Quận 8 hiện là một trong những địa bàn có nhà trên, ven kênh rạch lớn nhất TP. (Ảnh: M.Tuấn)
Tại văn bản số 112 (13.10.2017), Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã chỉ rõ những ưu, nhược điểm của việc chỉ định thầu đối với các nhà đầu tư. Văn bản này được gửi đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền nhằm kiến nghị cơ chế thực hiện phương thức xã hội hoá đầu tư theo hình thức BT, PPP, BOT.
Cụ thể, việc chỉ định thầu đã tạo điều kiện cho nhà thầu, nhà đầu tư được hưởng lợi “kép” 2 lần. Đầu tiên, nhận thầu thi công công trình (đầu B – Building: Xây dựng). Song song, khi đầu tư kinh doanh các khu đất đối ứng ở các địa điểm đắc địa và đã được tăng cường hệ thống hạ tầng giao thông (đầu T-Transfer: Chuyển giao), các nhà thầu, nhà đầu tư này đã tránh được thủ tục 2 lần khi lựa chọn nhà thầu xây lắp công trình và lựa chọn chủ đầu tư dự án bất động sản.
Thứ 2, khi được chỉ định làm nhà thầu xây lắp mà không phải qua thủ tục đấu thầu rộng rãi trong nước, quốc tế để lựa chọn nhà thầu (đầu B: Xây dựng). Kế đến, khi được chỉ định nhà đầu tư dự án bất động sản các khu đất đối ứng mà không phải qua thủ tục đấu thầu rộng rãi trong nước, quốc tế để lựa chọn nhà đầu tư (đầu T: Chuyển giao). Từ đó, họ được hưởng giá gói thầu cao trong khi các khu đất đối ứng được định giá thấp.
HoREA cho rằng, việc chỉ định thầu làm cho tính minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh của môi trường kinh doanh bị sụt giảm, tác động tiêu cực đến niềm tin của nhà đầu tư trong nước, nước ngoài, và có thể gây thiệt hại ngân sách nhà nước (vì nguồn đất đối ứng trả cho nhà thầu cũng là tài sản công, cũng là tiền ngân sách), và gây quan ngại cho xã hội.
Theo HoREA, trong giai đoạn 2011-2015, nguồn vốn ngân sách chi cho đầu tư phát triển gặp nhiều khó khăn, chỉ chiếm 7,6% tổng vốn đầu tư toàn xã hội (thấp hơn cả giai đoạn 2006-2010 đã đạt tới 12%, mà một nguyên nhân là tỷ lệ thành phố được giữ lại từ nguồn thu ngân sách trên địa bàn bị giảm dần, đến nay chỉ còn 18%), nhưng đã được bù đắp bằng nguồn vốn xã hội hóa đạt tỷ lệ 31,7% GRDP.
Thành quả này đã làm thay đổi một bước hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông đô thị và góp phần quan trọng vào sự phát triển của thành phố. Mới đây, thành phố đã công bố 133 dự án kêu gọi đầu tư theo phương thức xã hội hóa dưới hình thức BT, PPP.
Trong đó, phần lớn là các dự án hạ tầng kỹ thuật, giao thông, chỉnh trang đô thị, điển hình như dự án chỉnh trang khu vực Nam Kênh Đôi, quận 8 có tổng mức đầu tư trên 14.000 tỷ đồng, với quỹ đất đối ứng tại chỗ khoảng 28 ha; dự án cầu Thủ Thiêm 4 có tổng mức đầu tư trên 5.000 tỷ đồng, dự kiến đối ứng bằng 16 khu đất...
Thống kê HoREA cho thấy, bên cạnh mặt tích cực, đã phát sinh những mặt còn hạn chế như: Có rất nhiều công trình BT, PPP, BOT được chỉ định nhà thầu, nhà đầu tư, nguồn vốn chủ sở hữu của nhiều nhà thầu, nhà đầu tư chỉ chiếm khoảng 10%, còn lại khoảng 90% vốn đầu tư xây lắp là vốn vay ngân hàng nên có tiềm ẩn rủi ro và có thể ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành công trình.
Do đó, việc thực hiện phương thức chỉ định nhà thầu, nhà đầu tư theo hình thức BT, PPP, BOT khá phổ biến trong thời gian qua, có thể dẫn đến phát sinh tiêu cực, lợi ích nhóm, tác động đến môi trường đầu tư kinh doanh, và lợi ích xã hội.
Vì vậy, HoREA đề nghị Chính phủ và các cơ quan có thể quyền hạn chế tối đa việc chỉ định nhà thầu, chỉ định nhà đầu tư đối với các trường hợp trên đây, và chỉ thực hiện việc chỉ định nhà thầu, nhà đầu tư trong các trường hợp đặc biệt theo điều 26 Luật Đấu thầu, để tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh; củng cố lòng tin cho các nhà đầu tư; làm lợi cho ngân sách nhà nước và tăng cường sự đồng thuận trong xã hội.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.