“Chỉ khi có gì khuất tất mới không dám sao kê tiền từ thiện”
PGS.TS Trịnh Hoà Bình: “Chỉ khi có gì đó khuất tất mới không dám sao kê tiền từ thiện”
Khánh Đăng
Thứ tư, ngày 08/09/2021 13:44 PM (GMT+7)
Trước những lùm xùm liên quan đến chuyện sao kê để minh bạch hoá tiền kêu gọi từ thiện của các nghệ sĩ, PV Dân Việt đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Xã hội học Trịnh Hoà Bình.
Những ngày qua, từ khoá “sao kê tiền từ thiện” trở thành vấn đề gây bàn cãi trên nhiều diễn đàn. Dưới góc độ của một người nghiên cứu xã hội học, ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?
- Về những lùm xùm liên quan đến chuyện từ thiện của những người nổi tiếng trong showbiz Việt thì tôi có theo dõi mấy hôm nay. Tôi không nghi ngờ việc kêu gọi từ thiện của Hoài Linh, Thuỷ Tiên – Công Vinh, Trấn Thành, Đàm Vĩnh Hưng…
Đó là những hành động tốt đẹp, xuất phát ban đầu từ lòng trắc ẩn đối với người dân. Hành động đó cũng thể hiện một sự biết ơn của chính những nhân vật đó đối với khán giả - những người đã cho họ có được như ngày hôm nay. Nhìn nhận ở góc độ nào đó, những việc làm tốt đẹp này cũng làm cho “hào quang” của họ thêm lung linh, ăn điểm hơn. Nói trắng ra là đạt được “một công đôi chuyện”.
Và chúng ta phải khẳng định rằng, những hành động này không xấu, không đáng bị lên án. Kể cả những người làm từ thiện vì động cơ “đánh bóng” tên tuổi và hình ảnh thì cũng không xấu vì miễn sao những người khó khăn, nghèo khổ được giúp đỡ là được. Nổi tiếng bằng từ thiện có động cơ còn hơn “nổi tiếng” bằng scandal hoặc những chuyện đẩu đâu.
Tuy nhiên, sau những lùm xùm và ồn ào vừa qua, chúng ta thấy có quá nhiều chuyện để xem lại. Đặc điểm chung của những nghệ sĩ làm từ thiện là cảm tính, chủ quan, ngộ nhận và duy tình. Nhiều người “ngộ nhận” họ là người tiêu biểu nhất, lành mạnh nhất và trong sáng nhất. Vì thế, họ quên mất một nguyên tắc, đã liên quan đến chuyện tiền bạc có được từ kêu gọi bá tánh thì phải rõ ràng, sòng phẳng và minh bạch.
Họ để cho cảm xúc dẫn dắt và ngộ nhận về vị thế sáng láng của mình cho nên đã không quan tâm đến câu chuyện “từ thiện cũng phải bài bản và chuyên nghiệp”. Thậm chí, có người còn không làm đúng như mục đích kêu gọi ban đầu. Chẳng hạn như kêu gọi cứu trợ lũ lụt mà cứ “ỉm” tiền trong ngân hàng mãi chẳng chịu trao, trong khi người dân đang đói khát và cần hỗ trợ gấp. Hoặc có người đứng ra kêu gọi xong không ra tận nơi trao mà lại chuyển cho người khác làm hộ mình.
Họ không hề nhớ rằng, lúc kêu gọi, những người nhanh nhanh – chóng chóng gửi tiền về đóng góp đã rất tin tưởng vào người đứng ra kêu gọi. Họ tin rằng, tiền và cũng là tấm lòng của họ sẽ được trao đúng người, đúng mục đích và đúng thời điểm.
Những ồn ào vừa qua cho thấy, phần đông người nổi tiếng chưa có thói quen công khai và minh bạch chuyện từ thiện. Họ vẫn đặt cái tôi của mình lên quá cao và chưa xem trọng những người đã chung tay với mình trong hoạt động từ thiện. Có người còn đưa ra quan điểm, “bắt chúng tôi sao kê, chúng tôi không làm nữa”. Như thế chẳng khác nào cho mình là một người đặc biệt và có quyền lực đặc biệt. Kể cả không thể sao kê được để chứng minh tính hợp pháp của nguồn tiền mình quyên góp được thì cũng phải có lời nói như thế nào đó để người ta còn trọng mình.
Trước những ồn ào liên quan đến chuyện từ thiện của vợ chồng Thuỷ Tiên – Công Vinh, Trấn Thành, Đàm Vĩnh Hưng… nhiều người tin rằng, đang nhiều người nổi tiếng lợi dụng chuyện từ thiện để trục lợi. Ông lý giải sao về điều này?
- Tôi cho rằng, làm từ thiện khó chứ không phải dễ. Kêu gọi được mọi người ký thác và gửi tiền cho mình đã khó, trao sao cho đúng lại càng thêm khó. Nói như vậy để chúng ta cũng có sự chia sẻ và cảm thông cho họ khi họ làm không đến nơi đến chốn.
Dĩ nhiên, ở đây, người ta chỉ cảm thông và chia sẻ trong một giới hạn nào đó thôi. Trong quá trình thực hiện, chưa chuyên nghiệp cũng được, chưa bài bản cũng chẳng sao… nhưng sau khi đã hoàn tất việc từ thiện thì phải minh bạch nguồn thu và nguồn chi. Một đồng, một cắc cũng phải công khai rõ ràng cho mọi người biết và người ta có quyền phải được biết điều đó vì đó là tiền họ đóng góp.
Các cụ xưa có câu “tiền bạc phân minh” là thế. Trong khi những người nổi tiếng luôn có cả một ê-kíp phía sau tư vấn cho. Họ có cả luật sư tư vấn về pháp lý, họ có chuyên gia hỗ trợ về truyền thông lẫn tài chính và cả những người hỗ trợ về quản trị công việc.
Một khi đã không rõ ràng và minh bạch ra được thì người ta có quyền nghi ngờ, truy hỏi và soi xét thôi. Người ta thấy anh Công Vinh, chị Thuỷ Tiên sửa lại biệt thự tiền tỷ, mua cái nọ, sắm cái kia… thì người ta nghi ngờ. Người ta đòi sao kê để biết nguồn tiền của mình chuyển vào đã được sử dụng ra sao nhưng người đó không chịu sao kê nên người ta nghĩ là có “vấn đề khuất tất”. Hoặc sao kê mà không rõ ràng về số liệu để có căn cứ mà tra cứu thì họ cũng vẫn cứ nghi ngờ, chưa giải tỏa được sự nghi kỵ.
Mới đây, câu chuyện bị đẩy lên đỉnh điểm khi bà Nguyễn Phương Hằng đăng đàn chỉ mặt đặt tên bắt vợ chồng Công Vinh – Thuỷ Tiên phải sao kê tài khoản từ thiện. Rồi vợ chồng Thuỷ Tiên – Công Vinh lại đăng đàn đôi co và thách đố lại bà Nguyễn Phương Hằng khiến cho sự việc càng trở nên lùm xùm thêm.
Tôi cho rằng, những nhân vật nổi tiếng kia không việc gì phải đôi co cả. Vì xét cho cùng, làm xong rồi mà đi chứng minh từng cái nhỏ nhặt sẽ rất khó. Nhưng bây giờ có ngân hàng, mọi thứ thu chi đều rõ ràng trên giấy tờ và có lưu lại ở ngân hàng thì mình cứ việc sao kê để chứng minh.
Nếu mình chứng minh mà người ta vẫn chưa tin thì có thể mời một bên thứ ba vào kiểm toán độc lập để làm rõ mọi chuyện. Chỉ khi có khuất tất hoặc sợ gì đó mới không dám sao kê.
Theo như tôi được biết, việc sao kê ở ngân hàng bây giờ cũng đơn giản, không có gì phức tạp và cũng không hề mất nhiều thời gian. Chúng ta cứ lấy bằng chứng xác tín và minh bạch mọi chuyện để nói chuyện với nhau chứ không nên đôi co làm gì cả. Càng lời qua, tiếng lại thì càng làm cho hình ảnh của mình xấu đi chứ lòng nghi ngờ cũng không giảm bớt.
Có nhiều ý kiến cho rằng, chưa bao giờ, lòng tin của công chúng vào những người nổi tiếng lại xói mòn và lung lay đến thế. Ông nghĩ sao về ý kiến này?
- Lòng tin xã hội, không chỉ riêng lòng tin đối với giới nghệ sĩ… đang đứng trước những thử thách rất lớn. Chúng ta đang sống trong giai đoạn chuyển đổi nên lòng tin xã hội cũng bị ảnh hưởng. Không phải chỉ đến lúc dịch Covid-19 xảy ra lòng tin xã hội mới bị ảnh hưởng mà bị từ trước đó rồi. Điều này tác động rất lớn đến sự phát triển của xã hội và cái nhìn tích cực về xã hội.
Đương nhiên, trong bối cảnh chung đó, lòng tin đối với nghệ sĩ cũng sẽ có những lung lay. Nhất là khi thời gian gần đây, showbiz Việt quá nhiều chuyện ồn ào, lùm xùm, tai tiếng… thì cái nhìn và lòng tin của công chúng đối với những người nổi tiếng cũng khác đi. Nghệ sĩ vốn là từ để chỉ những người có sứ mệnh mang cái tốt đẹp, vui tươi, lành mạnh đến cho công chúng thưởng thức, cảm nhận, thay đổi theo.
Nghệ sĩ lên sân khấu thì rất lung linh, lên truyền thông nói toàn lời hay ý đẹp… nhưng làm việc thực tế (ngoài đời) lại thiếu đàng hoàng sẽ tạo ra một sự không tương thích. Chính điều này dẫn đến sự sụp đổ, thất vọng và mất niềm tin từ công chúng. Một khi công chúng nhận ra, người mình hâm mộ, thần tượng, yêu quý… không phải người cao quý thật sự thì họ sẽ mất lòng tin. Và vì thế mà họ sẽ nhìn nhận đánh giá khắt khe hơn, sâu sắc hơn và lý trí hơn.
Trong những ngày qua, khi dịch Covid-19 trở nên khôn lường, đời sống bị đảo lộn, nhiều giá trị bị lung lay… thì người ta lại càng có thời gian để nhìn nhận lại những chân giá trị. Những cái gì thực sự nhân văn, sáng láng, tươi đẹp… sẽ được nâng niu, coi trọng; những cái gì ma mị, quỷ quyệt, u ám… sẽ bị tẩy chay, thanh lọc.
Thế nên, nhiều nghệ sĩ âm thầm bỏ tiền túi ra làm từ thiện hoặc bất chấp hiểm nguy xông vào những tuyến đầu để hỗ trợ chống dịch vẫn được người ta ca tụng, yêu mến và biết ơn đấy; còn ai gây ra những chuyện xấu xí thì vẫn bị lên án.
Cảm ơn PGS.TS Trịnh Hoà Bình đã chia sẻ thông tin.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.