"Chính phủ do dân, vì dân mà dân khiếu nại không giải quyết?"

Phi Long Thứ năm, ngày 28/12/2017 17:05 PM (GMT+7)
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương chiều ngày 28.12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, dân kéo về Hà Nội và TP.HCM rất nhiều, nguyên nhân là do khâu giải quyết khiếu nại tố cáo chưa tốt.
Bình luận 0

img

Quang cảnh Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương diễn ra trong cả ngày hôm nay và sáng mai. (Ảnh: IT)

"Chúng ta sai mà không chịu sửa"

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, hầu hết tất cả những khiếu nại của người dân đều là liên quan tới đất đai. Thủ tướng cũng cho rằng "nhiều vụ việc đã được giải quyết và cũng có những khiếu nại tiếp do chưa bằng lòng với giải quyết nhưng cơ bản là chúng ta sai mà không chịu sửa".

“Chính phủ do dân và vì dân mà dân khiếu nại không giải quyết? Các cấp chính quyền xã, huyện, tỉnh phải giải quyết. Tới đây, có thể phải có chủ trương mời các tỉnh về Hà Nội, TP.HCM nhận dân về để giải quyết các khiếu nại, tố cáo”, Thủ tướng Chính phủ đề xuất.

Người đứng đầu Chính phủ cũng đánh giá, ngành công an, thanh tra các cấp ngành có nhiệm vụ phải giải quyết khiếu nại tố cáo, nhưng vai trò của các địa phương trong giải quyết khiếu nại tố cáo phải là chủ yếu.

“Tình trạng "trên nóng, dưới lạnh” mà người dân hiện nay hay nhắc tới chính là để nói việc không giải quyết các khiếu nại tố cáo", Thủ tướng chỉ rõ.

Cũng trong Hội nghị chiều nay, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết: Năm 2017, cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã tiếp trên 415.300 lượt công dân với 310.600 vụ việc; có trên 5.600 đoàn đông người; xử lý trên 178.500 đơn đủ điều kiện.

Ngoài ra, TTCP cũng tập trung giải quyết trên 25.500 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền (đạt 84.2%). Thông qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước và trả lại cho công dân 173 tỷ đồng, 36 ha đất; trả lại quyền lợi cho trên 2.400 người, kiến nghị xử lý hành chính 333 người.

“Thanh tra Chính phủ cũng tiếp tục kiểm tra, rà soát, giải quyết 533 vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp theo Kế hoạch 2100; có 451 vụ việc đủ điều kiện ban hành thông báo chấm dứt thụ lý (đạt 85%). Hiện có 15 địa phương báo cáo không còn vụ việc phức tạp, tồn đọng. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương lập danh sách 463 vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, tham mưu Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết dứt điểm”, ông khái nói.

Thủ tướng khen các bộ dám "dũng cảm cắt bỏ quyền lực"

Trước đó, đầu giờ chiều, sau khi nghe báo cáo của 4 Bộ trưởng các Bộ: KHĐT, NNPTNT, Tư pháp, Nội vụ, Thủ tướng nhấn mạnh chỉ đạo với một số nội dung.

Về vấn đề cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ, Thủ tướng đánh giá, ngành này ngành khác, địa phương này địa phương kia vẫn để tồn tại nhiều vướng mắc, khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh nên khả năng cạnh tranh quốc gia còn thấp kém, môi trường đầu tư kinh doanh vẫn chưa hấp dẫn.

Thủ tướng biểu dương một số tỉnh làm tốt như Đồng Tháp với mô hình cà phê doanh nhân, Quảng Ninh với mô hình một cửa - một cửa liên thông. Tuy nhiên, tại, nhiều nơi, bộ máy vẫn không chịu vận động, vẫn trì trệ, nặng nề.

Dẫn chứng con số Bộ trưởng Tư pháp nêu về việc đơn giản hoá thủ tục hành chính, cụ thể, trong năm 2017, các bộ ngành, cơ quan trung ương đã cắt giảm được hơn 5.000 thủ tục, Thủ tướng biểu dương Bộ Công Thương, Bộ NNPTNT, Bộ Xây dựng… đã làm tốt việc này, mỗi bộ cắt giảm từ 1/3-1/2 số thủ tục hành chính.

“Làm được như thế là rất dũng cảm vì thế là dám cắt bỏ quyền lực của mình. Bộ Tư pháp cần tiếp tục giúp cho Bộ trưởng Mai Tiến Dũng (Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ Công tác của Thủ tướng – PV) đốc thúc thực hiện tốt hơn. Đây là việc rất quan trọng nhưng cũng phức tạp, cần phải quan tâm sát sao vì có thể cắt thủ tục này lại mọc ra thủ tục khác, để bảo vệ quyền lợi của các ngành” – Thủ tướng yêu cầu.

Về vấn đề chống tham nhũng, Thủ tướng thẳng thắn chỉ ra hạn chế: Chống tham nhũng nằm ở địa phương các đồng chí, thanh tra chỉ làm một phần nhiệm vụ thuộc chức năng quản lý Nhà nước. Công an, các ngành làm nhiệm vụ này nhưng chính các đồng chí nhận thức thì mới làm ra đến nơi đến chốn.

"Ở Trung Quốc, việc phát hiện tham nhũng chủ yếu ở địa phương chứ không phải Trung ương phát hiện. Chứ ở ta phát hiện tham nhũng chủ yếu là Trung ương làm", Thủ tướng khẳng định.

Tiếp đó, Thủ tướng nhắc nhở lãnh đạo các địa phương: Chỉ thị của Ban bí thư, của Thủ tướng nói đừng biểu xén Tết nhất nữa. Ông chủ tịch, ông bí thư, các đồng chí lãnh đạo các địa phương không phải lên Trung ương để biếu xén lãnh đạo. Phải chống tham nhũng từ địa phương, từ cơ sở trở đi mới chuyển biến được.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem