Chi tiêu quân sự thế giới đạt mức cao chưa từng có

Lê Phương (Aljazeera) Thứ hai, ngày 24/04/2023 12:58 PM (GMT+7)
Theo một viện nghiên cứu quốc phòng hàng đầu, chi tiêu quân sự thế giới đạt mức cao nhất mọi thời đại là 2,24 nghìn tỷ USD vào năm 2022 trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine diễn biến căng thẳng.
Bình luận 0
Chi tiêu quân sự thế giới đạt mức cao chưa từng có - Ảnh 1.

Chiến dịch quân sự toàn của Nga ở Ukraine đã phần nào thúc đẩy chi tiêu quốc phòng tăng vọt. Ảnh: AP

Hôm 24/4, trong báo cáo thường niên, Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết chi tiêu quân sự toàn cầu đã tăng năm thứ tám liên tiếp. Trong đó, châu Âu tăng 13%, mức cao nhất trong 30 năm.

SIPRI cho biết phần lớn trong số đó có liên quan trực tiếp đến cuộc xung đột Ukraine, nhưng các quốc gia cũng tăng cường chi tiêu quân sự để đối phó với các mối đe dọa khác từ Moscow.

Nan Tian, nhà nghiên cứu cấp cao của Chương trình chi tiêu quân sự và sản xuất vũ khí của SIPRI, cho biết: "Sự gia tăng liên tục trong chi tiêu quân sự toàn cầu những năm gần đây là dấu hiệu cho thấy chúng ta đang sống trong một thế giới ngày càng bất an. Các quốc gia đang củng cố sức mạnh quân sự để đối phó với môi trường an ninh xấu đi, mà họ không thấy sẽ cải thiện trong tương lai gần".

Moscow đã sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào năm 2014, đồng thời ủng hộ lực lượng ly khai ở miền đông nước này trước khi bắt đầu chiến dịch quân sự toàn diện vào tháng 2/2022.

Theo SIPRI, những động thái này đã gửi cảnh báo đến các quốc gia khác láng giềng với Nga hoặc từng nằm trong phạm vi ảnh hưởng của Liên Xô, khiến Phần Lan tăng 36% chi tiêu quân sự, trong khi Litva là 27%.

Vào tháng 4/2023, Phần Lan, có biên giới với Nga kéo dài khoảng 1.340km, đã trở thành thành viên thứ 31 của NATO. Thụy Điển cũng gửi đơn nhưng chưa được xét duyệt.

Lorenzo Scarazzato, nhà nghiên cứu thuộc Chương trình chi tiêu quân sự và sản xuất vũ khí của SIPRI cho biết: "Mặc dù xung đột Ukraine chắc chắn ảnh hưởng đến các quyết định chi tiêu quân sự trong năm 2022, nhưng những lo ngại về chiến dịch của Nga đã hình thành từ trước đó. Nhiều quốc gia thuộc khối Đông Âu cũ đã tăng hơn gấp đôi chi tiêu quân sự kể từ năm 2014, năm Nga sáp nhập Crimea".

Tổ chức cố vấn cho biết chi tiêu quân sự ở Ukraine đã tăng hơn sáu lần lên 44 tỷ USD vào năm 2022, mức tăng chi tiêu quân sự trong một năm cao nhất của một quốc gia từng được ghi nhận trong dữ liệu SIPRI.

Tính theo tỷ lệ phần trăm của tổng sản phẩm quốc nội (GDP), chi tiêu quân sự đã tăng lên 34% vào năm 2022, so với 3,2% của năm trước đó.

Theo SIPRI, chi tiêu quân sự của Nga ước tính tăng 9,2% vào năm 2022, lên khoảng 86,4 tỷ USD. Con số này tương đương với 4,1% GDP năm 2022 của Nga, tăng từ 3,7% vào năm 2021.

Mỹ vẫn là quốc gia chi tiêu quân sự lớn nhất thế giới — tăng 0,7% lên 877 tỷ USD vào năm 2022 — chiếm 39% tổng chi tiêu quân sự toàn cầu. Nan Tian của SIPRI cho biết, sự gia tăng này chủ yếu là do "mức viện trợ quân sự tài chính chưa từng có mà nước này cung cấp cho Ukraine".

Viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine có tổng trị giá 19,9 tỷ USD vào năm 2022, theo viện nghiên cứu.

Trung Quốc vẫn là nước chi tiêu quân sự lớn thứ hai thế giới, phân bổ ước tính 292 tỷ USD vào năm 2022. Con số này cao hơn 4,2% so với năm 2021 và là mức tăng hàng năm thứ 28 liên tiếp.

Trong khi đó, Nhật Bản đã chi 46 tỷ USD cho quân đội vào năm 2022, tăng 5,9% so với năm trước. SIPRI cho biết đây là mức chi tiêu quân sự cao nhất của Nhật Bản kể từ năm 1960.

Nhật Bản và Trung Quốc dẫn đầu chi tiêu quân sự ở châu Á và châu Đại Dương, lên tới 575 tỷ USD. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem