Chèo kéo khách, rải tiền lẻ... vẫn vô tư xuất hiện ở lễ hội

Thanh Hà Thứ năm, ngày 26/02/2015 08:33 AM (GMT+7)
LTS: Mặc dù Bộ VHTTDL đã cố gắng chỉ đạo và thực hiện rốt ráo, quyết liệt theo Chỉ thị số 41 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Công điện số 229 của Thủ tướng Chính phủ về chỉ đạo, thực hiện công tác quản lý và tổ chức lễ hội xuân 2015 nhưng xem ra những vấn nạn như chèo kéo khách khấn thuê, lễ mướn, đốt tiền vàng, rải tiền lẻ... vẫn chưa thể kéo giảm.
Bình luận 0

Những ngày đầu năm Ất Mùi, đền Bà Chúa Kho (TP.Bắc Ninh) chật kín người đi lễ xin lộc Bà với tiền vàng, vòng xuyến, kim ngân được bày biện trên mâm cùng hoa, quả, con gà, đĩa xôi.

Chỉ nhắc nhở, không nên cấm (!?)

img

Tiền lẻ vẫn được rải vô tư tại đền Trình, chùa Hương. Ảnh: Thanh Hà

Trong khói hương nghi ngút, tất cả những ban bệ của đền Bà Chúa Kho là những mâm lễ được bày chồng lên nhau, dàn khung sắt để dưới sân đền cũng không còn thừa một chỗ. Hai bình gỗ to để trang trí được đặt ngay ngoài cửa chính của đền cũng bị đặt những mâm lễ tiền, vàng mã. Những đồng tiền lẻ 1.000, 2.000 đồng vẫn được người đi lễ vô tư đặt, giắt, bày khắp nơi trên ban thờ. Mặc việc đổi tiền lẻ đã bị cấm nhưng vẫn còn một số người trên tay lăm lăm những tệp tiền lẻ loại mệnh giá 2.000 đồng, 1.000 đồng, 500 đồng để du khách nào có nhu cầu là sẵn sàng đổi với tỷ lệ ăn chênh 100.000 đồng lấy 80.000 đồng. Chỉ khi nào thoáng thấy bóng dáng lực lượng an ninh hay bảo vệ của nhà đền là đội quân đổi tiền lẻ ù té chạy.

Tình trạng chèo kéo mời chào khấn thuê, lễ mướn của hàng chục người hành nghề khấn vái vẫn xảy ra. Cho dù ban quản lý nhà đền đã khuyến cáo bằng dòng chữ “Quý khách lưu ý không nhờ khấn thuê - lễ mướn” ngay tại chính giữa sân của đền thì du khách vẫn dễ dàng bị móc ví từ mấy chục nghìn lên đến vài trăm nghìn chỉ bằng vài câu khấn thuê cùng 3 lá vàng đã được người khấn thuê xin lộc từ ông thần tài. Tại hai lò hóa vàng, người dân vẫn kìn kìn bê những mâm lễ tiền, vàng mã với đủ màu sắc để hóa. Dường như ở đây người dân vẫn chưa biết và ý thức việc hạn chế đốt vàng mã.

Khi chúng tôi hỏi tại sao có khuyến cáo nhắc nhở du khách không khấn thuê, lễ mướn nhưng lại không đề cập đến việc hạn chế đốt vàng mã, ông Nguyễn Thành Lập – Trưởng ban chấp hành Hội người cao tuổi phường Vũ Ninh (TP.Bắc Ninh) kiêm Trưởng ban quản lý di tích đền Bà Chúa Kho, cho biết: “Người Việt Nam đi lễ hay có tâm lý hóa nhiều vàng thì được nhiều lộc.

Và cũng vì thuộc về mặt tâm linh nên chuyện đốt vàng mã chỉ có thể tuyên truyền theo cách nhắc nhở dần dần, chứ không thể cấm đốt vàng mã, bởi như vậy sẽ mang tính phản cảm về mặt tâm linh tín ngưỡng. Mình đi lễ mà bị dán dòng chữ cấm cái nọ cái kia, thì sẽ gây ức chế, nên theo tôi chỉ nhắc nhẹ nhàng để khách đi lễ hạn chế tiền vàng”.

Ông Nguyễn Văn Ảnh- Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Bắc Ninh chia sẻ, Sở đã có văn bản chỉ đạo và cắt cử cán bộ phòng văn hóa có mặt để kiểm tra, nhắc nhở nhà đền. Tuy nhiên theo ông Ảnh, cứ dịp cuối năm và đầu năm, hàng vạn người đổ về tại một không gian nhỏ như vậy, sẽ không tránh khỏi những bất cập, sự quá tải, lộn xộn, các vấn nạn vẫn xảy ra.

Vẫn vô tư đổi, rải tiền lẻ

Quan điểm

Ông Nguyễn Văn Ảnh
  Không riêng Bắc Ninh, nhiều nơi khác thấy khó xử lý vì không có văn bản nào cấm đốt vàng mã. Việc xử phạt đốt vàng mã cũng gần như vô hiệu, bởi quy định chỉ được phạt khi đốt không đúng nơi quy định”.
 
Tại lễ hội chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội), những điểm lễ như đền Trình, đền Mẫu, Thiên Trù… vẫn đặt sẵn khay đựng tiền lẻ và luôn có hai người đứng túc trực nhét tiền lẻ vào hòm công đức. Năm nay điều khá bất ngờ khi tại hai cửa vào Thiên Trù, Ban tổ chức đã cắt cử 4 người đứng canh gác không cho du khách mang tiền, vàng, mã, hương vào lễ tại ban Tam Bảo, chính vì vậy mà việc đốt vàng mã tại đây cũng đã giảm.

 

Trao đổi với phóng viên NTNN chiều 24.2 (mùng 6 tháng Giêng), ông Nguyễn Chí Thanh- Trưởng ban quản lý Khu di tích-danh thắng Hương Sơn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban tổ chức lễ hội chùa Hương cho biết, năm nay Ban tổ chức đã yên tâm và thanh thản vì nạn đổi tiền lẻ, cảnh treo bán thịt động vật không còn. “Chúng tôi đã có hẳn một ban liên ngành “ăn chực nằm chờ” ở Thiên Trù để bắt phạt và xử lý tại chỗ các trường hợp vi phạm. Và tính đến thời điểm này, hơn chục vạn du khách đổ về lễ tại chùa Hương nhưng vẫn chưa có gì lộn xộn hay vi phạm” - ông Nguyễn Chí Thanh nói.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, du khách vẫn bị làm phiền bởi đội ngũ “cò” đò đi theo mời chào mặc dù không còn cảnh bu quanh hay tranh cướp nhau. Nạn đổi tiền lẻ không còn công khai, tràn lan mà đi vào hoạt động bí mật. Tại đền Trình, những du khách mua lễ ở quán hàng bán đồ sắp lễ có thể đổi được tiền lẻ theo tỷ lệ chênh 100.000 đồng/70.000 đồng với tiền mệnh giá 1.000 đồng, hay 100.000 đồng/60.000 đồng với tiền mệnh giá 500 đồng. Tại giếng cá thần ở đền Trình không được bảo vệ hay có bất cứ lời nhắc nhở nên người dân vẫn vô tư rải tiền lẻ xuống giếng.


Giáo sư Trần Lâm Biền:Có tội chứ không mang phúc

Tôi được biết, ngày xưa các cụ để trên bàn thờ hai chiếc đĩa để người đi lễ đặt tiền “giọt dầu” tránh làm “bẩn” bàn thờ. Sự “bẩn” này là bẩn về ý thức chứ không phải là bẩn về vật chất. Và tiền giọt dầu, không phải là tiền để cúng cho thần linh mà nó mang ý nghĩa là mua đèn, hương... đôi khi nhiều có thể cộng số tiền giọt dầu đó để sắm sửa thứ này, thứ khác tại chùa hay đình, đền, di tích. Và nếu còn thừa tiền thêm thì để mua mớ rau, quả đậu nuôi ông từ, bà tự. Vì vậy ý nghĩa của việc đặt tiền giọt dầu trong sáng và nhân văn chứ không mang màu sắc trục lợi, thương mại hóa thần linh như bây giờ.

Trong khi ngày nay, người dân đi lễ, mang những đồng tiền lẻ được lê la khắp nơi, đặt lên bàn thờ, thậm chí giắt cả vào tay tượng phật thì thực ra tôi cho đó chỉ có tội chứ không mang lại điều phúc cho người lễ.

Bộ VHTTDL cần tiến hành song song nhiều bước ví dụ ngoài những việc đưa ra quy chế xử phạt hành chính được kết hợp với các bộ, ban ngành liên quan thì cũng cần phải dùng trí tuệ để giải thích những sai trái thì người dân mới giác ngộ. Hãy mang cái tâm thánh thiện để ứng xử với thần linh.

Thượng tọa Thích Minh Nghiêm: Cần tuyên truyền hơn để người dân hiểu

Theo triết lý nhà phật thì “tâm phật bất biến”, tức là với người đi lễ nếu luôn tâm niệm chư phật mười phương và giữ ở trong lòng điều đó đã là thể hiện lòng thành của mình. Và đối với nhà phật, người dân đi lễ chỉ cần đặt tiền giọt dầu vào hòm công đức, hoặc nếu không có tiền giọt dầu thì chỉ cần một cốc nước được đặt lên ban thờ cũng đã là thể hiện lòng thành.

Tôi nghĩ để cải thiện được vấn nạn này thì các cơ quan quản lý của Nhà nước, cùng các sư thầy trụ trì tại các chùa cần tuyên truyền, giáo huấn nhiều hơn nữa để thay đổi nhận thức của người dân.

Giáo sư Ngô Đức Thịnh: Quyết liệt xử lý các ban quản lý lễ hội


Sự trục lợi, biến tướng đến từ hai hướng, một là sự trục lợi từ chính những người dân đi lễ. Họ cầu nhiều thứ, và họ cứ nghĩ mang thật nhiều tiền đến lễ thì sẽ đạt được điều mình mong ước. Thần thánh sẽ phù hộ họ. Họ không hiểu được đồng tiền là thứ qua tay nhiều người, thậm chí là dơ bẩn, trần tục như vậy lại được lại dắt vào tay, đặt ngay dưới chân tượng phật là hoàn toàn bất kính.

Hướng thứ hai đến từ chính những người quản lý tại khu di tích, đền, đình, chùa đó. Họ cũng muốn trục lợi cho bản thân, vì vậy mà ở mỗi nơi như vậy, hòm công đức được để tràn lan nhiều hơn so với quy định của Bộ VHTTDL đề ra.

Ngăn chặn nạn rải tiền, đốt vàng mã, theo tôi không thể xử phạt, cấm một cách thẳng băng mà nên có giải pháp tuyên truyền, khuyến khích, động viên... Đặc biệt Bộ VHTTDL nên có cách giải quyết, quyết liệt đối với những ban quản lý  lễ hội chứ không phải như hiện tại họ làm việc kiểu được chăng hay chớ, không rốt ráo thực hiện nghiêm.

Huy Hoàng (ghi)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem