“Chính phủ kiến tạo” và những “lệ làng” quan liêu, nhũng nhiễu

Nguyễn Đức Kiên Thứ hai, ngày 19/12/2016 08:30 AM (GMT+7)
Kể từ ngày nhậm chức đến nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc luôn khẳng định Chính phủ nhiệm kỳ này sẽ là Chính phủ kiến tạo, phát triển, tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Thế nhưng, vẫn còn nhiều tỉnh thành, địa phương, bộ ngành với những “lệ làng” quan liêu, nhũng nhiễu, tìm mọi cách gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Bình luận 0

img

Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc ra thông điệp: "Cán bộ nào không đáp ứng được công việc, vòi vĩnh, cửa quyền, quan liêu... thì cần thay thế, nếu nghiêm trọng thì phải cho ra khỏi bộ máy"

Ngay sau khi nhậm chức, ngày 29.4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tổ chức ngay một cuộc đối thoại với doanh nghiệp để lắng nghe ý kiến, phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp.

Tại sự kiện này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, với tinh thần của một Chính phủ mới, tinh thần của Hiến pháp mới đối với Chính phủ đó là Chính phủ kiến tạo, phát triển, Chính phủ sẽ hành động với tinh thần phục vụ và quyết tâm tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân, cho doanh nghiệp. Chính phủ Việt Nam quyết tâm trong thời gian tới, Việt Nam sẽ đứng nhóm 4 trong các nước Asean trong thời gian ngắn nhất.

Sau cuộc đối thoại 2 tuần, Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đã được ban hành.

Thông điệp đó tiếp tục được khẳng định tại tất cả các sự kiện có sự tham dự của Thủ tướng, như sự kiện Thủ tướng cũng đã gặp gỡ các chuyên gia, trí thức, doanh nhân Việt kiều tiêu biểu diễn ra vào tháng 11 vừa qua; hay cuộc Thủ tướng đối thoại với các nhà đầu tư vừa diễn ra vào đầu tháng 12…

Trong khi Thủ tướng luôn lắng nghe một cách cầu thị thì nhiều nơi trên đất nước này đang cho thấy sự trơ lỳ, vô cảm của những “ông vua con” với những “lệ làng” đầy quan liêu, hạch sách nhũng nhiễu đẩy doanh nghiệp đến những khó khăn và đứng trường nguy cơ phá sản.

Ví như mới đây xuất hiện trên các thông tin đại chúng về sự việc UBND tỉnh Lào Cai tiến hành cưỡng chế thu hồi dự án, thu hồi đất Khu du lịch sinh thái Hàm Rồng của Công ty cổ phần cao su Hàm Rồng (Harutour - đơn vị trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam) quản lý với lý do chậm tiến độ.

img

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra bất ngờ cơ sở cung cấp suất ăn Tú Anh, TP.HCM, ngày 8.10

Cách hành xử của UBND tỉnh Lào Cai như vậy là không đồng hành, không quan tâm tới doanh nghiệp. Lúc khó khăn nhất, doanh nghiệp vẫn tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động và cá nhân ông chủ công ty này cũng đã hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh khoảng 7 tỷ đồng để trồng cao su.

Cần phải hiểu rằng quyết định thu hồi dự án này của UBND tỉnh Lào Cài sẽ buộc doanh nghiệp này đi đến phá sản. Không biết UBND tỉnh Lào Cai có đánh giá xem doanh nghiệp đã đầu tư vào dự án này bao nhiêu rồi? Nếu thu hồi thì phải chuyển giao quyền lợi nhà đầu tư như thế nào?

Trong trường hợp doanh nghiệp bị phá sản thì có trách nhiệm của UBND tỉnh Lào Cai không? Quyết định này của UBND tỉnh Lào Cai có đi ngược lại với chủ trương của Thủ tướng về việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp khởi nghiệp?

Nếu đối chiếu theo Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp thì quyết định này của UBND tỉnh Lào Cai có đúng không khi áp dụng cưỡng chế thu hồi theo luật đất đai? Hay quyết định này có đúng với cam kết của tỉnh trong việc hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào địa phương?

Một ví dụ nữa, đó là sự việc Tổng cục Du lịch thành lập đoàn thanh tra để đi kiểm tra các khách sạn. Điều đáng nói là đoàn thanh tra này đi kiểm tra là hạ sao ngay một số khách sạn. Xét về thẩm quyền, Tổng cục du lịch làm như vậy là đúng chức năng, nhiệm vụ. Nhưng xét về chủ trương khuyến khích khởi nghiệp, đầu tư của Chính phủ, thì cách hành xử của Tổng cục Du lịch có đúng không?

Tại sao đoàn thanh tra đi kiểm tra cái là ra quyết định hạ sao ngay mà không khuyến khích doanh nghiệp bỏ tiền để giữ hạng sao hoặc nâng sao cho khách sạn của mình? Quyết định hạ sao ngay là chúng ta đang dùng mệnh lệnh hành chính và điều này sẽ tác động trực tiếp tới doanh nghiệp khi giá phòng của các toul du lịch đến những khách sạn này sẽ bị giảm xuống, tác động tới doanh thu của doanh nghiệp.

img

TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội

UBND tỉnh Lào Cai hay Tổng cục Du lịch đều là cấp trung gian, một cánh tay nối dài của Chính phủ trong việc làm lành mạnh môi trường kinh doanh. Trong khi mục tiêu của Thủ tướng là khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, phát triển kinh doanh thì cách hành xử của UBND tỉnh Lào Cai, Tổng cục Du lịch lại rất quan liêu, hành chính, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Điều đó thể hiện, trên thông, dưới không thông.

Vấn đề hiện tại không phải là Chính phủ động viên doanh nghiệp mà phải xử lý cán bộ cấp trung gian của mình để tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Thời gian qua, Chính phủ đã định hình được rồi, bây giờ là thời điểm cần phải bắt các UBND tỉnh, các tổng cục… điều chỉnh cho phù hợp với thông điệp của mình. Chỉ có phá bỏ được các “ông vua con” với những “lệ làng” quan liêu, nhũng nhiễu, vô cảm, trì trệ trong bộ máy quản lý thì Việt Nam mới phát triển được. 

Thông tin từ Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), từ tháng 8 đến nay, Tổng cục đã quyết định “hạ sao” của rất nhiều khách sạn do không đáp ứng các điều kiện về hạ tầng, cơ sở vật chất và nhân lực, gồm các khách sạn ở Hà Nội, Thái Nguyên, Hạ Long, Nha Trang và Huế.

Cụ thể, ngày 4.8, cơ quan này đã thu hồi công nhận cơ sở lưu trú 3 sao đối với 8 khách sạn tại Hà Nội và Thái Nguyên. Nguyên do là các khách sạn này đều không đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, điều kiện về hạ tầng, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực tương xứng với số sao đã được công nhận.

Ngày 29.9, cơ quan này tiếp tục thu hồi sao đối với hai khách sạn Thăng Long 3 sao ở Nha Trang và Blue Lagoon 4 sao ở Phú Quốc do không đảm bảo chất lượng dịch vụ.

Cuối tháng 11.2016, Tổng cục Du lịch thu hồi quyết định công nhận đẳng cấp (hạng sao) của 5 khách sạn tại Quảng Ninh.

Ngày 13.12, UBND tỉnh Lào Cai họp báo công bố quyết định sẽ cưỡng chế thu hồi đất núi Hàm Rồng hiện đang do Công ty cổ phần du lịch cao su Hàm Rồng tại khu du lịch quốc gia Sa Pa, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai làm chủ đầu tư.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Lào Cai dự án khu du lịch sinh thái núi Hàm Rồng được UBND tỉnh Lào Cai cấp giấy chứng nhận cho Công ty cổ phần du lịch cao su Hàm Rồng từ ngày 2.7.2009, với tổng diện tích dự án là 164,27 ha có tổng vốn đầu tư gần 500 tỷ đồng, đến năm 2012 sẽ hoàn thành toàn bộ dự án.

Theo ông Nguyễn Hữu Thể, Phó Chủ tịch UBND Lào Cai, lý do thu hồi dự án, thu hồi đất là từ khi được cấp Giấy chứng nhận đầu tư dự án cho đến nay, Công ty cổ phần du lịch cao su Hàm Rồng đã chậm tiến độ trên 36 tháng, gây lãng phí tài nguyên thiên nhiên.

Tiến độ thực hiện mà nhà đầu tư đã cam kết với tỉnh Lào Cai là đến hết năm 2012 hoàn thành toàn bộ dự án, nhưng đến hết năm 2012 chỉ đạt khoảng 5,8% so với tổng vốn đầu tư dự án. Đến năm 2016, giá trị đầu tư mới đạt khoảng 49,810 tỷ đồng, bằng 10% so với tổng mức đầu tư của dự án.  

Thời điểm quyết định thu hồi của UBND tỉnh Lào Cai là thời điểm Công ty cổ phần du lịch cao su Hàm Rồng đã khởi kiện lên Toà án nhân dân tỉnh Lào Cai 2 vụ kiện: Quyết định thu hồi đất số 2223/QĐ-UBND ngày 13.07.2016 của UBND tỉnh Lào Cai và quyết định số 155/QĐ – KHĐT ngày 07.09.2016 của sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lào Cai.

Ngoài ra, trong quá trình thực hiện đầu tư, vì sao tỉnh Lào Cai không đồng ý cho chủ đầu tư xây dựng con đường N1a đã được phê duyệt để thi công dự án dẫn tới chậm tiến độ?

Không những thế, vì sao UBND tỉnh lại không cho doanh nghiệp gia hạn đầu tư, bao nhiêu tiền bạc, mồ hôi công sức của hàng trăm lao động đã cống hiến cho dự án hơn 7 năm qua sẽ đổ đi đâu, đổ cho ai?

*Tác giả là TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem