Bà con xã Hồng Thái gọi chị là "chị Hồng của nông dân"...
|
Chị Hồng hướng dẫn công nhân trong xưởng may của gia đình. |
Cán bộ không được phép... nghèo
Sinh năm 1956, lập gia đình khi tuổi đôi mươi nhưng chồng quanh năm đau ốm, nhà lại đông con nên mọi gánh nặng áo cơm dồn cả lên đôi vai chị Hồng. Xoay xở buôn bán chợ gần, chợ xa để lo thuốc thang cho chồng và nuôi con ăn học, chưa khi nào chị nguôi ước mơ tìm hướng đi để thoát nghèo.
Năm 1993, chị Hồng được tín nhiệm bầu làm trưởng thôn. Người nữ trưởng thôn đầu tiên của xã đã vận động, quyên góp làm được con đường liên thôn khang trang, rộng rãi. "Đường đã đẹp nhưng phải làm sao để cuộc sống bà con bớt khó khăn. Là người đứng đầu thôn mà lại nghèo thì mình nói ai nghe? Tôi suy nghĩ rất nhiều và quyết định làm VAC..." - chị Hồng tâm sự.
Với gần 1.000m2 đất vườn của gia đình, chị vay vốn đầu tư chuồng trại nuôi lợn, ếch, ba ba kết hợp làm đậu, nấu rượu, làm cây giống na dai... Nhờ học hỏi và có những sáng tạo riêng, thu nhập của gia đình chị dần khấm khá. Từ năm 2002 - 2007, chị là một trong những hộ đầu tiên ở xã Hồng Thái mua ô tô tải để làm dịch vụ vận chuyển hàng hóa với thu nhập không dưới 500 triệu đồng/năm.
Năm 2008, chị huy động vốn đầu tư cơ sở vật chất, thành lập và phát triển HTX may xuất khẩu Phương Linh để tạo việc làm cho thanh niên địa phương. Đến nay, HTX do chị làm chủ nhiệm có khoảng 60 chiếc máy may công nghiệp và chuyên dụng các loại, giúp gần 50 lao động tại chỗ có việc làm ổn định, với thu nhập bình quân từ 2 - 3 triệu đồng/người/tháng...
Hơn 10 năm làm Chủ tịch Hội ND xã, chị Hồng đã cùng với trên 1.100 hội viên xây dựng tổ chức cơ sở Hội vững mạnh. Chị là người có nhiều đóng góp cho việc ra đời các CLB Khoa học kỹ thuật, CLB Gia đình ND hạnh phúc, CLB Không có người sinh con thứ 3; CLB ND với pháp luật... Năm 2011, xã Hồng Thái có 630 hộ ND sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, trong đó 5 hộ đạt danh hiệu cấp T.Ư và 27 hộ đạt danh hiệu cấp tỉnh; điển hình là các trang trại VAC, kinh doanh dịch vụ, với thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm...
“Bác sĩ” thú y
Gắn bó với ND, chị đã chứng kiến nhiều gia đình sau bao ngày vất vả với đàn lợn, đàn gà với hy vọng khi bán sẽ có khoản thu kha khá, nhưng vì không biết cách phòng trị bệnh nên lợn, gà đến kỳ xuất chuồng bị chết, bao vốn liếng, công sức đổ xuống sông, xuống bể.
Nhớ ngày xưa thấy các cụ khi bị bệnh đường tiêu hoá thường lấy ngọn cây bọ mẩy luộc chín để ăn, chị Hồng nghĩ có lẽ cây này cũng hiệu quả chữa bệnh cho vật nuôi. Năm 2006, chị hướng dẫn chị Thân Thị Thực trong thôn hằng ngày lấy cây này nấu cám cho lợn ăn. Quả nhiên, đàn lợn của gia đình chị Thực ít bệnh, lớn nhanh, tiết kiệm được đáng kể khoản tiền chi phí thuốc thú y.
Năm 2011, chị Trần Thị Hồng đã đoạt giải Ba tại Cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật nhà nông tỉnh Bắc Giang với giải pháp dùng thảo dược chữa bệnh cho gia súc, gia cầm.
Từ hiệu quả của cây bọ mẩy đối với lợn, chị Thực dùng nước cây này cho gà, vịt, ngan uống để phòng bệnh đường ruột và đã thành công. Chị Thực cho biết, gia đình chị thường nuôi khoảng 200 con gà, ngan, vịt, 50 con lợn thịt/lứa. Chúng hay bị bệnh đường ruột, sử dụng nhiều thuốc kháng sinh thì chi phí cao, vật nuôi chậm lớn, đôi khi điều trị không kịp thời còn bị chết hàng loạt. Từ ngày làm theo chị Hồng hướng dẫn, lợn, gà, vịt... của gia đình chị ít bệnh, lớn nhanh, thu nhập cao hơn.
Ngoài cây bọ mẩy, chị Hồng còn phát hiện ra cây phèn đen, cây rau dừa nước cũng có tác dụng phòng bệnh đường ruột cho vật nuôi. Chị cũng tìm ra công dụng của lá trầu không có thể phòng trị bệnh lở mồm, long móng, bệnh ngoài da cho gia súc. Rất nhiều ND trong xã làm theo kinh nghiệm của chị Hồng đã thành công. "Những bài thuốc thảo mộc rất dễ áp dụng, an toàn cho người và vật nuôi, ở nông thôn lại sẵn, nên tôi phổ biến để bà con biết và áp dụng" - chị Hồng thổ lộ.
Trần Việt Yên
Vui lòng nhập nội dung bình luận.