Hiến kế phòng, chống tham nhũng, ĐBQH dẫn lại vụ án Giang Kim Đạt

Ngọc Lương Thứ tư, ngày 22/11/2017 09:48 AM (GMT+7)
Nói về nghĩa vụ kê khai tài sản, ĐB Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) cho rằng  cần phải quy định thêm cả bố, mẹ và con đã thành niên. Thực tế, qua xử lý vụ án Giang Kim Đạt, chúng ta đã thấy ông bố là Giang Văn Hiển cũng đã bị truy tố về tội Rửa tiền.
Bình luận 0

img

ĐB Ngọ Duy Hiểu phát biểu trong phiên thảo luận về Luật phòng, chống tham nhũng. (Ảnh: VPQH)

Đóng góp vào dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) chiều hôm qua, 21.11, ĐB Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) cho rằng không nên lựa chọn phương án rộng hay thu hẹp về mặt đối tượng kê khai tài sản, cần chọn được đối tượng cần phải kê khai.

“Với việc lựa chọn này, chúng ta sẽ đạt mục tiêu của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Thứ nhất là cơ quan soạn thảo nên nghiên cứu các thống kê và khuyến nghị của tổ chức minh bạch quốc tế hàng năm về lĩnh vực và vị trí công tác là thường có nhiều nguy cơ tham nhũng cao", ĐB Hiểu nhấn mạnh.

Cũng theo ĐB hiểu, ngoài ra cần thống kê án đã xét xử hàng năm để xem tội phạm tham nhũng chủ yếu vào lĩnh vực và chức vụ nào để từ đó ta đề xuất. Có những ngành lĩnh vực tôi nghĩ bất kỳ công chức chuyên môn nào cũng phải kê khai. Có những ngành lĩnh vực ta quy định chức danh, chức vụ nhất định. Nhưng ngay cả chức danh, chức vụ nhất định thì không có nghĩa phòng nào, vụ nào, lĩnh vực nào cũng đều kê khai mặc dù phụ cấp có thể tương đương nhau mà phải chọn lĩnh vực.

"Như vậy chúng ta mới xác định được đối tượng có nguy cơ tham nhũng để chúng ta đấu tranh phòng, chống cho hiệu quả”, ĐB Hiểu khẳng định.

ĐB Ngọ Duy Hiểu lấy ví dụ: “Chúng ta thấy một đại biểu Quốc hội chuyên trách, một đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách có thể không có nhiều tài sản và nguy cơ tham nhũng chưa chắc đã bằng cán bộ địa chính của một xã, cán bộ trật tự xây dựng của một phường hay kế toán của một trường học, một bệnh viện, đấy là một thực tế mà chúng ta cần phải lưu tâm”

Theo ĐB Hiểu, về nghĩa vụ kê khai theo Điều 40 (Người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập phải kê khai tài sản, thu nhập, kê khai bổ sung tài sản, thu nhập của mình, của vợ hoặc chồng và con chưa thành niên khi được bầu, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cử giữ chức vụ mới hoặc có biến động về tài sản, thu nhập phải kê khai), có một số đại biểu đã tán thành.

“Tôi đề xuất cần phải quy định thêm cả bố, mẹ và con đã thành niên. Thực tế, việc chúng ta xử lý vụ án Giang Kim Đạt, chúng ta đã thấy ông bố là Giang Văn Hiển cũng đã bị truy tố về tội Rửa tiền. Do vậy, chúng ta cần phải đưa đối tượng này vào Luật”, ĐB Hiểu nói.

Vẫn theo ĐB Hiểu, dự luật này cần phải tương thích và đồng bộ với rất nhiều luật khác, vì đây chỉ là một luật gốc, luật định hình của đấu tranh phòng, chống tham nhũng, nhưng những luật khác mới có tác dụng lớn.

“Chúng ta cũng không nên quan niệm vì dân đang bức xúc, dân đang quan tâm cuộc đấu tranh chống phòng, chống tham nhũng mà chúng ta phải có ngay luật. Quốc hội không làm luật để làm hài lòng dân mà chúng ta làm luật để dân cùng với chúng ta có thêm công cụ để đấu tranh phòng, chống tham nhũng” ĐB Hiểu nói.

Chiều 18.8, sau hai ngày xét xử, nghị án, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm của TAND Cấp cao tại Hà Nội đã tuyên phạt 4 bị cáo trong vụ án tham ô tài sản, rửa tiền xảy ra ở Vinashinlines.

Bị cáo Trần Văn Liêm - nguyên Tổng giám đốc Vinashinlines - bị tuyên án tử hình  về tội Tham ô tài sản, số tiền chiếm đoạt hơn 3,1 tỷ đồng (bị cáo đã nộp khắc phục hết).

Bị cáo Giang Kim Đạt bị tuyên án tử hình về tội Tham ô tài sản, số tiền chiếm đoạt hơn 255 tỷ đồng.

Bị cáo Trần Văn Khương - nguyên Kế toán trưởng Vinashinliens - bị tuyên án chung thân vì tội Tham ô tài sản, số tiền chiếm đoạt 110 nghìn USD.

Bị cáo Giang Văn Hiển (bố của Giang Kim Đạt) bị tuyên 12 năm tù về tội Rửa tiền.

Theo bản án , từ tháng 7.2006 đến tháng 3.2007, Trần Văn Liêm ký hợp đồng mua 3 tàu Vinashin Summer, Vinashin Island, Vinashin Phoenix và giao Giang Kim Đạt đàm phán mua tàu.

Bị cáo Đạt đã đàm phán với công ty môi giới là Marvin Shipping LTD mua tàu Vinashin Summer của Panama với giá 6,25 triệu USD, được hưởng 2% trên tổng giá trị hợp đồng mua tàu; tàu Vinashin Island mua từ Croatia, giá 5,95 triệu USD, hoa hồng 3,75%; tàu Vinashin Phoenix mua từ Hy Lạp, giá 21,55 triệu USD, hoa hồng 2%.

Trong các mức hoa hồng được hưởng trên, Đạt thỏa thuận trích lại cho công ty môi giới 10%. Tính chung tổng số tiền hoa hồng mua 3 con tàu trên trích lại cho công ty môi giới gần 11,5 tỷ đồng và đều được chuyển khoản vào tài khoản mang tên Giang Văn Hiển.

Các bị cáo còn có hành vi chiếm đoạt tiền cho thuê ngoài hợp đồng đối với 9 con tàu. Cụ thể, trong thời gian từ tháng 5.2006 đến tháng 6.2008, thông qua các công ty môi giới, các đối tượng Liêm, Đạt và Khương thỏa thuận với các chủ tàu, gửi giá cước cho thuê ngoài hợp đồng 9 con tàu để chiếm đoạt của Vinashinlines trên 249 tỷ đồng.

Quá trình thực hiện dự án mua tàu và khai thác, kinh doanh cho thuê tàu biển, các bị cáo Liêm, Đạt và Khương đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt Vinashinlines tổng số tiền hơn 260 tỷ đồng. Trong đó, bị cáo Liêm chiếm đoạt 3,1 tỷ đồng, Giang Kim  Đạt chiếm đoạt hơn 255 tỷ đồng, bị can Khương chiếm đoạt 110.000USD.

Để che giấu nguồn tiền tham ô, Đạt nhờ bố là Giang Văn Hiển mở nhiều tài khoản ngân hàng để rút ngoại tệ, mua 40 bất động sản gồm nhà ở, biệt thự, đất đai ở TP.HCM, Hà Nội, TP.Nha Trang (Khánh Hòa)… cùng 13 ô tô đứng tên ông Hiển và người thân trong gia đình.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem