Chiêu lừa mạo danh luật sư khiến nạn nhân mất tiền lần 2

Thanh Xuân Thứ bảy, ngày 02/12/2023 08:00 AM (GMT+7)
Nhiều người bị dụ dỗ tham gia vào các kênh đầu tư ảo trên mạng xã hội, mất vốn đầu tư lại tiếp tục mất tiền lần 2 do tin vào luật sư "rởm" trên mạng xã hội.
Bình luận 0

Mất tiền lần 2 vì tin "luật sư online"

Chị D.T.L ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) được mời tham gia đầu tư vào trên mạng xã hội. Chị L kể: "Chỉ cần tham gia mua sản phẩm ảo trên website của họ để tạo ra đơn hàng đang được mua rất nhiều, từ đó sẽ kích thích cho khách hàng khác vào mua. Sau đó họ sẽ hoàn lại tiền hàng và trả từ 20 đến 50% giá trị của mặt hàng". 

Lúc đầu, chị L thực hiện các đơn hàng được trả luôn gốc và hoa hồng luôn, nhưng về sau phải nộp tiền thêm vào và thực hiện các đơn ngày càng nhiều mới lấy ra được. Đến khi mất hơn 10 triệu đồng, chị L mới nói với người thân và nhận ra mình bị lừa nên dừng lại.

 Cảnh báo giả mạo luật sư lừa đảo khiến nhiều người mất tiền 2 lần   - Ảnh 1.

Luật sư Cao Trọng Chuyên - Công ty luật Hợp danh H3T bị giả mạo trên mạng xã hội. Ảnh: LS Chuyên chụp lại màn hình cung cấp.

"Tôi đọc được thông tin trên mạng xã hội có công ty luật đòi lại được tiền nên đã liên hệ với họ. Tuy nhiên, sau khi nộp phí 5 triệu đồng thì cũng chẳng thấy đòi được. Họ còn bảo phải nộp thêm, vì phát sinh một số chi phí. Giờ mới thấy mình bị mất tiền oan lần thứ 2", chị D.T.L cho biết.

Luật sư chính chủ bị mạo danh

Tình trạng lấy tên riêng, tên văn phòng của một vị luật sư có thật rồi lập tài khoản Facebook lừa những người nhẹ dạ cả tin là có thật. Như trường hợp luật sư Cao Trọng Chuyên, bị các đối tượng xấu sử dụng hình ảnh, tên tuổi lập tài khoản Facebook để dụ dỗ mọi người tìm đến "nộp phí, đòi tiền".

Trao đổi với Dân Việt, luật sư Cao Trọng Chuyên - Công ty luật Hợp danh H3T bức xúc: "Đoàn luật sư TP. Hà Nội chỉ có một luật sư duy nhất có tên Cao Trọng Chuyên. Tôi chỉ sử dụng duy nhất một tài khoản Facebook, một số điện thoại. Tuy nhiên, gần đây có các đối tượng giả mạo Zalo của tôi với nhiều tên gọi khác nhau, giả mạo Facebook một cách công khai khi lập tài khoản có tên Cao Trọng Chuyên. Có đối tượng thì chỉ giả mạo tên, có đối tượng giả mạo cả hình ảnh của tôi để tạo trang cá nhân, khẳng định có các dịch vụ đòi nợ cho khách hàng, làm ảnh hưởng tới uy tín của tôi".

Cũng theo luật sư Chuyên, văn phòng của ông còn thường xuyên tư vấn pháp luật đến người dân, không chỉ về hiện tượng giả danh luật sư này mà còn các hình thức lừa đảo khác trên không gian mạng, nhằm nâng cao hiểu biết và cảnh báo đến người dân.

Luật sư Cao Trọng Chuyên cũng cho biết, hiện tại Công ty luật chúng tôi đã và đang bị mạo danh.

Theo luật sư Chuyên, phải nhận định rằng việc các đối tượng giả mạo luật sư, quảng cáo có thể thu hồi tiền bị lừa đảo qua số tài khoản, thu hồi tiền kẹt trong các app, sàn Thương mại điện tử,... là lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản. Đây là một hình thức lừa đảo hết sức đơn giản nhưng lại khiến các bị hại dễ dàng sập bẫy. Nguyên nhân là do tâm lý mất tiền dẫn đến lo lắng, thậm chí hoảng loạn và muốn nhanh chóng lấy lại tiền.

Kèm với đó là sự phát triển của công nghệ kỹ thuật, khiến các đối tượng có thể chỉnh sửa, làm giả các loại văn bản, giấy tờ nhằm tạo lòng tin cho những người dân không hiểu biết. Đây là một xu hướng phát triển của tội phạm hiện nay, cần được quan tâm và có biện pháp giải quyết kịp thời.

 Cảnh báo giả mạo luật sư lừa đảo khiến nhiều người mất tiền 2 lần   - Ảnh 3.

Luật sư Nguyễn Thế Truyền cho biết, những người mạo danh luật sư còn chạy cả quảng cáo trên mạng xã hội, khẳng định có thể lấy lại tiền cho khách hàng. Ảnh: chụp màn hình.

Cần làm gì khi bị mạo danh?

Luật sư Cao Trọng Chuyên - Công ty luật Hợp danh H3T cũng cho biết, Công ty Luật bị giả mạo liên tục bị gọi điện và nhắn tin làm phiền gây mất thời gian, ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống của luật sư.

"Khi phát hiện bị giả mạo, chúng tôi đã gửi thông báo kèm theo đầy đủ các thông tin liên quan để chứng minh trang Facebook cá nhân của mình đang bị giả mạo cho Facebook, đồng thời đề nghị khóa trang giả mạo lại. Chúng tôi cũng đã có đơn tố giác tội phạm, gửi đến Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) Bộ Công an để giải quyết theo quy định. Bên cạnh đó trên Facebook của chúng tôi cũng đã ghim các bài đăng nêu rõ tình trạng giả mạo để cảnh báo đến người dùng mạng xã hội", luật sư Chuyên cho biết.

 Cảnh báo giả mạo luật sư lừa đảo khiến nhiều người mất tiền 2 lần   - Ảnh 4.

Việc mạo danh luật sư ngày càng diễn ra công khai, chạy quảng cáo trên mạng xã hội với lượng người theo dõi rất lớn. Ảnh: Chụp màn hình.

Nhận định về vấn đề này, luật sư Nguyễn Thế Truyền, Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh cho rằng: "Trước đây việc giả mạo luật sư cũng đã xảy ra ở nhiều nơi nhưng không đến mức chạy quảng cáo trên mạng xã hội như hiện nay. Theo tôi, nguyên nhân có hiện tượng này là do gần đây lực lượng chức năng liên tục triệt phá các ổ nhóm tội phạm công nghệ cao, dẫn đến phát sinh một lượng lớn nạn nhân có nhu cầu tìm kiếm trợ giúp và lúc này lực lượng luật sư được tìm kiếm nhiều nhất".

Mặt khác, theo luật sư Truyền, những ổ nhóm này thường sẽ cam kết và đề nghị các nạn nhân chuyển tiền trước "theo thông lệ của luật sư" và số tiền nhỏ thường là vài triệu đồng, sau đó là ngắt, chặn liên hệ và các nạn nhân thường không tố cáo do số tiền cũng nhỏ.

Theo luật sư Truyền, dù đã được cảnh báo, dù đã từng là nạn nhân với môi trường online nhưng nhiều người vẫn tiếp tục trở thành nạn nhân, vì các cảnh báo trên truyền thông dường như rất ít tác dụng với nhóm nạn nhân này.

"Luật sư tồn tại nhờ uy tín và danh tiếng. Vậy với việc liên tục bị mạo danh với mục đích thu lợi bất chính, làm xấu đi hình ảnh luật sư, mất đi điểm tựa pháp lý quan trọng thì đó chính là tổn thất lớn nhất của giới luật sư", luật sư Truyền nói.

Theo luật sư Nguyễn Thế Truyền, để giảm thiểu tối đa thiệt hại cho tất cả các bên và bảo vệ uy tín của giới luật sư thì chính các luật sư, VP Luật sư phải chủ động hơn nữa trong việc triệt tiêu nhanh nhất tình trạng "mạo danh".

Nếu bị mạo danh Văn phòng hay cá nhân luật sư trên môi trường không gian mạng, cụ thể là tijktok, facebook, youtube thì việc cần làm ngay đó là gửi yêu cầu chặn và xử lý tin giả tại https://tingia.gov.vn/. Đây là nơi tiếp nhận của Bộ TTTT sẽ xử lý những tin giả, mạo danh cá nhân tổ chức một cách nhanh nhất.

Đồng thời, làm báo cáo lên Đoàn luật sư của mình để kịp thời thông báo cho đoàn biết về tình trạng đang bị mạo danh, từ đó giúp Đoàn có được thống kê chính xác tổng hợp báo cáo cơ quan chức năng.

Phía các Đoàn Luật sư cũng cần sớm có văn bản gửi các cơ quan chức năng để cảnh báo cũng như tổng hợp và có phối hợp xử lý liên quan đến tội phạm công nghệ cao. Đưa thông tin chính thống lên website, trang cá nhân, hay vào trang cộng đồng để kêu gọi mọi người "báo cáo vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng" với lỗi "mạo danh".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem