Trồng cây thìa canh 1 lần thu hoạch 10 năm, một HTX ở Quảng Bình đem nấu cao thu lãi lớn
Thìa canh là cây gì mà trồng 1 lần thu hoạch 10 năm, sản phẩm của một HTX ở Quảng Bình đạt OCOP 4 sao?
Trần Anh
Thứ hai, ngày 16/05/2022 06:06 AM (GMT+7)
Hợp tác xã Sản xuất cây dược liệu sạch và kinh doanh nông nghiệp xã Cự Nẫm (xã Cự Nẫm, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) thành công khi trồng cây thìa canh trên vùng đất đồi khô cằn. HTX đã chế biến cây thìa canh thành sản phẩm cao thìa canh Thanh Bình, đạt OCOP 4 sao cấp tỉnh Quảng Bình.
Trò chuyện với PV Dân Việt, bà Nguyễn Thị Giang - Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất cây dược liệu sạch và kinh doanh nông nghiệp xã Cự Nẫm (ở xã Cự Nẫm, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), cho biết: "Hợp tác xã bắt đầu trồng cây thìa canh từ năm 2019. Mới đầu trồng thử nghiệm trên diện tích 1ha".
Clip: Bà Nguyễn Thị Giang - Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất cây dược liệu sạch và kinh doanh nông nghiệp xã Cự Nẫm (xã Cự Nẫm, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) chia sẻ về mô hình trồng cây thìa canh và chế biến thành sản phẩm cao thìa canh.
"Do địa phương có khí hậu khắc nghiệt, đất đai khô cằn, Hợp tác xã Sản xuất cây dược liệu sạch và kinh doanh nông nghiệp xã Cự Nẫm (HTX Cự Nẫm - PV) đã tìm nhiều hướng phát triển nông nghiệp bền vững và nhận thấy, cây thìa canh phù hợp với điều kiện thời tiết, đất đai của địa phương nên ra tận tỉnh Phú Thọ mua giống về trồng", bà Giang nói.
Theo bà Nguyễn Thị Giang, cây thìa canh dễ trồng nhưng chi phí đầu tư rất cao, người trồng phải xây cột, làm giàn cho cây leo lên, bên cạnh đó, cây thìa canh nếu ngập nước sẽ không thể phát triển được.
"HTX Cự Nẫm trồng cây thìa canh được 6 tháng gặp ngay trận lũ lịch sử năm 2020 khiến vườn bị ngập nước, cây thìa canh hư hại toàn bộ, không thể phát triển, năm đó thiệt hại rất lớn", bà Giang nhớ lại.
Vực dậy sau trận lũ lịch sử, bà Giang mở rộng diện tích trồng cây thìa canh lên 3 ha. Ít tháng sau, HTX Cự Nẫm tiến hành thu hoạch vườn cây thìa canh và chế biến thành cao thìa canh.
Bà Giang cho biết: "Cây thìa canh được nấu cao bằng nồi điện áp suất. Sau khi nấu cao được đóng gói vào chai thủy tinh, có thể tái sử dụng nhiều lần để hạn chế tới mức tối đa thải rác ra môi trường. Việc sử dụng hệ thống điện nấu cao giúp tiết kiệm thời gian, tận dụng triệt để từ gốc đến ngọn của cây dược liệu, không thải bất kỳ rác thải nào ra môi trường".
Theo bà Nguyễn Thị Giang, cây thìa canh trồng một lần nhưng cho thu hoạch trong thời gian dài từ 8 - 10 năm, trong điều kiện chăm sóc tốt có thể cho thu hoạch đạt năng suất 10.000kg/ha/năm từ năm thứ hai trở đi, nên mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất.
"Sản phẩm chế biến từ cây thìa canh rất tốt cho sức khỏe, người tiêu dùng họ mua rất nhiều. Năm 2021, HTX Cự Nẫm thu về hơn 1 tỷ đồng từ việc trồng cây dược liệu này. Đặc biệt, đầu năm 2022, HTX Cự Nẫm đón nhận niềm vui khi sản phẩm cao thìa canh Thanh Bình của HTX được UBND tỉnh Quảng Bình công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao", bà Giang chia sẻ.
Thời gian tới, HTX Cự Nẫm mở rộng thêm diện tích trồng cây thìa canh và nâng cao chất lượng sản phẩm cao thì canh, bên cạnh đó, sẽ chế biến thành nhiều sản phẩm khác như trà thìa canh, bột thìa canh...
Trước đó, Hợp tác xã Sản xuất cây dược liệu sạch và kinh doanh nông nghiệp xã Cự Nẫm cũng đã thành công khi trồng cây cà gai leo và chế biến thành sản phẩm cao cà gai leo Thanh Bình, đạt chuẩn OCOP 4 sao cấp tỉnh Quảng Bình năm 2019.
Đến nay, sau hơn 4 năm xây dựng và phát triển, Hợp tác xã Sản xuất cây dược liệu sạch và kinh doanh nông nghiệp xã Cự Nẫm đã mở rộng diện tích, liên kết với nhiều hộ dân trồng cây dược liệu trên địa bàn xã và các xã lân cận với diện tích 8ha cà gai leo, 3ha thìa canh, 3ha chè vằng, xuất bán ra thị trường hàng nghìn lít cao, giải quyết việc làm thường xuyên cho 30 lao động với mức thu nhập 5-7 triệu đồng/người/tháng và hàng trăm lao động thời vụ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.