Yên Bái...

Bên cạnh đó, thổ nhưỡng của Vườn Quốc gia rất phù hợp cho việc bảo tồn, trồng, phát triển giống chè quý này và có những đặc trưng không vùng nào có được, đó là có nhiều tuyết trên mỗi búp chè, hàm lượng chất tanin và khoáng chất cao nên nước chè  xanh, vị ngọt, rất được nước. 

Khi chính quyền và người dân Vườn Quốc gia là đầu mối bảo tồn, khai thác, phát triển nguồn gen cây chè Shan tuyết cùng các cơ chế, chính sách khuyến khích phù hợp, có “đầu ra” rộng lớn thì việc định danh, xây dựng và phát triển thương hiệu “Chè Shan tuyết cổ thụ Vườn Quốc gia Xuân Sơn” sẽ sớm thành hiện thực. 

Rời Xuân Sơn trong tiết Đông, hoa Trạng Nguyên vẫn nở rực dọc lối ra. Trong hương chè Shan tuyết vấn vít, ấm nồng, tôi mơ về một vùng chè cổ thụ mênh mông dưới tán rừng, nơi những du khách thập phương ngỡ ngàng chiêm ngưỡng vẻ đẹp của rừng chè, trong những sắc mầu văn hóa rực rỡ của Vườn Quốc gia Xuân Sơn. 

Cây "chè đu đưa" mọc trong Vườn quốc gia Xuân Sơn ở Phú Thọ thực ra là giống chè gì? - Ảnh 9.

Xây dựng sản phẩm đặc trưng của Vườn Quốc gia Xuân Sơn 

Khi đề tài nghiên cứu chè Shan tuyết triển khai thành công, các sản phẩm được sản xuất từ cây chè Shan tuyết tại Vườn Quốc gia sẽ là một sản phẩm đặc trưng, độc đáo; làm cơ sở để xây dựng chỉ dẫn địa lý cho chè Shan tuyết Xuân Sơn. Bên cạnh đó còn là một địa chỉ tham quan, du lịch vườn chè cổ. Đáng chú ý, các sản phẩm chè sao khô từ cây chè Shan tuyết có giá trị thương mại rất cao so với các  sản phẩm từ cây chè khác trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, mở ra một cơ hội mới cho cây chè cổ Shan tuyết nơi đây…

Quốc Hội (Báo Phú Thọ)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem