Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Trước đó, người dân tại Việt Nam không còn lạ với hình thức lừa đảo xưng là người ngoại quốc hoặc Việt kiều đang sinh sống, làm việc ở nước ngoài, kết bạn zalo, facebook làm quen rồi thường xuyên nhắn tin, trò chuyện, dùng những lời ngon ngọt để dụ dỗ, chiếm cảm tình của nạn nhân.
Khi thấy “con mồi” cắn câu, các đối tượng sẽ đề nghị tặng quà nạn nhân hoặc nhờ nạn nhân làm trung gian để nhận quà từ nước ngoài gửi về. Quà gửi thường là những món hàng có giá trị như tiền, vàng, đồ trang sức...
Sau khi gửi quà, các đối tượng lấy danh nghĩa nhân viên hải quan, công ty giao hàng, ngân hàng gọi điện cho nạn nhân yêu cầu nộp phí vận chuyển, thuế hải quan, nộp phạt vì quà tặng thuộc mặt hàng cấm gửi qua bưu điện, chuyển phát nhanh. Khi nạn nhân chuyển khoản, đối tượng lừa đảo sẽ cắt đứt liên lạc với nạn nhân.
Không ít nạn nhân đã dính bẫy với số tiền hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng.
Cụ thể, hồi tháng 6/2022, Công an tỉnh Bình Định điều tra vụ lừa đảo khoảng 500 triệu đồng theo trình báo của bà Đ.T.H.H (47 tuổi; ngụ xã An Hòa, huyện An Lão) sau khi bà này kết bạn và nói chuyện với 1 nick facebook có tên nước ngoài.
Khi hình thức lừa cũ không còn hiệu quả, các đối tượng chuyển qua hình thức mới - làm nhiệm vụ online trên app.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân Việt, không ít trường hợp mất cả trăm triệu đồng vị việc này.
Chị Mai Thanh Loan (một nhân viên văn phòng làm việc tại quận Hà Đông, TP Hà Nội) cho biết bị mất cả trăm triệu đồng khi làm cộng tác viên, việc làm bán thời gian qua mạng xã hội.
Cụ thể, từ một số điện thoại lạ, chị Loan được giới thiệu công việc có thể làm thêm tại nhà là nghe nhạc, tăng lượt like, tương tác cho bài hát để kéo view, đua top.
Đang trong thời gian rảnh rỗi, cũng như muốn kiếm thêm thu nhập chị Loan đã đồng ý. Sau đó, nạn nhân được đưa vào một nhóm trên Telegram, được cấp tài khoản để đăng nhập.
Hoàn thành nhiệm vụ đầu tiên dễ dàng, chị Loan được chuyển 20.000 đồng vào tài khoản. Ít phút sau, chị Loan được giao ngay 1 bài hát mới cần like, lần này số tiền chị nhận được là 50.000 đồng.
"Thấy công việc nhẹ nhàng, chỉ ngồi like và nghe nhạc một tí tôi đã thu được 70.000 đồng, nhẩm tính nếu chăm chỉ sẽ kiếm được khoản rất khá nên tôi xin thêm nhiệm vụ để làm, từ đây tôi đã bị chúng đưa vào tròng", chị Loan kể.
Chị Loan tiếp tục được hướng dẫn làm nhiệm vụ thứ 3, lần này chị thu về 120.000 đồng.
Sau khi làm hết 3 nhiệm vụ đầu tiên, nạn nhân được "nhà tuyển dụng" giới thiệu công việc Vip, siêu Vip. Đối với nhiệm vụ này, yêu cầu người thực hiện phải chuyển tiền trước và được hưởng từ 30 - 60% hoa hồng số tiền đã chuyển.
"Lần đầu tiên họ bắt tôi chuyển 800.000 đồng và hưởng 30% hoa hồng. Nhưng vừa làm xong nhiệm vụ này chưa nhận được tiền thì tôi cùng một số người trong nhóm lại được giao nhiệm vụ mới với hoa hồng 40%.
Thấy mọi người tích cực làm, chuyển tiền liên tục cũng thúc giục tôi phải làm, vì không làm thì số tiền 800.000 đồng kia cùng số hoa hồng sẽ không nhận được", chị Loan tâm sự.
Theo đó, chị Loan nhận phải chuyển trước 12.700.000 đồng với niềm tin nhận về hơn 5.000.000 đồng tiền hoa hồng và cả tiền gốc.
Sau nhiệm vụ này, phía người tuyển dụng lại đưa ra loạt bài hát cần like mới dù hoa hồng cũ chưa nhận được và người này liên tục gọi đó là may mắn cho người thực hiện vì có nhiệm vụ siêu Vip.
Bài cũ tiếp tục được dùng để dụ các nạn nhân với mức 15.000.000 đồng được nhận 6.750.000 tiền hoa hồng, 36.000.000 đồng được nhận 14.400.000 đồng hoa hồng, 48.000.000 đồng được nhận 24.000.000 đồng tiền hoa hồng và 68.000.000 đồng nhận về 44.200.000 đồng tiền hoa hồng.
"Phía công ty đưa ra nhiệm vụ và lần nào cũng bảo là lần cuối. Khi đã dùng hết nguồn lực, không biết vay ở đâu nữa tôi mới ngớ ra mình đã bị lừa.
Bên kia vẫn cố thuyết phục tôi nhiệm vụ chốt là 120.000.000 đồng và hoàn thành sẽ nhận lại toàn bộ hoa hồng và tiền gốc. Nhưng khi tôi nói không thể vay được nữa, họ im bặt.
Tôi phải mất mấy ngày mới trấn tĩnh lại bởi số tiền là quá lớn đối với tôi, thế nhưng trong một phút giây tìm hiểu không kỹ, tôi đã bị lừa", nạn nhân kể.
Sau khi các hình thức trên không còn hiệu quả, mới đây một hình thức lừa đảo mới lại ra đời - gọi điện thông báo con gặp tai nạn và bắt chuyển khoản để cấp cứu.
Mới đây, có thêm hai phụ huynh ở TP.HCM bị lừa chuyển 250 triệu đồng cho đối tượng lừa đảo xưng là "giáo viên". Chỉ trong sáng 6/3 đã có ít nhất 5 phụ huynh tìm đến Bệnh viện Chợ Rẫy tìm con cùng kịch bản bị "chấn thương sọ não".
Cụ thể, trong sáng 6/3, phòng công tác xã hội của Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp xúc 5 phụ huynh có con độ tuổi từ 2009 - 2012 học cấp 2 ở nhiều trường trên địa bàn TP.HCM. Trong 5 phụ huynh đã có 2 người chuyển tiền vào tài khoản của "giáo viên", tổng số ghi nhận 250 triệu đồng.
Chị Quỳnh (nhân viên trực của phòng công tác xã hội) cho biết trường hợp đầu tiên là ông N.Đ.N. (ngụ phường 7, quận Tân Bình) hớt hải đến bệnh viện tìm con cấp cứu "chấn thương sọ não".
"Phụ huynh này kể được thầy báo con té ở trường chấn thương sọ não chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy. Yêu cầu gia đình chuyển tiền nhanh để bác sĩ mổ gấp", chị Quỳnh kể lại.
Tuy nhiên khi tìm trên hệ thống không có thông tin bé nhập viện. Khi nghe chị Quỳnh cảnh báo trước đó có một số phụ huynh bị lừa chuyển tiền với hình thức tương tự, ông N. thú nhận: "Đã chuyển khoản 200 triệu đồng".
Những ngày sau đó, không ít phụ huynh nhận được các cuộc gọi tương tự.
Ngay sau khi nhiều phụ huynh bị lừa đảo, chiếm đoạt số tiền lớn với thủ đoạn nêu trên, Sở GDĐT TP.HCM đã có văn bản khẩn yêu cầu các cơ sở giáo dục đảm bảo thông tin thông suốt giữa nhà trường và phụ huynh; công khai đường dây nóng trên cổng thông tin cơ sở giáo dục; tuyên truyền hướng dẫn cha mẹ học sinh thận trọng trước các thông tin sai sự thật.
Đánh vào tâm lý yếu của phụ huynh
Trước tình trạng trên, Thượng tá, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học (Bộ Công an) cho rằng, các đối tượng đã khai thác tối đa điểm yếu trong tâm lý của các bậc làm cha, làm mẹ khi nghe tin con bị tai nạn ở trường.
Trong tình huống này, vì lòng thương con, đa phần phụ huynh rất nhanh chóng lâm vào tình trạng lo sợ, lúng túng, bất an, thậm chí hoảng loạn. Đây là thời điểm thiếu sáng suốt, thiếu tỉnh táo nhất mà đối tượng có thể lợi dụng để thao túng tâm lý, dẫn dụ nạn nhân làm theo yêu cầu của mình.
"Khi đối tượng đã gọi đúng số máy, đọc đúng tên phụ huynh và tên con, tên lớp, thì nạn nhân thường sẽ không còn nghi ngờ gì nữa, mặc định đó là giáo viên hoặc cán bộ nhà trường nơi con mình đang học. Có trường hợp đồng bọn của kẻ mạo danh sẽ đóng vai nhân viên y tế thông báo tình hình bệnh lý của con, nên tạo được lòng tin của nạn nhân.
Đối tượng tạo ra tình huống khẩn cấp, như cần tiền đóng viện phí nhập viện để giải phẫu ngay, không cho phép phụ huynh chần chừ, do dự, tính toán hay kiểm tra lại thông tin.
Vì sốt ruột lo lắng cho con, sợ sự chậm chễ có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, nên nhiều người đã dễ dàng chấp nhận làm theo các yêu cầu của đối tượng, chuyển tiền vào tài khoản do đối tượng cung cấp", ông Hiếu phân tích.
Theo vị chuyên gia, mấu chốt để thực hiện được trò lừa này, là đối tượng phải có được số máy của nạn nhân và nắm rõ thông tin cá nhân, quan hệ của người đó với học sinh ở lớp. Có thể đánh giá danh sách học sinh với tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại của phụ huynh đã bị lộ lọt.
Để phòng ngừa thủ đoạn lừa đảo với chiêu thức nói trên, thượng tá Đào Trung Hiếu đưa ra 4 giải pháp.
Thứ nhất, nhà trường và gia đình học sinh cần tăng cường sự liên lạc, trao đổi thông tin thông qua đường dây nóng, để phụ huynh học sinh có thể cập nhật tình hình của con ở trường. Lưu ý khi lên lớp, giáo viên thường không bắt máy, nên phải có những số máy thường trực luôn ở trạng thái chờ kết nối, tức là đường dây nóng với nhà trường.
Thứ 2, các lớp học, giáo viên và phụ huynh học sinh cần nâng cao ý thức bảo mật thông tin, đề phòng bị hack điện thoại, hoặc vô tình lộ lọt thông tin cá nhân, danh sách lớp học.
Thứ 3, phụ huynh học sinh cần cập nhật thường xuyên tình hình an ninh trật tự để biết các thủ đoạn phạm tội mới. Trường hợp nhận được cuộc gọi báo tin con bị tai nạn, cần hỏi rõ họ tên, chức vụ của người cung cấp thông tin. Sau đó, gọi điện cho nhà trường, hoặc giáo viên, hoặc cho con mình (nếu con có điện thoại) để kiểm tra, kiểm chứng thông tin.
Còn tình huống không liên lạc được, thì phải trực tiếp hoặc nhờ người tin cậy đến tận nhà trường kiểm tra. Tuyệt đối không dễ dàng làm theo những yêu cầu của người lạ, cho dù có xưng danh là ai.
Thứ 4, phụ huynh phải trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất để cơ quan chức năng có biện pháp giải quyết khi nhận được cuộc gọi có dấu hiệu lạ. Đồng thời, các bậc cha mẹ cần thông báo cho nhà trường, giáo viên chủ nhiệm, hoặc chủ động đưa thông tin lên mạng xã hội về tình huống bị lừa đảo của mình để cảnh báo xã hội, giúp nhiều người cảnh giác với thủ đoạn phạm tội mới của tội phạm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.