Chính phủ sẽ lập "siêu ủy ban" để quản lý vốn Nhà nước

Ngọc Lương Thứ năm, ngày 28/12/2017 10:04 AM (GMT+7)
Trong 9 giải pháp mà Chính phủ đề xuất cho năm 2018, nhóm giải pháp thứ 3 nhằm "tạo chuyển biến rõ nét và thực chất trong cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế" có đề cập tới việc lập Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Bình luận 0

img

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ. (Ảnh: I.T)

Sáng nay (28.12), tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ thay mặt Chính phủ đã trình bày dự thảo Nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018. Dự thảo Nghị quyết đã đề ra những nhiệm vụ, giải pháp rất đáng chú ý.

Phấn đấu dư nợ công cuối 2018 còn 63,9%

Theo đó, Chính phủ sẽ quản lý chặt chẽ và sử dụng hiệu quả tài sản công, nợ công, tăng cường quản lý các quỹ ngoài ngân sách, giám sát chặt chẽ việc vay, sử dụng vốn vay, trả nợ. Phấn đấu đến cuối năm 2018, dư nợ công khoảng 63,9% GDP, nợ Chính phủ khoảng 52,5%.

Chính phủ cũng sẽ tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ đầu tư công, kiên quyết phòng, chống lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động đầu tư công.

Vẫn theo Phó Thủ tướng, vấn đề xây dựng kết cấu hạ tầng dự thảo Nghị quyết nêu rõ, sẽ thực hiện đồng bộ, hiệu quả, tập trung rà soát, xây dựng điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch liên quan đến kết cấu hạ tầng đến năm 2020 và tầm nhìn 2030.

Dự thảo Nghị quyết đề cập tới vấn đề rất đáng chú ý, đó là chấn chỉnh những bất cập trong hình thức đầu tư BOT, các trạm BOT giao thông đường bộ nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

"Tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông lớn như Cảng hàng không quốc tế Long Thành, sớm hoàn thành tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, Metro Bến Thành – Suối Tiên, tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam, tuyến hành lang ven biển phía Bắc và phía Nam, kết nối một số tuyến giao thông trong tổng thể hành lang Đông Tây, hành lang Xuyên Á…", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ cũng nhấn mạnh đến việc quản lý chặt chẽ số lượng biên chế, công chức, viên chức biên chế sự nghiệp, dừng việc giao bổ sung biên chế, chấm dứt việc tự phê duyệt và giao biên chế vượt quá số đã được cấp có thẩm quyền giao, có kế hoạch và giải pháp để giải quyết dứt điểm số biên chế vượt quá. Các cơ quan, đơn vị chưa sử dụng hết số biên chế được giao phải xem xét, cắt giảm phù hợp.

Dự thảo Nghị quyết đề ra mục tiêu trong năm 2018, giảm 1,7% biên chế công chức so với số giao năm 2015, giảm tối thiểu 2,5% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với số giao năm 2015.

Lập "siêu ủy ban" để quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp

Chính phủ cũng đã đưa ra 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm với 59 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong năm 2018, trong đó, đáng chú ý là nhóm giải pháp thứ 3 nhằm "tạo chuyển biến rõ nét và thực chất trong cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế gồm 11 nhiệm vụ, giải pháp". Cụ thể như:

Tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, hiệu quả các Nghị quyết Trung ương, Quốc hội về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Phê duyệt, tổ chức thực hiện đồng bộ các đề áncơ cấu lại ngành, lĩnh vực; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, đánh giá, giám sát thực hiện. Coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp trong năm 2018.

Thực hiện quyết liệt cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu theo Nghị quyết và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng.

Đẩy mạnh cơ cấu lại NSNN và nợ công theo Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị; cơ cấu lại đầu tư công gắn với cơ cấu lại NSNN và bảo đảm bền vững an toàn nợ công. Thu hút có chọn lọc các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Đẩy mạnh cổ phần hóa và thoái vốn theo nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch. Tạo chuyển biến căn bản trong việc xử lý các doanh nghiệp, dự án thua lỗ. Thành lập Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập gắn với thúc đẩy xã hội hóa.

Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; công nghiệp phục vụ nông nghiệp; công nghiệp hỗ trợ gắn với liên kết chuỗi giá trị của các tập đoàn đa quốc gia; các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, công nghệ thông tin, truyền thông, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, logistics, du lịch...

Rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách,thúc đẩy phát triển kinh tế vùng, nâng cao hiệu quả điều phối liên kết vùng; phát huy mạnh mẽ vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các trung tâm kinh tế lớn.

Căn cứ mục tiêu và các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đề ra một số chỉ tiêu cụ thể trong các ngành, lĩnh vực để phấn đấu thực hiện như sau:

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,7% (Quốc hội giao 6,5% đến 6,7%), trong đó khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,0% (nông nghiệp 2,25%, lâm nghiệp 6,5%, thủy sản 5%); khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,7% (công nghiệp 7,3%, xây dựng 9,2%); khu vực dịch vụ 7,4%.

Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 8% đến 10% (Quốc hội giao tăng 7%-8%); trong đó xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 36-37 tỷ USD.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ khoảng 10%; Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam 15 triệu lượt.

Xây dựng nông thôn mới: có 52 huyện và 37% xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Thành lập mới khoảng 135.000 doanh nghiệp.

Các chỉ tiêu về chất lượng tăng trưởng, gồm: Tỷ trọng vốn đầu tư tư nhân trong tổng đầu tư toàn xã hội khoảng 41%; Hệ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR) đạt khoảng 6,2%; Năng suất lao động tăng 5,9%; Tỷ lệ đóng góp năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trên 43,5%.

Các chỉ tiêu về tài chính - NSNN, gồm: Tăng thu NSNN 3% so với dự toán Quốc hội giao; Tỷ lệ nợ đọng thuế dưới 5% tổng thu; Chi đầu tư phát triển đạt 26% tổng chi NSNN, giải ngân chi đầu tư công đạt 100% dự toán Quốc hội giao; Tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi NSNN khoảng 64,1%. Dư nợ công khoảng 63,9%; nợ Chính phủ khoảng 52,5%; nợ nước ngoài của quốc gia 47,6% GDP.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem