Chiếm đất còn vác hung khí đe dọa cán bộ tòa

Thứ ba, ngày 14/12/2010 09:01 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Người dân tố cáo ông Lê Duy Nguyên (ở xã Quỳnh Lập, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) chiếm dụng hàng trăm ha rừng của và ngang nhiên dùng hung khí cản trở cán bộ tòa xuống hiện trường làm việc.
Bình luận 0

Giả mạo chữ ký để chiếm đất?

Trao đổi với PV NTNN, anh Trần Xuân Nam (ở thị trấn Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Nghệ An) bức xúc:

"Năm 1992, Nhà nước có chủ trương giao đất, giao rừng cho các hộ dân ven biển để trồng và bảo vệ rừng. Gia đình tôi và gia đình bố đẻ tôi là ông Trần Xuân Lập cùng làm đơn và được UBND huyện Quỳnh Lưu lần lượt giao cho 84,5 ha và 36,5ha rừng tại địa phương trong thời hạn 50 năm.

img
Anh Trần Xuân Nam đang chỉ diện tích đất rừng mà bố anh được giao

Thời điểm đó, còn có gia đình ông Trần Xuân Ngoạn được giao 40,5 ha ở vùng Ròi và Dè Dè. Lúc đó, ông Lê Duy Nguyên đang là cán bộ của Trường Năng khiếu Phan Bội Châu nên không thuộc diện được giao đất, giao rừng.

Ông Nguyên đã rủ gia đình tôi, bố tôi và ông Ngoạn thành lập một nhóm cùng trồng rừng. Khi nào thu hoạch thì tiền lãi ông Nguyên hưởng 20%, 80% còn lại chia cho các hộ khác. Sau đó, ông Nguyên đã tự ý lên UBND huyện Quỳnh Lưu nhận lâm bạ của cả 3 hộ và ký nhận với danh nghĩa chủ hộ".

img Tòa án đã hợp đồng với Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Nghệ An tiến hành đo đạc bằng máy và định giá tài sản ở khu đất tranh chấp nhưng không thực hiện được vì bị ông Nguyên và người của doanh nghiệp đe dọa, cản trở bằng gậy và vũ khí không cho lên rừng. img

 

Ông Trần Văn Tiến - Chánh án TAND huyện Quỳnh Lưu

Ngày 6 - 12 - 2003, ngay sau khi ông Lê Duy Nguyên nghỉ hưu, UBND huyện Quỳnh Lưu đã ký Quyết định số 281, cấp cho ông Nguyên 820ha đất ở vùng thượng nguồn khe Xu, khe Củi giáp Thanh Hóa.

Trước đó, ngày 11 - 8 - 1993, ông Nguyên xin thành lập doanh nghiệp trồng rừng mang tên Lê Duy Nguyên, do vợ ông là bà Nguyễn Thị Hưng đứng tên làm chủ. Như vậy là ông Nguyên đã thành lập doanh nghiệp trồng rừng từ khi chưa có đất rừng.

Năm 2005, thấy hệ thống quản lý của doanh nghiệp Lê Duy Nguyên không đúng trình tự, quy định của pháp luật, việc ăn chia không rõ ràng, ông Trần Xuân Lập (một trong 3 hộ nói trên) đã đến gặp ông Nguyên đòi lại diện tích rừng và lâm bạ nhưng ông Nguyên không trả.

Anh Trần Xuân Nam cho biết thêm: "Để chiếm đất rừng của bố tôi, ông Nguyên đã lập ra 2 bản cam kết giao quyền quản lý sử dụng đất trồng rừng giả mạo chữ ký của bố tôi. Cũng vì 2 bản cam kết này mà Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng của huyện đã lập toàn bộ thủ tục giấy tờ bồi thường cho ông Nguyên khi dự án đường nối QL1A xuống cảng Đông Hồi đi qua lâm bạ của bố tôi. Số tiền này ước tính gần 500 triệu đồng".

Đe dọa cán bộ tòa án

Trong buổi làm việc với PV NTNN, ông Nguyễn Văn Thống - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Quỳnh Lập - cho biết:

"Năm 1993, ông Nguyên đang công tác tại Trường chuyên Phan Bội Châu và không có hộ khẩu thường trú tại địa phương nên đã mượn tên của ông Lập, anh Nam và ông Ngoạn để xin nhận đất trồng rừng. Các bước làm lâm bạ, nhận đất, ông Nguyên đều trực tiếp làm. UBND xã khẳng định ông Lập không có rừng vì không có đầu tư, không có kế hoạch, không đi trồng rừng mà rừng là của doanh nghiệp Lê Duy Nguyên".

Về việc ông Nguyên ký nhận lâm bạ đứng tên những người khác, ông Thống đã thừa nhận là không đúng với quy định của pháp luật.

Cùng ngày, trao đổi với PV NTNN, ông Trần Văn Tiến - Chánh án TAND huyện Quỳnh Lưu cho biết:

"Ngày 6 - 1 - 2010, TAND huyện thụ lý vụ án dân sự này. Tòa án đã hợp đồng với Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Nghệ An tiến hành đo đạc bằng máy và định giá tài sản ở khu đất tranh chấp nhưng không thực hiện được vì bị ông Nguyên và người của doanh nghiệp đe dọa, cản trở bằng gậy và vũ khí không cho lên rừng. Đoàn tòa án đi hơn 10 người nhưng phải lập biên bản chứ không vào đo đạc được".

Thẩm phán Hồ Ngọc Tiếp - người trực tiếp thụ lý vụ việc này - cho biết thêm: "Ông Nguyên nói rằng chưa nhận được quyết định định giá tài sản và thẩm định tại chỗ dù trước đó tòa án đã gửi quyết định cho UBND xã Quỳnh Lập để xã tống đạt cho đương sự và trong Luật Dân sự cũng không quy định phải làm động tác này.

Ngày 1 - 12 - 2010, chúng tôi đã tiếp tục ra quyết định định giá tài sản và cử cán bộ trực tiếp tống đạt quyết định tận nơi cho ông Nguyên, nếu ông Nguyên vắng mặt vẫn sẽ thực hiện bình thường. Tòa án cũng đã có công văn gửi Công an huyện Quỳnh Lưu đề nghị phối hợp để đảm bảo an toàn cho phiên định giá".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem