Chiến thuật "đối đầu" với áp lực tỷ giá USD giai đoạn cuối năm

Huyền Anh Thứ tư, ngày 09/08/2023 08:06 AM (GMT+7)
Áp lực tỷ giá gia tăng trong tháng 7 và đầu tháng 8. Có ý kiến cho rằng, dù có các yếu tố thuận lợi hơn so với cùng kỳ, song vẫn cần cẩn trọng với biến động tỷ giá trong giai đoạn cuối năm 2023. Cũng có chuyên gia bày tỏ quan điểm "yên tâm" về tỷ giá.
Bình luận 0

Khó "sốt" trở lại nhưng cẩn trọng với biến động tỷ giá USD

Theo chia sẻ từ ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận thị trường và Chính sách vĩ mô, Khối Phân tích tại Công ty Chứng khoán VnDirect, tỷ giá USD/VND liên ngân hàng giao dịch ở mức 23.761VND/USD (tại ngày 3/8/2023). Con số này đã tăng gần 0,8% so với thời điểm cuối tháng 6. Tính từ đầu năm 2023, tỷ giá USD/VND đã tăng khoảng 0,5%. Điều này cho thấy, áp lực tỷ giá gia tăng trong tháng 7 và đầu tháng 8.

Ông Hinh cho biết, ông nhận thấy một số yếu tố có thể gây sức ép lên tỷ giá VND trong nửa cuối năm 2023. Yếu tố thứ nhất đến từ chênh lệch lãi suất giữa VND và USD tiếp tục thu hẹp do lãi suất điều hành của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể duy trì ở vùng đỉnh đến cuối năm 2023 để kiềm chế lạm phát, trong khi Ngân hàng Nhà nước định hướng tiếp tục hạ lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng.

Yếu tố thứ 2 gia tăng áp lực tỷ giá đến từ lạm phát trong nước. Dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê, ông Hinh cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2023 tăng nhẹ lên mức 2,06% so với cùng kỳ năm trước từ mức 2% so với cùng kỳ trong tháng 6. Theo tháng, chỉ số CPI tháng 7/2023 tăng 0,45% so với tháng trước và cao hơn mức tăng 0,27% của tháng 6. Đà tăng gần đây của giá lợn hơi đã kéo chỉ số CPI nhóm thực phẩm tăng 0,79% trong tháng 7 và là yếu tố gia tăng áp lực lên lạm phát. Như vậy lạm phát đã tăng nhẹ trong tháng 7. Theo dự báo của ông Hinh, lạm phát trong nước có thể tăng từ cuối quý III/2023.

Chiến thuật "đối đầu" với áp lực tỷ giá USD giai đoạn cuối năm  - Ảnh 1.

Tỷ giá USD/VND tăng 0,5% so với đầu năm 2023 (dữ liệu ngày 03/08/2023)

Tuy vậy, Trưởng Bộ phận thị trường và Chính sách vĩ mô, Khối Phân tích tại Công ty Chứng khoán VnDirect cũng lưu ý đến một số hỗ trợ tốt hơn cho tỷ giá so với nửa cuối năm 2022.

Các yếu tố hỗ trợ như thặng dư thương mại duy trì mức cao. Theo số liệu mới nhất, trong 7 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã xuất siêu 16,5 tỷ USD, gấp hơn 12 lần cùng kỳ năm 2022.

Ngoài ra, FDI và kiều hối ổn định; Các thỏa thuận bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài dự kiến thực hiện trong nửa cuối năm 2023 sẽ làm tăng nguồn cung ngoại tệ. Điều này sẽ hỗ trợ cho tỷ giá.

"Nhìn chung, chúng tôi cho rằng tỷ giá có thể biến động mạnh hơn trong nửa sau năm 2023, tuy nhiên, tỷ giá USD/VND sẽ dao động không quá +/- 2% so với đầu năm 2023", ông Hinh dự báo.

Cũng liên quan đến tỷ giá hối đoái, chia sẻ tại Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam 2023 (Vietnam Wealth Advisor Summit 2023), TS Lê Xuân Nghĩa – nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia lại đưa ra một góc nhìn tích cực cho tỷ giá.

Vị chuyên gia này dẫn ra 3 yếu tố để thấy tỷ giá khó sốt trở lại và Ngân hàng Nhà nước có thể "yên tâm" về tỷ giá.

Thứ nhất, chỉ số USD index đã giảm từ mức đỉnh 115 điểm cuối năm ngoái xuống còn 102 điểm ở thời điểm hiện tại và có thể giảm thêm về ngưỡng 100 điểm. USD index khó tăng trở lại trong bối cảnh thế giới đa cực, sử dụng nhiều đồng tiền như hiện nay, theo ông Nghĩa. Điều này đồng nghĩa với việc áp lực thứ nhất đối với tỷ giá của Việt Nam còn rất nhỏ.

Thứ hai, giá hàng hóa nguyên liệu nhập khẩu có thể tăng, nhất là giá nhiên liệu – gây áp lực với tỷ giá – song Bộ Tài chính vẫn còn dư địa để can thiệp (thuế, phí xăng dầu).

Thứ ba, cán cân thanh toán của Việt Nam vẫn dương.

"Đây là các yếu tố cho thấy áp lực tỷ giá thời gian tới không còn nguy hiểm. Chúng ta kỳ vọng tỷ giá năm 2023-2024 sẽ duy trì ổn định. Ngân hàng Nhà nước có thể mua ngoại tệ tăng dự trữ ngoại hối quốc gia", ông Nghĩa dự báo và cho biết, với một quốc gia mở cửa như Việt Nam, tỷ giá ổn định là điều kiện để thị trường tài sản, thị trường chứng khoán có thể đứng vững, phục hồi nhẹ.

Gợi ý một số chiến thuật

Bày tỏ quan điểm cho rằng, sự trái ngược trong chính sách giữa Fed và Ngân hàng Nhà nước có thể tạo áp lực lên tỷ giá. Tuy nhiên, các nhà phân tích tại Chứng khoán Maybank (MBKE) kỳ vọng rằng việc VND mất giá khoảng 2-3% so với USD trong 12 tháng tới sẽ không ảnh hưởng tới lập trường chính sách của Chính phủ và sự phục hồi kinh tế.

MBKE cũng đưa ra gợi ý một số chiến thuật mà Ngân hàng Nhà nước có thể sử dụng để "đối đầu" với áp lực tỷ giá, bao gồm: kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động ngoại hối của ngân hàng thương mại; thắt chặt hơn một chút thanh khoản của VND trên thị trường liên ngân hàng và bán USD từ nguồn dự trữ ngoại hối để bảo vệ VND. Trong đó, kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động ngoại hối của ngân hàng thương mại thường là động thái đầu tiên của Ngân hàng Nhà nước sử dụng khí có những biến động bất thường trên thị trường ngoại hối. Hiện, thắt chặt hơn một chút thanh khoản của VND trên thị trường liên ngân hàng và bán USD từ nguồn dự trữ ngoại hối để bảo vệ VND chưa được Ngân hàng Nhà nước sử dụng đến trong năm 2023.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem