“Chỉ cần “Khoán 10” trong giáo dục là sẽ bung ra được nhiều thứ"

Thứ hai, ngày 12/04/2021 06:35 AM (GMT+7)
Ðông đảo nhà giáo đặc biệt quan tâm bức thư mà tân Bộ trưởng Bộ GD&ÐT Nguyễn Kim Sơn gửi các thầy cô mới đây. Nhiều người cho rằng, ngành giáo dục hiện nay cần một cơ chế mang tính đột phá, “xé rào”.
Bình luận 0

Sau khi được bổ nhiệm vị trí đứng đầu ngành giáo dục, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn có thư gửi các thầy cô. Trong thư, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh vấn đề cốt lõi của giáo dục chính là giá trị nhân bản và đội ngũ thầy cô giáo. “Chúng ta đang sống và đang làm việc, cống hiến trong thời khắc mà đất nước, dân tộc đang dâng niềm khát vọng bứt phá, mong đưa cơ đồ đất nước lên một vị thế phát triển mới, văn minh và thịnh vượng. Một phần của nhiệm vụ trọng đại đó phó thác cho ngành giáo dục của chúng ta. Để đảm đương được sứ mệnh này, không có cách nào khác, chúng ta cần tiếp tục kiên trì và tích cực đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới”, ông viết.

“Chỉ cần “Khoán 10” trong giáo dục là sẽ bung ra được nhiều thứ" - Ảnh 1.

Giáo viên mong được “cởi trói” hoàn toàn để thỏa sức sáng tạo. Ảnh: Thế Ðại

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, việc đổi mới cần bắt đầu từ người thầy và phát triển người thầy, đổi mới phù hợp với thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, căn cứ từ thực tiễn, giải những bài toán từ thực tiễn để chất lượng giáo dục hôm nay tốt hơn hôm qua, ngày mai tốt hơn hôm nay theo một định hướng mang tính chiến lược.

Bộ trưởng cho biết, ông và tất cả đội ngũ thầy cô đều mong mỏi vị thế của nhà giáo được củng cố, sự tôn nghiêm của nghề được giữ gìn. “Điều này cần nhiều phía và liên quan nhiều yếu tố, nhưng trước hết và quan trọng nhất là do chính nhà giáo chúng ta. Chỉ có thể bằng sự cố gắng, gương mẫu, bằng trí tuệ và tấm lòng yêu nghề, yêu trò, yêu tri thức và lẽ phải, bằng sự tự trọng và tự tôn, mới dần làm cho nghề giáo của chúng ta tôn nghiêm thêm”, ông viết.

Cần cơ chế đột phá

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), Chủ tịch Hội đồng Tâm lý Giáo dục Hà Nội, nói rằng, trong thư, tân Bộ trưởng GD&ĐT đã chú ý đến nguồn lực nhà giáo, nhưng thực tế hiện nay đang không đồng bộ ở tất cả các lĩnh vực của đời sống.

“Do vậy, cơ chế quản lý giáo dục phải thay đổi. Nếu chữa các bệnh mà vấn đề này không được tháo gỡ thì vẫn còn nút thắt. Nhà trường phải làm chủ, giáo viên phải được làm chủ để bản thân các trường, mỗi giáo viên tự giải quyết những khó khăn khác. Quản lý là phải giải phóng được con người. Cơ chế chưa hợp lý thì chưa tháo gỡ được tất cả những tồn tại bấy lâu nay của ngành”, ông Lâm nói.

Ông Lâm cũng nhận định: “Chỉ cần “Khoán 10” trong giáo dục là sẽ bung ra được nhiều thứ. Phải tận dụng hết được quy luật tích cực của cơ chế thị trường và hạn chế được mặt trái của nó. Nhà giáo phải làm song song 3 thứ: đào tạo, bồi dưỡng phải chuẩn; sử dụng chuẩn; tôn vinh và đãi ngộ. Đây là 3 đỉnh của tam giác phải giải quyết đồng bộ. Chứ chỉ giải quyết nguyên “cái bụng” của nhà giáo cũng không được”.

Ông lấy ví dụ từ chuyện thi cử hiện nay. Theo ông Lâm, cần tổ chức thi cử khác với hiện nay. Bộ đang “bao cấp” cả khâu kiểm tra đầu ra của THPT lẫn khâu xét tuyển đầu vào của ĐH nên cả địa phương và cơ sở đào tạo đều ỷ lại và không chịu trách nhiệm rõ ràng. “Bộ nên trả kỳ thi tốt nghiệp THPT về cho các trường”, ông đề xuất.

GS.TS Bùi Mạnh Hùng, Trường ĐH Sư phạm TPHCM, cho rằng, trong giáo dục, thầy cô đều là những nhân tố nằm trong bộ máy chung và phụ thuộc rất nhiều vào bộ máy này; họ thay đổi hay không tùy thuộc rất nhiều vào Bộ trưởng GD&ĐT và lãnh đạo của các địa phương, tức là phụ thuộc vào chính sách, chủ trương, sự chỉ đạo của Nhà nước.

“Chỉ đạo vĩ mô từ bộ trưởng, từ sự phù hợp giữa ngành Giáo dục với các cấp chính quyền trung ương và địa phương rất quan trọng. Cách nhìn nhận của tân Bộ trưởng có thể thắp lên hy vọng cho nhiều người”, ông Hùng nói.

Theo ông Hùng, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn gửi gắm nhiều kỳ vọng và đặc biệt là thông điệp cần sự hợp tác, chung sức của giáo viên, hợp tác trong toàn ngành và sự phối hợp ngoài ngành từ trung ương đến địa phương. “Nhưng nếu Nhà nước không có sự hỗ trợ cho Bộ trưởng, cho ngành Giáo dục thì ngành cũng như tân bộ trưởng rất khó để vượt qua khó khăn”, Hùng nhận định.

5 năm tới - giai đoạn quan trọng giáo dục ÐH

Dù trong thư, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn không đề cập các vấn đề cần giải quyết trong thời gian tới, nhưng đứng ở góc nhìn của một nhà khoa học, một người tham gia giảng dạy hàng chục năm qua ở ĐH Quốc gia Hà Nội, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức nhận định, 5 năm tới là giai đoạn bản lề, có ý nghĩa quyết định và kỳ vọng trả lời cho câu hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao của nước ta liệu có đủ sức để vươn lên trong khu vực và thế giới trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư hay không.

Vì vậy, giáo dục ĐH cần được quan tâm đặc biệt. Cần hội nhập quốc tế về kiểm định và xếp hạng ĐH, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên trong các trường ĐH và nâng cao chất lượng đào tạo sản phẩm đầu ra của nhà trường.

Bên cạnh đó, cần phải đặc biệt chú trọng đẩy mạnh tự chủ ĐH, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong các trường ĐH, ông Đức nói. Có tự chủ, các trường ĐH mới có nguồn lực và cơ chế để thu hút, trọng dụng nhân tài, mà nhân tài mới là yếu tố cạnh tranh, làm nên những thành công đột phá của mỗi quốc gia, tổ chức.

Bộ trường GD&ÐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, nghề làm thầy là một nghề vinh quang. Nhiệm vụ càng lớn, trách nhiệm càng nặng nề, yêu cầu càng cao thì vinh quang đó càng lớn.

*Tiêu đề do Dân Việt đặt lại

NGHIÊM HUÊ (tienphong.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem