Chia sẻ và cùng lớn mạnh

Thứ tư, ngày 03/07/2013 08:46 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tại Đại hội, tham luận của các đại biểu đã nêu lên nhiều cách làm hay, kinh nghiệm tốt cần được nhân rộng để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác hội và phong trào nông dân trong những năm tới.
Bình luận 0

Hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất

img
Các đại biểu trao đổi bên hành lang đại hội.

Hỗ trợ, tư vấn, dịch vụ và dạy nghề cho ND là một trong những hoạt động được Hội ND các tỉnh, thành phố thực hiện có hiệu quả trong 5 năm qua. Hội ND tỉnh Hải Dương là 1 trong những đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện khá bài bản công tác dạy nghề cho ND. 5 năm qua, Trung tâm Dạy nghề của Hội ND tỉnh đã trực tiếp mở 190 lớp dạy nghề cho hơn 6.300 lao động trong đó có lao động của hộ nghèo, gia đình chính sách, hộ ND diện thu hồi đất; tư vấn, giới thiệu việc làm cho 12.950 lao động. “Dạy nghề, hỗ trợ việc làm phải đi liền với việc hướng dẫn ND thành lập các tổ nhóm liên kết, tổ hợp tác, hỗ trợ vốn, vật tư, hướng dẫn sản xuất, tiêu thụ sản phẩm...” - bà Phạm Thị Thu Bình - Chủ tịch Hội ND Hải Dương chia sẻ.

Việc thực hiện Kết luận 61 (KL 61) của Ban Bí thư và Quyết định 673 (QĐ 673) của Thủ tướng Chính phủ được Hội ND nhiều tỉnh, thành phố tiến hành chủ động bởi xác định đây công cụ, phương tiện để Hội thể hiện rõ hơn vai trò, nhiệm vụ. Chủ tịch Hội ND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Lạc cho biết: “Với sự tham mưu của Hội, tỉnh đã phê duyệt dự án xây dựng Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ ND với số vốn đầu tư 43 tỷ đồng từ ngân sách địa phương; mỗi năm tỉnh bố trí 600 triệu đồng để Hội dạy nghề; ngân sách tỉnh bổ sung từ 1-2 tỷ đồng, ngân sách huyện bổ sung 200-300 triệu đồng cho Quỹ Hỗ trợ ND...”.

img Từ thực tiễn công tác Hội và phong trào ND, Hội phát hiện những cán bộ trẻ có năng lực, nhiệt tình, tâm huyết để đưa vào quy hoạch rồi tổ chức đào tạo, bồi dưỡng làm cán bộ nguồn img

Bà Bùi Thị Mai Hoa - Chủ tịch Hội ND tỉnh Ninh Bình

Tại nhiều tỉnh, thành phố, với sự chủ động tham mưu của Hội ND, cấp ủy, chính quyền đã ban hành văn bản chỉ đạo, phân công, phân cấp, xây dựng kế hoạch thực hiện KL 61, QĐ 673 đã tăng cường rõ nét năng lực hoạt động cho Hội ND. Một số Hội ND tỉnh, thành phố thực hiện khá hiệu quả KL 61, QĐ 673 là Tuyên Quang, Khánh Hòa, Lâm Đồng, TP.HCM...

Cán bộ nào phong trào ấy...

Công tác xây dựng tổ chức hội được Hội ND nhiều tỉnh, thành phố gắn liền với việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, hội viên và gắn với các họat động hỗ trợ ND phát triển sản xuất. Điểm nổi bật tại nhiều, tỉnh thành phố là Hội ND đã có nhiều cách làm tốt, kinh nghiệm hay để xây dựng tổ chức hội trong bối cảnh có nhiều yếu tố không thuận lợi.

Trong bối cảnh đô thị hóa cao, 5 năm qua, số chi hội và hội viên của Hội ND TP.HCM giảm nhiều do hết đất nông nghiệp, chuyển nơi cư trú. Hội ND thành phố xác định đa dạng hóa các mô hình tập hợp ND, nâng cao chất lượng hội viên là hướng trọng tâm. 5 năm qua, Hội ND TP. HCM đã xây dựng được 119 chi hội và 217 tổ hội ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ những sản phẩm phù hợp với nhu cầu đô thị. “Hội đã tổ chức nhiều họat động dịch vụ hỗ trợ về KHKT, vốn, dạy nghề cho các chi hội, tổ hội nghề nghiệp. Đến nay, nhiều chi hội, tổ hội lớn mạnh và là cơ sở, nền tảng vững chắc cho việc hình thành nên loại hình kinh tế tập thể tiên tiến...” - ông Nguyễn Văn Phụng - Chủ tịch Hội ND TP.HCM nêu kinh nghiệm.

Tại nhiều tỉnh, thành phố, cấp ủy, chính quyền đã quan tâm tới nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Hội ND. Năm 2012, tỉnh Khánh Hòa đã phê duyệt Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội ND tỉnh giai đoạn 2011-2015” với kinh phí gần 3 tỷ đồng mở lớp trung cấp chuyên ngành Hội ND. Còn theo bà Bùi Thị Mai Hoa - Chủ tịch Hội ND tỉnh Ninh Bình, với nhận thức “cán bộ nào phong trào ấy”, công tác bồi dưỡng, đào tạo nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ được Hội ND tỉnh Ninh Bình thực hiện có hiệu quả.

Đại biểu xuất khẩu thành... thơ

Trong lúc trao đổi với phóng viên về tình trạng dự án treo, nông dân chán ruộng, đại biểu Trần Văn Vượng (đoàn Hải Dương) bỗng đọc mấy vần thơ vui: “Dân mất ruộng còn đâu hợp tác/Cát đỏ đầy đồng”...Theo đại biểu Vượng, quê hương vẫn luôn là “chùm khế ngọt”, là chỗ dựa của nông dân nhưng trong thời gian qua ở địa phương đã có hàng trăm ha đất “bờ xôi ruộng mật” biến thành những dự án treo.

Hà Nội đổi mới nhanh quá

Đại biểu Chu Thị Nhiều - Chủ tịch Hội ND xã Sàn Viên (Lộc Bình, Lạng Sơn) kể, trước đây chị học Đại học Nông nghiệp 1, hồi đó Hà Nội chưa rộng như bây giờ, đường chưa nhiều, ít nhà cao đẹp hơn bây giờ. Bẵng đi một thời gian không xuống Hà Nội, bây giờ thủ đô đổi thay nhiều quá. Về dự Đại hội, chị tranh thủ đi thăm thú nhiều nơi, buổi tối tranh thủ đi chợ sinh viên mua sắm ít đồ. “Đi chợ sắm đồ, gặp các bạn sinh viên, tôi có cảm giác mình đang sống lại thời sinh viên” - chị Nhiêu nói.

Làm được nhưng khó nói lắm!

Đại biểu Thào Thị Ka (xã Bản Lầu, huyện Mường Khương, Lào Cai) bối rối khi kể với phóng viên về những kinh nghiệm làm giàu trên mảnh đất nghèo khó quê mình. Chị Ka bảo, nếu cầm tay chỉ việc, hướng dẫn bà con trong xã, trong huyện trồng chuối, trồng dứa thì làm được, nhưng bây giờ nói lại thì thấy khó quá! Chị Ka là nông dân sản xuất giỏi của tỉnh Lào Cai 2 năm liên tiếp. Hiện chị đang sở hữu 60.000 cây dứa và 5.000 cây chuối, mỗi năm thu hơn 100 triệu đồng.

Hữu Thông - Nam Tùng Sơn (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem