"Chiếc cầu" nối thêm nhịp để 2 nước Việt-Úc gần nhau hơn

Nguyễn Thụy Thứ ba, ngày 06/02/2024 14:00 PM (GMT+7)
Dù đã bước sang tuổi 75, doanh nhân Việt kiều Úc gốc Hà Tĩnh Nguyễn Ngọc Mỹ vẫn ngày đêm bận rộn với nhiều công việc kinh doanh giữa 2 nước, để tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa cho Việt Nam, thúc đẩy quan hệ giữa giới doanh nghiệp 2 nước.
Bình luận 0

"Tôi là người đam mê công việc", ông Mỹ nói với phóng viên Dân Việt trong chuỗi sự kiện thuộc chương trình "Xuân Quê hương 2024" vừa diễn ra đầu tháng 2/2024 tại TP.HCM, do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) phối hợp với UBND TP.HCM tổ chức.

"Trong những say mê này, tôi rất mê môn đua chó Greyhound tốc độ", ông Mỹ kể. Loại chó đua này có cơ thể rất đẹp, hai cặp chân dài như chân hươu, vòng ngực nở nang, thân hình dài mảnh, thanh thoát, những bước chạy bức tốc vô cùng mạnh mẽ, nhanh như gió với vận tốc có thể lên tới 70 km/giờ. Ngoài tốc độ xé gió, sức rướn tuyệt vời của Greyhound luôn tạo nên các khoảnh khắc sôi động nối tiếp trên từng vòng đua.

"Chiếc cầu" nối thêm nhịp để 2 nước Việt-Úc gần nhau hơn- Ảnh 1.

Những chú chó Greyhound trên đường đua Lam Sơn (TP. Vũng Tàu). Giấy phép của đường đua này đã hết hạn tháng 3/2023. Ảnh: N. Phú

Greyhound là một giống chó săn lâu đời gắn bó với con người, có nguồn gốc từ Anh và Ailen, sau này được du nhập sang Úc và phát triển rất tốt. Ông Mỹ chính là người đưa tên Việt Nam lên danh sách các nước trên thế giới có môn đua Greyhound hấp dẫn này.

Ý chí kinh doanh mạnh mẽ

Sinh năm 1950 tại Hà Tĩnh, ông Mỹ định cư tại Úc vào năm 1978. Với chuyên ngành xây dựng trong tay, ông nhanh chóng hội nhập với xã hội mới trong lĩnh vực này. Ông kể mình lập công ty Nguyen's Brothers năm 1981 để kinh doanh, và giải thích để tồn tại "không gì khác hơn là tự phải lao vào công việc".

Lúc đầu, đây chỉ là một doanh nghiệp quy mô nhỏ tập hợp các anh em có cùng tay nghề để cùng làm trang trí và sửa chữa nội thất nhà cửa, vốn là thị trường ngách đầy tiềm năng. Nhờ làm ăn hiệu quả, ông Mỹ mở rộng quy mô hoạt động, và công ty Keira Construction ra đời sau đó.

Bắt đầu như vậy, công việc ở Úc ngày càng phát triển hơn. Khi đã thành đạt tại xứ người, doanh nhân gốc Việt đã tìm về lại quê hương. Năm 1992, ông là một thành viên trong đoàn của Hội đồng Thương mại Australia đến Việt Nam tìm thêm cơ hội hợp tác kinh doanh. Chuyến đi này đã mở cửa cho những kế hoạch đầu tư về lại Việt Nam, và cũng chính quá trình đầu tư lâu dài này, đến bây giờ, đang mang lại các cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam khai phá một miền rộng lớn ở phía bắc nước Úc.

Không lâu sau chuyến về năm 1992, ông thành lập trụ sở tại Việt Nam của tập đoàn VABIS Group tháng 3/1993; tại TP.HCM - khu vực phát triển kinh tế năng động của Việt Nam. Ngoài vai trò Chủ tịch của VABIS (với rất nhiều công ty tại Việt Nam, Úc và Lào), hiện nay ông còn "ôm" luôn vai trò Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (VAFIE), Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam - Bắc Úc.

"Chiếc cầu" nối thêm nhịp để 2 nước Việt-Úc gần nhau hơn- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Ngọc Mỹ, Phó Chủ tịch VAFIE. Nguồn: VAFIE

"Mình già nhưng doanh nghiệp không già", ông khẳng định và cho biết thêm "máu" khởi nghiệp, lập công ty, khai phá, xúc tiến thị trường mới luôn trong huyết quản. Như những doanh nhân kiều bào khác luôn nặng lòng với quê hương, ông luôn tìm cách đóng góp nhiều hơn nữa.

Chẳng hạn, ông Mỹ khai trương trường đua chó Greyhound vào năm 2000 tại sân vận động Lam Sơn (TP. Vũng Tàu) thuộc công ty giải trí thể thao SES do ông làm Chủ tịch. SES có thời hạn hoạt động 25 năm theo giấy phép đầu tư (từ 1998 đến 2023). 

Tháng 3/2023, trường đua chó Lam Sơn hết hạn hoạt động và hoàn trả mặt bằng lại cho tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Vì vậy, ông đang xây một trường đua mới cho cả Greyhound và ngựa tại Madagui, tỉnh Lâm Đồng. Ông cho phóng viên biết dự kiến trường đua Madagui sẽ bắt đầu hoạt động sớm nhất vào cuối năm 2024.

Hiện nay, trang trại nuôi và huấn luyện chó Greyhound của ông Mỹ tại Bà Rịa vẫn hoạt động hằng ngày, vì đó là nơi đang nuôi và luyện tập khoảng 200 chú chó đua tốc độ này. Ngoài ra, ông đang xây một trường đua chó Greyhound khác tại huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.

Dự án này thuộc nhóm tiêu biểu tại quê nhà của doanh nhân kiều bào này, vì đó sẽ là chuỗi kết nối văn hóa - thể thao - du lịch vui chơi kết hợp giải trí và nghĩ dưỡng với các tiện ích như homestay tiêu chuẩn 5 sao, trường đua chó, khách sạn 5 sao có casino, villa biển, shophouse, biệt thự nghỉ dưỡng cùng các tour du lịch đến các điểm nổi tiếng trong và ngoài tỉnh… Toàn bộ dự án được mang tên Hoa Tiên Paradise - Xuân Thành Golf and Resort.

"Chiếc cầu" nối thêm nhịp để 2 nước Việt-Úc gần nhau hơn- Ảnh 3.

Ảnh phối cảnh dự án Hoa Tiên Paradise - Xuân Thành Golf and Resort tại Hà Tĩnh. Nguồn: VABIS

Hỗ trợ doanh nghiệp Việt đến kinh doanh ở Bắc Úc

Tại VAFIE, ngoài vị trí Phó Chủ tịch, ông Nguyễn Ngọc Mỹ làm Trưởng Văn phòng Đại diện VAFIE tại TP.HCM. Doanh nhân đầy nhiệt huyết này cũng là Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam - Bắc Úc. Trong vai trò quan trọng này, ông đã thiết lập các mối quan hệ hợp tác kinh doanh giữa Việt Nam và Bắc Úc từ đầu năm 2013.

"Bắc Úc là một vùng đất còn rất nhiều dư địa chiến lược và lợi thế cho doanh nghiệp Việt Nam. Bắc Úc đang rất thiếu nhân lực và có nhu cầu rất lớn về vật tư và vật liệu xây dựng để phát triển hạ tầng kinh tế. Trong khi đây lại là lợi thế cạnh tranh rất lớn của Việt Nam trong hiện tại và tương lai", ông cho biết.

Theo thông tin do Hội đồng cung cấp, dù là nỗ lực cá nhân hay cùng với các đối tác, cũng như nỗ lực của Chính quyền Bắc Úc, thì việc phát triển cả khu vực rộng lớn này còn chưa xứng với tiềm năng vốn có: Vị trí địa lý chiến lược độc tôn của thành phố Darwin với vai trò là cửa ngõ giữa châu Á với phần còn lại ủa châu Úc.

Vì vậy, một chiến lược hợp tác đã được Hội đồng xây dựng với những mục tiêu, lộ trình cụ thể, và biến nó thành động lực kích thích tăng trưởng mạnh mẽ cho cả hai nước. Theo đó, trong khuôn khổ mở rộng quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Úc, cần tận dụng lợi thế sự khác biệt giữa hai nước để xây dựng chiến lược đầu tư, thương mại, du lịch, xuất khẩu lao động vào Bắc Úc.

Hội đồng nhận định từ nay đến năm 2025, cần xây dựng chiến lược hợp tác giữa Việt Nam với Bắc Úc như là một bộ phận cấu thành quan hệ hợp tác toàn diện giữa Việt Nam với Úc; chú trọng đặc điểm của Bắc Úc là vùng có nhiều thổ dân sinh sống, đất đai chủ yếu thuộc quyền sở hữu của thổ dân, do đó cần nghiên cứu đặc điểm, tập quán, nền văn hóa, lợi ích của thổ dân để thiết lập quan hệ cùng có lợi với một số dân tộc thiểu số của Việt Nam.

Về lao động, phải tuyển chọn, đào tạo nghề nghiệp và tiếng Anh, xây dựng đội ngũ người lao động có tay nghề cao, đủ sức khỏe, có ý thức lao động để đưa sang Bắc Úc. Đến năm 2025, cần thí điểm đưa khoảng 30.000-50.000 người Việt Nam sang Bắc Úc, nhằm mục tiêu trong vòng 20 năm đưa khoảng 1 triệu người Việt Nam sang lao động, học tập tại Bắc Úc.

Về nông nghiệp, cần tận dụng lợi thế đất đai màu mỡ có thể trồng cây ăn quả, chăn nuôi đại gia súc quy mô lớn, chế biến nông sản thực phẩm để xuất khẩu trở lại Việt Nam và sang các nước. Thành lập một số cụm nông - công nghiệp do người Việt Nam quản lý và làm việc, từ đó hình thành một số làng - xã của người Việt Nam ở Bắc Úc.

Về thương mại, hiện nay Việt Nam hầu như chưa có quan hệ xuất nhập khẩu với Bắc Úc, nếu thực hiện được việc xuất khẩu lao động, hình thành các cụm nông - công nghiệp thì có khả năng đột phá trong quan hệ thương mại giữa hai bên, góp phần nâng cao kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Úc, gia tăng đáng kể tỷ trọng hàng hóa và dịch vụ của mỗi nước trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.

Về du lịch, Hội đồng cho biết Bắc Úc có khí hậu tương tự khí hậu của Nam bộ , có 2 mùa là mùa mưa và mùa khô (nhưng trái mùa với nhau) do đó có thể mở rộng nhanh chóng du lịch giữa hai bên; trước hết là khuyến khích các công ty du lịch lữ hành quốc tế của Việt Nam thăm dò và khai thác tiềm năng phát triển du lịch tại Bắc Úc, thí điểm mở các chuyến bay trực tiếp giữa Hà Nội, TP.HCM với Bắc Úc.

Khi lượng khách du lịch, thương mại, đầu tư, xuất khẩu lao động đã gia tăng thì có thể thiết lập đường hàng không trực tiếp giữa một số thành phố lớn của Việt Nam với Bắc Úc.

"Chiếc cầu" nối thêm nhịp để 2 nước Việt-Úc gần nhau hơn- Ảnh 4.

Ông Nguyễn Ngọc Mỹ trong 1 lần giới thiệu lãnh thổ Bắc Úc đầy tiềm năng. Nguồn: VAFIE.

Ông Mỹ chia sẻ: Nói đến Úc, người ta thường nghĩ đến Canbera, Sydney hay Melbourne. Nhưng nếu nhắc đến vị trí địa lý chiến lược thì thủ phủ Darwin của lãnh thổ Bắc Úc mới đóng vai trò độc nhất vô nhị, là cửa ngõ gần nhất kết nối giữa châu Á với phần còn lại của châu Úc.

Ông nhấn mạnh thêm nhiều tiềm năng khác: "Ngoài ra, Bắc Úc rất giàu tài nguyên thiên nhiên như dầu khí, khoáng sản, di sản văn hóa thổ dân, nhiều khu bảo tồn thiên nhiên hùng vĩ... Cần nhớ GDP theo đầu người ở Bắc Úc cao nhất nước Úc. Vùng này có diện tích rộng gấp 4 lần Việt Nam nhưng dân số lại thấp hơn nhiều".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem