Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 tăng cao: Lạm phát đã quay lại!

Thứ ba, ngày 25/09/2012 07:59 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Từ 2 tháng trước, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng sẽ có mức tăng trở lại vào tháng 9. Tuy nhiên, có mức tăng kỷ lục tới 2,2% như hiện nay thì không phải ai cũng dự đoán tới.
Bình luận 0

Tăng ngoài dự báo

Ngày 24.9, Tổng cục Thống kê công bố chỉ số giá tiêu dùng cả nước tháng 9. Theo đó, CPI tháng 9 tăng 2,2% so với tháng 8, đây là mức tăng cao nhất trong 16 tháng qua. So với tháng 9.2011, chỉ số giá tháng 9 năm nay tăng 6,48% và so với tháng 12.2011 tăng 5,13%. Bình quân 9 tháng đầu năm 2012, CPI tăng 9,96% so với cùng kỳ.

img
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 tăng ở cả 11/11 nhóm hàng hóa.

Điều đáng quan tâm là CPI tháng 9 đã tăng ở cả 11/11 nhóm trong rổ hàng hóa chung với mức tăng từ 0,01- 23,87%. Trong số 11 nhóm hàng tính chỉ số giá, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng nhẹ 0,08% so với tháng trước. Tính bình quân 9 tháng, nhóm hàng này tăng bình quân 10,42% so với cùng kỳ.

Đặc biệt, hai nhóm hàng bật tăng mạnh so với tháng trước là nhóm nhà ở, vật liệu xây dựng tăng 2,03% và nhóm thuốc, dịch vụ y tế tăng mạnh 17,02%. Theo ghi nhận, từ khi nâng giá thuốc và dịch vụ y tế hồi tháng 7, nhóm hàng này đã bật tăng mạnh 2 tháng liên tiếp với mức tăng bình quân 9 tháng lên tới 8,61%.

Nhóm bưu chính viễn thông tiếp tục có một tháng có chỉ số giá tăng nhẹ 0,01% so với tháng trước.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 của cả nước tăng cao tới 2,2% đang đặt nền kinh tế trước những vấn đề “nghiêm trọng” bởi theo thống kê, trong cùng thời điểm này những năm trước, chưa bao giờ chỉ số lại tăng cao đến vậy, đặc biệt lại đặt trong bối cảnh nội lực của các doanh nghiệp, người tiêu dùng đang “suy kiệt”.

Dù dưới 1 con số vẫn đáng lo ngại

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng: Việc CPI tháng 9 tăng cao đột biến như vậy rất “nguy hiểm” trong bối cảnh nền kinh tế đang “ốm yếu”, nếu không muốn nói rằng “nền kinh tế đang kiệt quệ”. Nếu không cẩn trọng rất dễ lại rơi vào vòng luẩn quẩn, lạm phát cao, lãi suất cao, tăng trưởng đi xuống như những năm gần đây.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh (Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả, Bộ Tài chính) phân tích: Ngoài tác động của việc tăng giá xăng, việc dồn dập tăng chi, giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước chắc chắn đã tác động làm đảo chiều xu hướng giá cả, lạm phát. “Mặc dù lạm phát năm nay vẫn giữ được ở một con số, tuy nhiên theo ông Ánh, lạm phát cao quay trở lại thì đã rõ rồi, chứ không còn chỉ là nguy cơ. Việc CPI cả nước tăng hơn 2% trong tháng 9 này rất đáng lo ngại bởi chưa năm nào tăng cao như thế cả” - ông Ánh nhận định.

Theo ông Nguyễn Đức Thắng - Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, với quy luật tiêu dùng nóng trong những tháng cuối năm, cộng với nhiều yếu tố biến động giá khác như tác động trễ của gói kích cầu, nới lỏng tín dụng, CPI cả năm 2012 sẽ khó giữ được ở mức 7%.

Hầu hết các chuyên gia kinh tế, khi bình luận về chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 tăng cao bất ngờ đều đồng tình với nhận định cho rằng: Theo đà tăng của tháng 9 này, lạm phát đến cuối năm có thể vẫn đạt mục tiêu một con số nhưng sẽ tích tụ để bùng lên mạnh hơn vào năm sau khiến cho nền kinh tế sẽ còn khó khăn gấp bội phần.

Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong dự báo tốc độ tăng trưởng GDP năm 2012 của Việt Nam sẽ là khoảng 5-6%, lạm phát từ 7-8% và năm 2013 các chỉ số tuơng ứng sẽ tăng lên cao hơn một chút, lần lượt là 6,2-6,6% và 8-9%.

Tuy nhiên, về nhiều mặt, tình hình kinh tế Việt Nam năm 2013, nhất là trong nửa đầu năm, sẽ còn khó khăn hơn cả năm 2012 do sức ép và khó khăn về nợ xấu, thanh khoản của các ngân hàng thương mại, việc hạ lãi suất, tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho doanh nghiệp, làm ấm thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản; duy trì tốc độ tăng trưởng, kiềm chế vững chắc lạm phát, thâm hụt thương mại và thâm hụt ngân sách, tăng thu hút FDI, giảm thất nghiệp và bảo đảm an sinh xã hội…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem