Chiếm đất ở Hải Phòng: Không bảo kê, giang hồ có dám quậy?

Vương Hà Thứ bảy, ngày 12/10/2019 12:03 PM (GMT+7)
Nhìn lại các vụ án giang hồ ra tay ở mọi ngóc ngách, không ít vụ có dấu hiệu bảo kê, làm ngơ của lực lượng chức năng. Không có bảo kê, giang hồ cỡ nào đi nữa, liệu có dám ngang ngược ăn hiếp dân lành?
Bình luận 0

Vụ án giang hồ “khua dao múa kiếm” chiếm đất, kể cả đất đã có chủ, đã quây tôn, đã xây nhà tạm, thậm chí cả đất quốc phòng ở Hải Phòng khiến dư luận thật sự bàng hoàng, hoang mang. Lẽ nào giang hồ lộng hành đến mức như vậy sao?  Vậy có hay không sự bảo kê, hay ít nhất là làm ngơ của những người có thế lực?

Trong vụ án này, những lời giải thích của chính quyền địa phương cho thấy đó chỉ là những lời ngụy biện cho sự bất lực của mình. Theo báo chí, Chủ tịch UBND quận Hải An Phạm Chí Bắc (nơi xảy ra vụ việc) cho rằng, “lực lượng của chính quyền địa phương chỉ “canh gác” được đến 21 giờ đêm là phải rút. Các đối tượng nhân đó thực hiện việc xây dựng trái phép trong đêm, nên không bắt được quả tang” (?!). Thậm chí ông Chí Bắc còn lý giải: “Quy trình xử lý một cá nhân chiếm đất phải mất 25 ngày, từ ngày lập biên bản, tống đạt quyết định, xử phạt, ra quyết định cưỡng chế... nên không thể xử lý các đối tượng vi phạm ngay được” (??).

img

Chiều 9.10, tình trạng xây trái phép vẫn diễn ra hai bên đường WorldBank (quận Hải An, TP.Hải Phòng). Ảnh: LĐ.

Với những câu giải thích này, dư luận không chỉ thấy ngay sự yếu kém của chính quyền, mà còn thấy rõ sự bao biện vụng về của ông Chủ tịch quận. Và sự yếu kém (hay bảo kê) của chính quyền quận đã bị Chủ tịch TP. Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng “điểm huyệt”: “Tôi đã trực tiếp chỉ đạo xử lý tình trạng lấn chiếm đất từ tháng 7 – 8/2019. Đến nay đã quá 25 ngày như quy định, tại sao quận Hải An vẫn chưa xử lý được trường hợp nào?”. Từ đây, cần đặt ra câu hỏi tiếp: Đâu là lý do khiến quận dám nhờn với lãnh đạo thành phố?

Nhìn lại các vụ án mà giang hồ quậy phá ở mọi lĩnh vực từ trước đến nay, không ít vụ có dấu hiệu bảo kê, làm ngơ của lực lượng chức năng. Trước đây, vụ án Năm Cam cho thấy, Năm Cam cùng đàn em bảo kê, làm loạn ở Sài Gòn trong một thời gian dài, cải tạo về lại còn làm dữ dằn hơn. Khi bị bắt lần nữa, những đường dây bảo kê, chạy án cho Năm Cam lộ mới bị lộ. Một loạt cán bộ có trọng trách của lực lượng chức năng đã lộ diện, phải chịu các mức án khác nhau cùng Năm Cam.

Ở Hà Nội, Khánh “trắng” không chỉ trắng trợn ăn hiếp bà con tiểu thương chợ Đồng Xuân, mà y còn chỉ đạo đàn em ngang nhiên xiết nợ kiểu giang hồ ở 71E Kim Mã, nhưng các cơ quan chức năng địa phương vẫn lặng thinh. Chỉ đến khi Bộ Công an vào cuộc, khởi tố “Khánh trắng” tội cướp tài sản công dân, vụ án mới sáng tỏ. Tuy nhiên, khác với vụ án Năm Cam, không thấy bóng dáng quan chức nào ở địa bàn lẫn cơ quan chức năng chịu tội cùng Khánh “trắng”, dù những dấu hiệu bảo kê khá rõ.

Mới đây hơn, vụ án ở chợ Long Biên, băng nhóm khoác áo đội bốc xếp của Hưng “kính” bị bắt, còn những đối tượng có dấu hiệu bảo kê cho băng nhóm này không bị xử lý hình sự.

img

Khu đất bị các đối tượng xã hội xâm chiếm tại Hải Phòng. Ảnh: LĐ.

Không chỉ băng nhóm xã hội đen cưỡng đoạt tiền trắng trợn của người dân, mà ngay cả quán bia bình dân, điểm trông giữ xe vỉa hè… cũng chịu sự bảo kê của chúng và của cả lực lượng chức năng. Điều này được Chủ tịch TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung nói thẳng với cán bộ chủ chốt của thành phố trong một hội nghị: “Khi làm Giám đốc Công an thành phố, tôi thống kê trên 180 quán bia hơi vỉa hè thì 150 quán có công an đứng đằng sau. Nên chỉ cần quán triệt mấy ông công an là tốt hết”. Không chỉ quán bia, ông Nguyễn Đức Chung còn chỉ ra "các điểm trông giữ xe dưới phường có người nhà, có bãi đỗ xe của bí thư, chủ tịch không? Có đấy. Các đồng chí phải quán triệt, về bảo người nhà thôi thì sẽ đỡ đi rất nhiều rồi”. Tướng Chung còn dẫn chứng, có điểm bán hoa quả mỗi tháng nộp 3 triệu cho công an, ông đã gọi công an quận ra và từ đó quầy hoa quả không bày bán nữa. Hay có cửa hàng nằm giáp ranh 3 quận, các đoàn kiểm tra xuống cứ đổ cho nhau vì “cả 3 ông đều thu tiền”.

Gần đây nhất, chỉ vì va chạm nhẹ trong quán nhậu ở Đồng Nai, giang hồ không chỉ đánh nhau với công an ngay trong quán mà tiếp tục quây xe của họ giữa đường, chỉ đến khi có tới hàng trăm cảnh sát đến, mấy vị sĩ quan công an trong xe mới được giải thoát. Chuyện thật mà như tiếu lâm. Đến nay, dư luận mới phần nào hình dung vì sao nhóm giang hồ trên dám quây cả cảnh sát như vậy. Đối tượng Nguyễn Tiến Lương trong quá trình xảy ra vụ việc đã có nhiều cuộc điện thoại với bà Nguyễn Thị Hồng - vợ Giám đốc Công an tỉnh ông Huỳnh Tiến Mạnh. Câu hỏi đặt ra, nếu ông Mạnh không bị cách hết chức vụ, những cuộc điện đàm này có bị lộ diện?

Quay trở lại vụ việc giang hồ ngang ngược chiếm đất tại Hải Phòng, trong buổi thị sát thực địa đầu tháng 10, Chủ tịch TP. Nguyễn Văn Tùng cũng nói thẳng: “Các đồng chí công an nói không có xã hội đen, nhưng thực tế cho thấy các trường hợp lấn chiếm đất đứng sau đều có dân anh chị. Không thì làm sao làm được thế này? Vậy các anh xem sao lại để xã hội như vậy? Tôi còn nghe thấy ở đây còn có sự hậu thuẫn của ngành công an, chính quyền, có chuyện nọ, chuyện kia. Vậy ai chịu trách nhiệm về việc đó?”.

Không có bảo kê, chống lưng, giang hồ cỡ nào đi nữa, liệu có dám quậy? Những hiện tượng tiêu cực, bảo kê như thế người dân biết hết, nhưng không dám nói ra, những người đứng đầu chính quyền thành phố còn biết nhiều hơn, rõ hơn. Đã nắm được “tổ con tò vò” thì không chỉ chỉ ra, quán triệt, mà điều người dân mong chờ tiếp sau chính là những hành động quyết liệt, để dẹp nạn bảo kê, giang hồ lộng hành, lập lại trật tự xã hội.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem