Một huyện của tỉnh Hải Dương, tổ chức ngày hội cho cây lúa, con rươi, Bộ trưởng Bộ NNPTNT đến tận nơi xem
Một huyện của tỉnh Hải Dương, tổ chức ngày hội cho cây lúa, con rươi, Bộ trưởng Bộ NNPTNT đến tận nơi xem
Nguyễn Việt
Thứ tư, ngày 12/06/2024 15:21 PM (GMT+7)
Sáng 12/6, tại đường đê thôn An Định, xã An Thanh, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hải Dương phối hợp với UBND huyện Tứ Kỳ tổ chức ngày hội lúa rươi năm 2024. Đây là năm thứ 3 liên tiếp, huyện Tứ Kỳ tổ chức ngày hội nông nghiệp độc đáo này.
Ngày hội lúa rươi năm nay, Sở Nông nghiệp và PTNT và UBND huyện Tứ Kỳ tổ chức lễ hội với quy mô lớn, với sự tham gia của hơn 200 đại biểu khách mời Trung ương và địa phương tham dự.
Dự ngày hội lúa rươi Tứ Kỳ lần thứ 3 năm 2024 có Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan; Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương Trần Đức Thắng; đại biểu các cục, vụ, viện của Bộ Nông nghiệp và PTNT; lãnh đạo tỉnh Hải Dương; lãnh đạo huyện Tứ Kỳ; nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, cùng đông đảo nhân dân địa phương.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ về cảm nhận khi trở lại với huyện Tứ Kỳ, với ngày hội lúa rươi, đó là sự đổi thay lớn của mảnh đất Tứ Kỳ cũng như vùng quê An Thanh. Ngày hội nhỏ như thế này nhưng nó mang ý nghĩa, giá trị rất lớn.
Bởi vì nông nghiệp, nông dân, nông thôn đang đứng trước bối cảnh thách thức rất lớn trong quá trình công nghiệp hoá, đô thị hoá, đôi khi chúng ta bỏ rơi nông nghiệp, bỏ quên người nông dân. Thành ra câu chuyện ngày hội thu hoạch này mang lại ý nghĩa lớn, nhân văn rất lớn.
Bởi vậy, chúng ta bày tỏ sự biết ơn người nông dân và chúng ta phải thấy mình có trách nhiệm gì, suy nghĩ gì, bổn phận gì đối với những người nông dân.
"Thông qua ngày hội này, chúng ta lan toả tinh thần biến nền nông nghiệp một thời quá lạm dụng thuốc, hoá chất sang nền nông nghiệp xanh, sạch theo xu thế thế giới", Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho hay.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cũng đánh giá cao cách làm của Hải Dương trong việc tổ chức lễ hội. Đây là dịp để giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp sạch, chất lượng cao, đồng thời truyền cảm hứng cho nông dân các vùng, miền trong cả nước về làm nông nghiệp hữu cơ.
Bộ trưởng cũng tin tưởng, với tư duy và cách làm mới, nông thôn mới của địa phương sẽ ngày càng nâng cao và có nhiều sản phẩm nông nghiệp, đặc sản nông nghiệp được đón nhận. Cách làm của người dân nơi đây sẽ tạo ra cuộc cách mạng mới ngay chính trong tâm thức, hành động đối với thiên nhiên, sức khỏe con người và thế hệ mai sau.
Bộ trưởng đã gửi lời cảm ơn những người nông dân ở Tứ Kỳ đã kiên trì theo đuổi làm “nông nghiệp vị nhân sinh”.
Tại ngày hội, các lãnh đạo, đại biểu và nhân dân đã chứng kiến lễ ký biên bản ghi nhớ hợp tác tiêu thụ sản phẩm hữu cơ giữa các doanh nghiệp và đại diện chính quyền địa phương.
Sôi nổi hội thi xem ai gặt lúa nhanh hơn
Sau phần lễ, các đồng chí lãnh đạo, đại biểu xuống đồng tham quan vùng canh tác và sản xuất lúa rươi hữu cơ và cùng chứng kiến, cổ vũ các đội tham gia hội thi gặt lúa hữu cơ vụ Xuân 2024
Tại ngày hội còn có hoạt động vui nhộn, sôi nổi đúng ý nghĩa ngày hội của cư dân sinh sống ở các làng quê và làm nông nghiệp, đó là hội thi gặt lúa hữu cơ.
Tham gia hội thi có 3 đội đến từ 3 thôn trong xã, đó là An Định, An Lao, Thanh Kỳ. Mỗi đội có 10 người được lựa chọn trong những nông dân giàu kinh nghiệm về cấy lúa.
Mỗi đội tham gia thực hiện việc gặt lúa với diện tích 150 m2, trong thời gian 20 phút bằng hình thức gặt thủ công truyền thống. dùng liềm cắt, xén và bó bằng dây, gánh bằng đòn sóc.
Tiêu chí chấm điểm, gặt lúa nhanh, bảo đảm kỹ thuật, gồi lúa ngay ngắn, gọn gàng, thẳng hàng; bó lúa đúng quy cách xuôi quả một chiều, đuôi bông một chiều, bảo đảm hình thức đẹp; vận chuyển nhanh về điểm tập kết, xếp đống lúa gọn gàng; bảo đảm thời gian theo quy định.
Bằng kinh nghiệm nhiều năm cấy lúa thành viên mỗi đội đã nhanh chóng bước vào thực hiện phần thi một cách thuần thục, người gặt, bó, người gánh lúa về xếp đống nhanh chóng. Chưa đầy 20 phút, các đội đã hoàn thành phần thi gặt 150m2 lúa và xếp ngay ngắn tại vị trí tập kết lúa theo quy định.
Kết thúc phần thi, Ban Tổ chức đã trao giải gặt nhanh nhất cho đội thôn An Lao; giải xếp lúa đẹp nhất cho đội thôn An Định; giải gặt phong cách cho đội thôn Thanh Kỳ.
Còn tại phần thi nấu mâm cơm đặc sản hữu cơ, cũng có 3 đội của 3 thôn An Định, An Lao, Thanh Kỳ tham gia. Ban tổ chức đã trao giải mâm cơm đẹp nhất cho đội thôn Thanh Kỳ; giải mâm cơm ngon nhất cho đội thôn An Định; giải mâm cơm sáng tạo nhất cho đội thôn An Lao.
Cuối buổi lễ, các đại biểu đã cắt băng xuất bán chuyến hàng lúa hữu cơ, do doanh nghiệp thực hiện thu mua, chế biến, bao tiêu sản phẩm do người dân địa phương sản xuất.
Đến nay, diện tích lúa hữu cơ của huyện Tứ Kỳ đạt 550 ha, lớn nhất tỉnh Hải Dương. Ở các vùng lúa hữu cơ, nông dân chủ yếu cấy các giống ST25, J02, nếp và một số giống lúa chất lượng cao.
Huyện Tứ Kỳ tiếp tục vận động nông dân mở rộng diện tích sản xuất lúa hữu cơ kết hợp khai thác rươi, cáy, nâng diện tích này lên 700 ha vào năm 2025.
Sản lượng rươi hiện đạt 450 tấn/năm, cáy 200 tấn/năm; giá trị sản phẩm đạt từ 400 - 450 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 8 - 10 lần so với thâm canh vô cơ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.