Chính hội giỗ Tổ Hùng Vương 2012: Khí thiêng non sông tụ hội

Thứ bảy, ngày 31/03/2012 06:22 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hôm nay (10.3), con dân nước Việt lại hướng về đất Tổ Hùng Vương để tưởng nhớ công lao dựng nước của các Vua Hùng.
Bình luận 0

Những người dân VN từ bao thế hệ nay đã nối tiếp nhau tôn vinh huyền thoại “bọc trăm trứng” để giữ gìn bản sắc dân tộc.

6 xã rước kiệu

Sáng 29.3, khi sương sớm vẫn còn bao phủ ngọn núi Hy Cương - nơi có đền thờ các Vua Hùng, vùng đất Tổ đã sáng rực lên trong không khí của cờ hoa rực rỡ. 6 xã, phường gồm Hy Cương, Hùng Lô, Kim Đức, Vân Phú, Chu Hóa, Tiên Kiên cùng nhau tổ chức đoàn rước kiệu, dâng lễ vật lên các Vua Hùng.

img
Ngày 29.3.2012, diễn ra lễ rước kiệu và dâng lễ vật của 6 xã vùng ven khu di tích.

Cho dù năm nay, lễ giỗ Tổ được tổ chức ở quy mô cấp tỉnh do không phải năm chính nhưng công tác chuẩn bị cho lễ rước rất chu đáo bởi tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đang được UBND tỉnh Phú Thọ lập hồ sơ đề nghị UNESCO tôn vinh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Đến ngày chính hội 10.3, theo ước tính đã có khoảng 6 triệu du khách hành hương về với đất Tổ. Hiện nay, nghi lễ thờ cúng Hùng Vương đang thực hiện ở 1.417 đền thờ trong cả nước. Theo thống kê, những địa phương có đền thờ các Vua Hùng đông nhất là Phú Thọ (326 điểm), Hà Nội (425), Bắc Ninh (168), Vĩnh Phúc (62), TP.Hồ Chí Minh (14)…

Đúng 9 giờ sáng, các đoàn rước bắt đầu tập trung trong tiếng chiêng, trống trầm hùng thiêng liêng với đội múa sư tử, đội múa rước quốc kỳ và cờ hội, đội chiêng trống, đội bát âm, bát bửu, đội thiếu nữ mang lễ vật hương hoa, kiệu bát công, chủ tế và quan viên.

Đoàn rước đi đến đâu mang theo không khí rộn ràng của tiếng trống, tiếng chiêng và màu sắc rực rỡ của trang phục người tham gia nghi lễ. 6 đội đi theo nhiều hướng nhưng đến Đền Giếng thì tập trung rồi mỗi đoàn cử một nhóm đại diện mang lễ vật vào đền, còn lại các đoàn tập trung chia thành 2, 3 đoàn đi theo đường 325, 3 đoàn đi theo đường hồ Gò Cong về đình Cổ Tích.

Trong lễ vật dâng lên các Vua Hùng không thể thiếu hương hoa, bánh chưng, bánh giầy, các sản vật địa phương do người dân tự tay chuẩn bị trong sự thành kính.

Nhiều đoàn khách hành hương từ Thái Nguyên, Sơn La, Lai Châu đã trầm trồ khi được ngắm nhìn chiếc kiệu bát cống của xã Hùng Lô với 8 người khênh, chiếc kiệu được làm bằng gỗ vàng tâm, chạm trổ long phượng cầu kỳ có niên đại từ năm 1697 này lần đầu tiên được xuất hiện trong lễ rước.

Niềm vui tiếp nối

Từ hôm khai hội (ngày 5.3 âm lịch) đến giờ, các nghệ nhân hát xoan của các phường Xoan ở TP. Việt Trì hầu như đã có những ngày đêm không ngủ. Họ biểu diễn liên tục như không biết mệt, bởi ai đã về đến hội Đền Hùng mà không muốn được thưởng thức những làn điệu xoan vừa được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Đến khu trại văn hóa trong lễ hội năm nay, khách hành hương cũng như mơ, như say với các làn điệu xoan ngọt ngào như níu giữ bước chân. Các đào nương trong sắc áo nâu thâm, đầu chít khăn mỏ quạ tôn thêm gương mặt được trang điểm trắng hồng, hai bàn tay họ vừa múa theo những điệu hát, bước chân lại uyển chuyển lên xuống nhịp nhàng.

Đào nương trẻ Nguyễn Thị Duyên ở khu trại văn hóa Phù Ninh xúc động nói: “Năm vừa rồi hát xoan thành di sản đã khích lệ người dân đất Tổ và các nghệ nhân chúng em rất nhiều. Ai cũng thấy yêu quý hơn điệu hát quê mình. Nếu năm nay, tục thờ cúng Vua Hùng được công nhận nữa thì không còn gì hạnh phúc bằng”.

Mỗi năm một lần, ngày giỗ Tổ lại trở thành một lời hiệu triệu quy tụ triệu triệu trái tim của con dân nước Việt hướng về cha ông tiên tổ. Khí thiêng non sông đang hội tụ về đỉnh Hy Cương để chứng kiến tình đồng bào của người dân nước Việt dẫu trải qua bao đời vẫn son sắt rạng ngời.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem