Chính phủ nên làm trọng tài

Thứ sáu, ngày 19/11/2010 12:51 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Câu chuyện xã Hương Liên (Hà Tĩnh) đòi thủy điện Hố Hô bồi thường số tiền lên tới 8 tỷ đồng, và chủ đầu tư thủy điện Hố Hô hứa đền bù 448 triệu đồng đang đặt ra vấn đề bồi thường bao nhiêu là đủ và ai là người sẽ xác định thiệt hại do thủy điện xả lũ?
Bình luận 0

Hồ Đa Nhim trong mùa khô tích nước phát điện, khiến hạ lưu trở thành con sông chết, người dân không có nước sản xuất. Tới mùa mưa, Đa Nhim chỉ mới xả lũ 2 ngày đầu tháng 11 với lưu lượng trên 500m3/giây, đã làm thiệt hại cho Đơn Dương, Đức Trọng 640ha hoa màu và 188ha lúa gần thu hoạch, ước tính thiệt hại 23 tỷ đồng.

img
Thuỷ điện sông Ba ( Phú Yên) xả lũ ngày 4-11-2010 gây ngập nặng vùng hạ du.

Vì vậy, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng, ông Trần Duy Việt quyết tâm đòi ngành điện hỗ trợ thiệt hại cho nông dân do xả lũ gây ra.

Sau Lâm Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, ông Nguyễn Bá Lộc cho rằng người dân Phú Yên có thể khởi kiện việc thủy điện sông Ba Hạ xả lũ gây thiệt hại. Gần đây nhất, xã Hương Liên (Hương Khê, Hà Tĩnh) thậm chí gửi hồ sơ sang Tòa án nhờ tư vấn việc kiện thủy điện Hố Hô xả lũ gây thiệt hại.

Ngoài thủy điện Hố Hô hứa hỗ trợ, gián tiếp thừa nhận câu chuyện thủy điện gây thêm lũ, thì dấu hiệu thiếu trách nhiệm tại thủy điện Ba Hạ cũng rất rõ. Ông Võ Văn Tri - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy điện sông Ba Hạ thừa nhận sơ suất, báo cáo xả lũ không tới được UBND tỉnh Phú Yên.

Những thiệt hại về vật chất có thể là những thiệt hại xác định được, có thể bồi thường được. Nhưng ai sẽ là người đứng ra xác định thiệt hại nào là do thiên tai, thiệt hại nào là do lũ... thủy điện, lại là câu chuyện không đơn giản.

Chuyên gia xã hội học Đặng Đình Long - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu xã hội và môi trường vùng cho rằng cần có một cơ quan trung gian đứng ra làm trọng tài, đánh giá mức độ thiệt hại, xác định đâu là thiệt hại do lũ gây ra, đâu là thiệt hại do thủy điện xả lũ gây ra.

Thực tế, thiệt hại do người dân tự thống kê và thiệt hại do các nhà máy thủy điện tính toán sẽ rất khó có một con số thống nhất.

Trao đổi với NTNN, luật sư Hà Đăng (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, trong những vụ việc này, việc xác định thiệt hại và phân biệt đâu là thiệt hại do lũ xả từ nhà máy thủy điện không hề đơn giản. Trong việc bồi thường thiệt hại cho người dân, Chính phủ nên là cơ quan đứng ra yêu cầu các nhà máy thủy điện đối thoại với dân, bồi thường thiệt hại do xả lũ gây ra.

Nhưng việc bồi thường vẫn chưa phải là biện pháp giải quyết rốt ráo. Bởi, nói như Chủ tịch Hội Nông dân Lâm Đồng, nếu không giải quyết tận gốc vấn đề thủy điện xả lũ, thì “đến hẹn lại lên, người nông dân vẫn phải thiệt thòi”.

Trung tâm tư vấn pháp luật nông dân: Hỗ trợ pháp lý nếu ND khởi kiện

Ông Phạm Tiến Nam -Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật ND (Hội NDVN) cho biết, trong trường hợp ND khởi kiện các nhà máy thuỷ điện, nếu có đơn từ phía ND, đề nghị bằng văn bản của Hội ND các tỉnh, trung tâm sẽ phối hợp với đối tác là Công ty Luật hợp danh Hồng Bách và cộng sự sẵn sàng tư vấn pháp lý và đứng ra bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của ND.

Về mặt pháp lý, trung tâm có đủ chức năng tư vấn, hỗ trợ ND về mặt thủ tục cũng như đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của ND tại toà án. Trong trường hợp ND khởi kiện và có yêu cầu trung tâm tư vấn pháp luật hỗ trợ thì ND nên nộp đơn tại Hội ND các tỉnh.

Hội ND các tỉnh sẽ tập hợp gửi về T.Ư Hội NDVN. Thường trực T.Ư Hội NDVN có ý kiến, trung tâm tư vấn pháp luật sẽ sẵn sàng hỗ trợ...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem