Chiến sự Nga-Ukraine qua nhật ký của một phụ nữ Việt phần 22: Một mùa lễ Phục sinh đáng nhớ của Ukraine

Nhà thơ Đỗ Thị Hoa Lý từ Dormund Thứ ba, ngày 19/04/2022 09:34 AM (GMT+7)
Họa sĩ đang gò lưng trên nền đá vẽ vòng tròn rộng lớn tượng trưng cho ngôi nhà Trái Đất, bên trong vòng tròn ấy là quốc kỳ của các nước. Điều gây xúc động mạnh mẽ, quốc kỳ Ukraine là một trái tim 2 màu màu xanh và vàng với dòng chữ "Vinh quang Ukraine", trích nhật ký chiến sự Ukraine của nhà thơ Đỗ Thị Hoa Lý.
Bình luận 0
Chiến sự Nga-Ukraine qua nhật ký của một phụ nữ Việt phần 22: Lễ Phục sinh đáng nhớ của Ukraine - Ảnh 1.

Điều gây xúc động mạnh mẽ là quốc kỳ Ukraine là một trái tim 2 màu màu xanh và vàng với dòng chữ bên cạnh "Vinh quang Ukraine" (Слава Украине) với rất nhiều đồng tiền quyên góp cho Ukraine.

Sau buổi học tiếng Đức ngày thứ Năm 14/4, giáo viên giới thiệu cho chúng tôi về những ngày nghỉ lễ đó là thứ: Sáu, Bảy, Chủ nhật và thứ Hai. Qua tìm hiểu, tôi được biết thứ Sáu 15/4 được gọi là "Ngày thứ Sáu Tuần Thánh" - là ngày tưởng nhớ đấng cứu hộ, nhiều nhà thờ không rung chuông vào ngày này; ngày Chủ nhật 17/4 là ngày Chủ nhật Phục Sinh (Ostersonntag) của Cơ đốc giáo và cũng là ngày lễ của địa phương; ngày thứ Hai 18/4 (Osternmontag) là ngày lễ của Cơ đốc giáo trên cả nước. Lễ Phục Sinh không cố định vào ngày nào trong năm và thay đổi theo chu kỳ mặt trăng...

Trong dịp lễ quan trọng này, mọi người đều được nghỉ, tuy nhiên ở Đức người làm việc trong các cơ quan nhà nước không có chuyện nghỉ bù: thứ Sáu nghỉ, thứ Bảy đi làm và nghỉ tiếp 2 ngày Chủ nhật, thứ Hai. Vợ chồng cô con gái bạn tôi mời chúng tôi đến làm khách vào ngày thứ Sáu. Trước đó thì cô bạn tôi đã đi mua thỏ và trứng thỏ được làm từ Socola, một chậu cây cảnh rất đẹp; chúng tôi mua chai rượu vang ngon để làm quà cho cặp vợ chồng trẻ.

Chồng cô bé là người Đức, chúng tôi đã gặp một lần khi chúng về thăm bố mẹ. Cậu bé rất xinh trai, chịu khó học tiếng Việt, ngoan ngoãn, chăm chỉ, biết giúp đỡ vợ những việc trong nhà và ăn chay từ năm 9 tuổi, hiện nay cả 2 vợ chồng đều ăn chay. Căn hộ thuê của người bà con gồm 2 phòng làm việc, 1 phòng khách, 1 phòng ngủ đẹp, bếp rộng và thuận tiện, 2 nhà vệ sinh, cửa sổ phòng khách và bếp nhìn xuống khu vườn cỏ xanh mát mắt. Con gái bạn tôi nói tiếng Việt khá tốt dù còn nhiều từ dùng chưa chuẩn xác. Cô bé kể rằng có một con chim xanh rất đẹp đã được thả ra khỏi vườn bách thú, bây giờ nó rất tự do, trong khi nói mắt cô bé ánh lên niềm vui như chính mình là người được tự do vậy...

Mấy chị em phụ nữ chúng tôi nhanh tay vào bếp làm món gỏi cuốn, chẳng bao lâu đã xong và cả nhà ngồi ăn bữa trưa vui vẻ. Món bánh táo tráng miệng do đích thân cô con gái vào bếp vừa lấy từ trong lò nướng thơm mùi bơ và quế, thêm một chút kem và váng sữa ngầy ngậy, thơm và ngọt dịu. Ăn xong bát đĩa, thìa dĩa cho hết vào máy rửa bát, chúng tôi vào phòng khách trò chuyện. Nhìn thấy chiếc đàn piano tôi reo lên. Cô con gái bạn tôi nói chồng cháu chỉ biết chơi đàn một chút thôi. Tôi rất thích và dùng một chút tiếng Đức bập bõm mới học được, rón rén đề nghị cậu bé chơi bản Sonat Ánh trăng của Betthoven. Cậu bé thẹn thùng dạo phím, tiếng đàn ngân lên, cả căn phòng chìm trong tiếng nhạc êm đềm, tâm trạng mọi người thật dễ chịu nhất là vợ chồng cô bạn tôi mỉm cười hạnh phúc khi được thư giãn sau những ngày làm việc mệt mỏi. 

Cả nhà trò chuyện vui vẻ, chúng tôi dạy cậu con rể nói tiếng Việt, tôi hỏi một vài từ tiếng Anh chuyển nghĩa sang tiếng Đức và dịch sang tiếng Ukraine. Như vậy chúng tôi đã là một gia đình quốc tế đa ngôn ngữ rồi. Cô bé nói với mẹ bằng tiếng Việt ngọng nghịu "Mẹ ơi, mẹ trốn con Thỏ đi để con tìm", cả nhà cười phá lên vì câu nói vô cùng dễ thương của cô bé.

 Qua tìm hiểu, tôi được biết, theo phong tục của Đức ngày Lễ Phục sinh giống như ngày Lễ Giáng Sinh, là một ngày lễ gia đình chứ không chỉ dành riêng cho các tín đồ theo đạo, vì thế nhiều người không theo đạo cũng tham gia đốt lửa, trang trí nhà cửa và tổ chức trò chơi tìm trứng, tặng quà cho trẻ em. Đây là một lễ hội rất quan trọng. Là dịp người ta thể hiện lòng thành kính bằng cách ca hát và nhảy múa, dâng lên nhiều hoa trái để tạ ơn và cầu bình an. Đặc biệt, đây chính là ngày kỷ niệm Chúa Jesus hồi sinh sau khi bị đóng đinh trên cây thập tự giá.

Đầu năm cũng là mùa thỏ sinh con, giống hình ảnh quả trứng, tượng trưng cho một cuộc sống mới. Trứng Phục Sinh là truyền thống từ thế kỷ 16. Các tín đồ chỉ bắt đầu nhuộm trứng vào ngày thứ Bảy và hôm sau vào ngày Chủ nhật, họ sẽ xếp chúng trong giỏ đến cúng ở nhà thờ. Sau buổi lễ, người lớn đem giấu những quả trứng "lộc" đó để trẻ nhỏ đi tìm. Quả trứng màu đỏ sẽ mang lại thật nhiều may mắn... Phong tục này cũng gần giống với phong tục của Ukraine trong Lễ Phục Sinh mà nhiều người Việt mình vẫn quen gọi là "Lễ trứng". Lễ Phục Sinh của Ukraine năm nay sẽ rơi vào ngày Chủ nhật 24/4 (đúng tròn 2 tháng kể từ ngày chiến tranh nổ ra). Lễ Phục sinh năm nay của Ukraine sẽ là một ngày đáng nhớ, nỗi đau thương mất mát trong chiến tranh càng làm tăng thêm niềm tin và tinh thần cho người Ukraine. Chúng tôi sẽ không ngừng cầu nguyện hòa bình cho đất nước Ukraine xinh đẹp. 

Chiến sự Nga-Ukraine qua nhật ký của một phụ nữ Việt phần 22: Lễ Phục sinh đáng nhớ của Ukraine - Ảnh 3.

Tác giả (giữa) và người thân đến thăm Nhà thờ đá ở thành Köln.

Trời nắng dịu nhẹ và man mát, chúng tôi lên đường đi tới Nhà thờ đá ở thành Köln còn được gọi là Cologne. Đây là nhà thờ Công giáo La Mã thờ thánh Peter và Đức mẹ Maria. Là di sản văn hóa thế giới và là công trình kiến trúc nổi tiếng nhất nước Đức. Nhà thờ được xem là linh hồn, là báu vật của người Đức. Nhà thờ cao 157m mang phong cách kiến trúc gothic, báu vật quan trọng nhất nằm ở nơi cuối cùng của nhà thờ là khán thờ bằng vàng lớn nhất Châu Âu, được trang trí với hơn 1000 viên đá quý. Những bức tường nhuốm màu thời gian khiến du khách ngay lập tức có một cảm giác vô cùng kính cẩn. Những mái vòm thâm nghiêm, cây thánh giá cao 2,88m rộng 1,66m được làm từ gỗ sồi đã có từ hơn 700 năm nay.

Cổng chính của nhà thờ tấp nập du khách với đủ sắc tộc từ khắp nơi trên thế giới. Một họa sĩ đang gò lưng trên nền đá vẽ trong một vòng tròn rộng lớn tượng trưng cho ngôi nhà Trái Đất, bên trong vòng tròn ấy là quốc kỳ của các nước. Điều gây xúc động mạnh mẽ là quốc kỳ Ukraine là một trái tim 2 màu màu xanh và vàng với dòng chữ bên cạnh "Vinh quang Ukraine" (Слава Украине) với rất nhiều đồng tiền quyên góp cho Ukraine.

Bước vào bên trong nhà thờ, du khách sẽ cảm nhận được sự tráng lệ huyền bí của Nhà thờ còn được gọi là nhà thờ Dom. Nhà thờ được bắt đầu xây dựng vào năm 1248, khi làm được 50% thì hết kinh phí. Đến thế kỷ 19 thì được tiếp tục xây dựng với kinh phí quyên góp từ người dân vào năm 1842. Yếu tố linh thiêng nhất của nhà thờ là cỗ quan tài dát vàng có chứa hài cốt của ba vị vua thông thái đã đến hang Bethem thăm Chúa sinh ra đời...

Bên cạnh nhà thờ là Bảo tàng La Mã - Đức (Romano-Gerrmanic Museum) được xây dựng trên nền của một dinh thự La Mã cổ để giữ gìn cũng như bảo vệ những giá trị khảo cổ. Những hiện vật được trưng bày từ lối vào của bảo tàng để du khách có cơ hội nhìn thấy tường tận những giá trị của nền văn minh cổ đại.

Bầu trời hôm ấy rất xanh, mái nhà thờ thâm nghiêm in trên nền trời cao lồng lộng cho tôi một cảm giác vô cùng khó tả...

Tạm biệt nhà thờ Dom Köln chúng tôi chạy xe đi thành Bonn, tranh thủ ngắm dãy phố hoa anh đào đang nở rộ. Mặc dù ánh nắng đã yếu đi nhưng những bông hoa vẫn bung xòe hết cỡ, rực rỡ cả con phố nhỏ. Du khách nhộn nhịp ngắm hoa, chụp ảnh, thậm chí ăn uống ngay giữa lòng đường mặc kệ xe đạp xe ô tô thi thoảng từ từ lượn qua. Ai nấy đều vui vẻ thư giãn nhưng không hề ồn ào.

Hơn một tháng sống ở đây chúng tôi thấy cuộc sống của người Đức rất bình yên. Người dân tôn trọng cuộc sống riêng tư của mỗi cá nhân. Không có tiếng còi xe ầm ĩ, không có tiếng cãi lộn, chửi bới nhau, nếu có nói chuyển với nhau họ cũng chỉ nói đủ để người đối diện nghe thấy, không ảnh hưởng đến xung quanh, chưa từng gặp một người nào say ngất ngưởng ngoài đường, không gian gần như hoàn toàn tĩnh lặng...

Rời thành Bonn chúng tôi trở về, khép lại một ngày nghỉ thoải mái và ý nghĩa. Mặc dù chúng tôi chưa được trở về Ukraine nhưng trong thời gian còn ở đây, tôi sẽ cố gắng học tiếng Đức, tìm hiểu văn hóa và những thành tựu của nước Đức. Sẽ không uổng phí những ngày bắt buộc phải chia xa Ukraine.

(Trong bài viết có tham khảo tư liệu từ Internet về các Lễ hội và nhà thờ Đá, bảo tàng La Mã - Đức)


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem