Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Trên địa bàn Đức Chính (Cẩm Giàng, Hải Dương) hiện có 12 cơ sở thu mua, chế biến cà rốt tươi. Trong số đó, ngoài Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Đức Chính, cơ sở của gia đình chị Phùng Thị Hảo luôn ở tốp đầu về sản lượng cà rốt thương phẩm thu mua, sơ chế.
Năm 1992, chị Hảo xây dựng gia đình với anh Trần Văn Vụ, người cùng thôn. Vợ chồng chị đã “chung lưng, đấu cật” để phát triển kinh tế. Năm 2002, gia đình chị thuê 8.640 m2 đất đồng bãi thuộc xã Minh Tân (Nam Sách) để trồng cà rốt, là một trong những hộ đi đầu trong phong trào thuê đất trồng cà rốt của nông dân xã Đức Chính.
Tìm hiểu thực tế, chị Hảo sớm nhận ra cà rốt có nhiều tiềm năng phát triển nhờ thị trường tiêu thụ rộng lớn. Hiện 70% số cà rốt của Hải Dương được trồng để xuất khẩu, một phần nhỏ tiêu thụ trong tỉnh, còn lại là thị trường trong nước. Nguồn cung cà rốt trong dân ở tỉnh Hải Dương nói chung, xã Đức Chính nói riêng có tiềm năng rất lớn, trong khi cách thức tiêu thụ còn nhỏ lẻ, chưa quan tâm đầu tư sơ chế tạo sản phẩm sạch theo yêu cầu thị trường.
Năm 2007 là một bước ngoặt lớn khi chị cùng chồng quyết định bỏ trồng để chuyển hẳn sang thu mua và sơ chế cà rốt. Là một mô hình đi đầu ở Đức Chính nên thời gian đầu gia đình chị chỉ mua 3 máy bơm, thuê từ 5-7 người rửa thủ công.
Thực tế sản xuất cho thấy, việc rửa thủ công vừa mất nhiều công sức, năng suất không cao nên không bảo đảm lượng sản phẩm để cung cấp cho thị trường. Vợ chồng chị Hảo lại cùng tính toán, bàn bạc và quyết định đầu tư sản xuất một cách bài bản hơn.
“Để sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng mở rộng, đồng thời nâng cao chất lượng thành phẩm cần phải có sự hỗ trợ của máy móc”, chị Hảo chia sẻ.
Nghĩ đi đôi với làm, gia đình chị Hảo đã vay vốn ngân hàng, cộng với sự hỗ trợ của anh em, bạn bè, vợ chồng chị đã đầu tư trên 10 tỷ đồng để thuê đất, xây dựng 572 m2 nhà xưởng chế biến, với 8 dây chuyền máy sơ chế cà rốt, 3 kho lạnh có sức chứa 600 tấn cà rốt tươi cấp đông.
Để chủ động trong sản xuất, ngoài thu mua qua các đại lý, chị Hảo còn mua 2 xe tải đến tận ruộng mua cà rốt tươi về sơ chế, 3 xe nâng hàng để đóng container. Lúc đầu sản phẩm chỉ đáp ứng yêu cầu tiêu thụ ở thị trường trong nước, dần dà cơ sở của gia đình chị đã tham gia xuất khẩu. Đến nay, vợ chồng chị Hảo đã trực tiếp ký xuất khẩu nhiều đơn hàng đi Hàn Quốc, Malaysia, Dubai…
Để nâng cao giá trị và mở rộng thị trường xuất khẩu cà rốt tươi đi các thị trường kỹ tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Dubai…, đại lý thu mua, chế biến của gia đình chị Hảo luôn thống nhất chặt chẽ với các vùng trồng phải tuân thủ các quy định về kiểm dịch thực vật của các nước nhập khẩu. Các hợp đồng mua nguyên liệu đều có xác nhận nguồn gốc cà rốt phục vụ xuất khẩu theo địa bàn và xác định trách nhiệm liên quan đến truy xuất nguồn gốc. “Đó chính là cốt lõi để định hình lối sản xuất hàng hóa, nhất là làm hàng xuất khẩu”, chị Hảo cho biết.
Chị Hảo luôn chủ động tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật; nỗ lực tìm kiếm thị trường tiêu thụ hàng hóa; bám sát các kênh thông tin thương mại. Chị thường xuyên tham dự các hội nghị kết nối tiêu thụ cà rốt và nông sản của tỉnh Hải Dương; tiếp xúc với các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài; tham gia hội chợ tiêu thụ nông sản…
Theo chị Hảo, thông qua một số điểm cầu trực tuyến, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Singapore, Australia, Nga... đã chia sẻ nhiều thông tin về thị trường, thói quen tiêu dùng, các tiêu chuẩn, điều kiện về sản phẩm hàng hóa, các rào cản thương mại, kỹ thuật… của nước sở tại. Từ đó, các khuyến nghị sát thực được đưa ra đối với các cơ sở như gia đình chị để sản xuất, cung ứng sản phẩm nông sản chất lượng, đáp ứng tốt yêu cầu nhập khẩu của thị trường cụ thể.
Hiện nay, gia đình chị Hảo thu mua bình quân trên 10.000 tấn cà rốt/năm. Tổng thu hằng năm của gia đình chị khoảng 50 tỷ đồng, trừ chi phí thu lãi trên dưới 2 tỷ đồng. Cơ sở của gia đình chị Hảo tạo công ăn việc làm thường xuyên, ổn định cho 10-15 lao động và từ 40-50 lao động thời vụ, thu nhập bình quân trên 10 triệu đồng/người/tháng.
“Mô hình kinh tế như gia đình chị Hảo là cơ sở quan trọng góp phần định hình việc trồng, chế biến và tiêu thụ cà rốt trên địa bàn theo hướng sản xuất hàng hóa. Cây cà rốt thực sự mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân nên đời sống của người dân trong xã được cải thiện nhiều”, ông Trần Văn Tưởng, Chủ tịch UBND xã Đức Chính khẳng định.
Với kết quả sản xuất, kinh doanh nổi bật, gia đình chị Hảo đã 17 năm liên tục từ 2007 đến 2023 đạt danh hiệu “Hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” cấp tỉnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.