Chiến sự Nga-Ukraine qua nhật ký của một phụ nữ Việt phần 25: Ám ảnh ký ức chạy loạn của cụ bà 75 tuổi

Đỗ Thị Hoa Lý (Từ Dortmund, CHLB Đức) Thứ hai, ngày 30/05/2022 08:04 AM (GMT+7)
"Xe phải chạy vòng vèo qua những cánh rừng, làng mạc khiến mọi người đều trong tâm trạng hoang mang lo sợ. Thời gian trôi nặng nề và mãi mới tới được biên giới Ba Lan, bà lên tàu qua biên giới, con gái và con rể đến đón bà về Dortmund", trích nhật ký chiến sự Ukraine của nhà thơ Đỗ Thị Hoa Lý viết riêng cho Dân Việt.
Bình luận 0
Chiến sự Nga-Ukraine qua nhật ký của một phụ nữ Việt phần 25: Ám ảnh ký ức chạy loạn của cụ bà 75 tuổi - Ảnh 1.

Cụ bà 75 tuổi xếp hàng làm thủ tục ở Sở Ngoại kiều.

 Ở CH Séc cùng gia đình các em trọn 8 ngày, trong tình yêu thương và chăm sóc của các em, vợ chồng tôi đành phải lưu luyến chia tay. Em dâu gói ghém cho chúng tôi nhiều đồ ăn và gia vị Việt Nam, đặc bệt là bắt tôi xách mấy chai dầu ăn về Đức. Bên CH Séc vẫn mua được dầu ăn dù giá cả tăng gấp hơn 2 lần nhưng ở Đức kiếm được chai dầu ăn còn khó hơn lên trời...

Đầu tiên chúng tôi dự tính đi tàu trở về Đức nhưng rồi xem lại lịch trình của xe buýt hợp lý hơn nên chúng tôi thay đổi quyết định. Vậy là em dâu lại chạy xe đưa vợ chồng tôi sang Dresden, từ đó đi xe buýt vào lúc 22h44' về đến Dortmund là 5h30' sáng hôm sau thứ Bảy ngày 7/5. Tuy xe buýt không rộng rãi như tàu hỏa nhưng được cái không phải chuyển  tiếp nhiều lần.

Xe chạy suốt đêm, dừng 2 chặng để trả và đón khách, tới Dortmund đúng giờ. Trời đã sáng nhưng không khí còn đẫm sương đêm ngấm vào người khiến tôi run cầm cập. Tôi hỏi đường ra ga tàu hỏa để đi về nhà mình. Vậy là đã "đi đến nơi, về đến chốn", nếu không đi thì làm sao được trải nghiệm hành trình thú vị và học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm?

Về đến nhà chúng tôi có thư báo sáng 9/5 tập trung ở trại để đi lên Sở Ngoại kiều lăn tay chụp ảnh. Tôi cứ băn khoăn "sao lại lăn tay chụp ảnh nữa?" nhưng đã có thư gọi thì cứ đi xem sao.

Đúng giờ, xe đón 5 người Việt chúng tôi đến nơi tập trung cùng rất đông người Ukraine toàn những gương mặt mới. Nhân viên của trại đã chuẩn bị giấy tờ để chúng tôi khai lý lịch. Rất may là tờ khai có in bằng 2 thứ tiếng Đức và Nga nên không gặp khó khăn gì. Một dải băng đánh số thứ tự màu xanh lam đeo vào cổ tay. Họ còn rất chu đáo chuẩn bị sẵn nước, bánh mì và táo để phát cho từng người. Phiên dịch cho chúng tôi vẫn là cô gái người Chechnia.

Xe xuất phát đến địa điểm cách xa chúng tôi khoảng 80km, qua những cánh đồng hoa cải vàng rực, những chiếc quạt năng lượng gió kiêu hãnh phía xa và thảo nguyên, đồi núi điệp trùng. Tới nơi, chúng tôi được phát thêm một dải băng màu vàng đánh số thứ tự đeo vào cổ tay nữa. Không hiểu ngẫu nhiên hay có sự sắp đặt mà hai dải băng đeo vào cổ tay có màu tượng trưng của quốc kỳ Ukraine...

Trong sân của Sở Ngoại kiều đã có một xe buýt đến trước, người lớn đứng ngồi lố nhố và trẻ em chạy nhảy khắp nơi. Mặt trời lên mỗi lúc một cao, ánh nắng chói chang đẩy chúng tôi tìm bóng râm. Lăn tay chụp ảnh thật mất thời gian, mãi mà người của xe buýt thứ nhất chưa xong. Để giết thời gian, tôi hóng chuyện của mấy bà tây vừa thoáng bên tai. Có một bà đã già đi một mình đứng hỏi chuyện cô phiên dịch. Tôi hỏi thăm được biết bà từ Kharkiv chạy nạn sau 2 tuần nằm hầm trú ẩn. 

Bà kể rằng bà ở trong ngôi nhà 5 tầng, hầm trú ẩn thực ra là hầm chứa dụng cụ và tích trữ các loại củ quả đóng hộp nên nó nhỏ bé và nhiều mùi vị khác nhau, cứ thấy còi báo động là chui vào đó cảm giác muốn ngộp thở. Báo yên thì lại chạy lên nhà nấu nướng chuẩn bị cho lần báo động tiếp theo. Cứ như vậy 2 tuần chạy lên chạy xuống, con gái bà ở Đức giục bà đi lánh nạn, vậy là bà với một người bạn quyết định liên hệ với những chuyến xe đưa người đi di tản. 

Theo lời hẹn, mọi người cùng ra điểm đỗ gần nhà ga Kharkiv, chỉ còn cách vài chục mét thì còi báo động rú lên, tiếp theo là tiếng rít sắc lạnh trong không khí đến rợn người. Bà vội chạy vào một tầng hầm chung cư gần đó, nghe nói có thương vong nhưng cũng có nhiều người may mắn thoát nạn. Rồi báo yên, bà tìm được chiếc xe đã liên hệ để lên đường. Bình thường xe chạy trên quốc lộ rất nhanh, còn lúc đó phải chạy vòng vèo qua những cánh rừng, làng mạc khiến mọi người đều trong tâm trạng hoang mang lo sợ. Thời gian trôi chậm chạp nặng nề và mãi mới tới được biên giới Ba Lan, bà lên tàu qua biên giới, con gái và con rể đến đón bà về Dortmund.

 Lúc đầu, vợ chồng cô con gái định đi tàu sang Ba Lan đón bà nhưng lo lắng cho bà nên họ đã thay nhau lái xe hơn một ngày đêm với chặng đường cả đi lẫn về là 2700 cây số, và ơn Trời tất cả đều an toàn... Nghe xong câu chuyện của bà mà tất cả mọi người xung quanh đều xúc động, mừng bà và gia đình đoàn tụ. Bà nói: "Tôi 75 tuổi rồi, chẳng muốn đi đâu cả, nhưng ở lại thì con gái không yên tâm nên đành phải lên đường. Chỗ tôi có nhiều người nằm liệt, con cái đều nhất quyết không đi di tản mà họ kiên quyết ở lại sống chết cùng cha mẹ".

Đến làm thủ tục ở Sở Ngoại kiều có rất nhiều gia đình con cái nheo nhóc, mỗi người mỗi một hoàn cảnh khác nhau nhưng đều có một điểm nữa là phải đứt ruột chia ly khi quê hương chìm trong lửa đạn.

4h chiều mới tới lượt chúng tôi, họ nhập thông tin cá nhân vào máy tính và nói các anh chị đã đăng ký rồi, thế là phải chờ đợi mấy người chưa xong thủ tục để về cùng chuyến xe, mất đứt một ngày và khá mệt mỏi vì toàn phải đứng.

Những ngày tiếp theo là chờ đợi đi khám tổng quát, chụp Rơn-ghen và ai chưa tiêm đủ 3 mũi vacxin thì phải hoàn thiện cho xong.

Ngày 23/5, có thư gọi ra Trung tâm xã hội để hoàn tất một số thủ tục liên quan đến trợ cấp và tư vấn việc làm. Những ngày trôi qua dài dằng dặc, nhiều lúc không muốn nghĩ và viết được vài dòng lại thấy nản...

Hôm nay 29/5, Kyiv tròn 1540 tuổi. Nhớ lại hồi con gái tôi còn đi nhà trẻ đã tham gia biểu diễn mừng Ngày Kyiv tại con phố chính - Phố Khrasatik chạy suốt trung tâm thủ đô. Ngày ấy, con gái tôi trong vai chú Rùa Ninza nhỏ xíu cùng các bạn tưng bừng chào đón ngày kỷ niệm thủ đô. Và tôi cùng các vị phụ huynh, những công dân Kyiv cũng trong tâm trạng xúc động, hân hoan hòa cùng niềm vui lớn. Ngày ấy đã xa rồi, và biết bao giờ trở lại? Thủ đô xinh đẹp giờ ra sao?

Ukraine vẫn còn nhiều nguy cơ và dù rất muốn trở về nhưng chính quyền thành phố vẫn khuyến cáo người dân không nên quay lại trong lúc này. Nhiều vùng bị gài mìn và nhiều nơi vẫn còn bị pháo kích, chiến sự chưa ngừng lại...

Biết bao giờ mới bình yên? Ai có thể trả lời câu hỏi này? Hàng triệu người dân Ukraine và người nước ngoài ở Ukraine đang đỏ mắt, khắc khoải mong một ngày về với trái tim buốt nhói...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem