Chính phủ ra tay cứu doanh nghiệp

Thứ bảy, ngày 12/05/2012 08:23 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Gia hạn thuế, giảm thuế đất, giúp doanh nghiệp vay vốn... là những giải pháp cấp bách được nêu trong Nghị quyết số 13 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường.
Bình luận 0

5 nhóm giải pháp cứu doanh nghiệp

Trong nghị quyết vừa được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ban hành ngày 10.5 này, 5 nhóm giải pháp chính đã được đưa ra nhằm giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn ở thời điểm hiện tại cũng như củng cố hoạt động để phát triển bền vững.

Một là, Chính phủ cho phép gia hạn 6 tháng thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng của tháng 4, tháng 5 và tháng 6.2012 đối với 2 nhóm doanh nghiệp vừa và doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động trong lĩnh vực sản xuất, gia công, chế biến nông, lâm, thủy sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử, xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội.

img
Các giải pháp của Chính phủ được kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp vượt khó, phát triển (ảnh minh họa).

Hai là, gia hạn 9 tháng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, từ năm 2011 trở về trước mà chưa nộp vào ngân sách nhà nước; bên cạnh đó, miễn thuế môn bài năm 2012 đối với hộ đánh bắt hải sản và hộ sản xuất muối.

Ba là, giảm 50% tiền thuê đất phải nộp năm 2012 đối với một số tổ chức kinh tế. Bên cạnh đó, gia hạn tối đa 12 tháng thời hạn nộp tiền sử dụng đất đối với các chủ đầu tư dự án có khó khăn về tài chính. UBND cấp tỉnh báo cáo Thường trực HĐND cùng cấp xem xét, quyết định thời gian gia hạn cụ thể cho từng dự án, nhóm dự án.

Ngân hàng Nhà nước chủ trì, cần đẩy nhanh tiến độ và bảo đảm hiệu quả trong tái cấu trúc ngân hàng thương mại, kiên quyết xử lý các ngân hàng yếu kém, hoạt động kém hiệu quả bằng các biện pháp phù hợp, nhưng phải bảo đảm đúng pháp luật, ổn định hệ thống và quyền lợi hợp pháp của tổ chức, cá nhân tiền gửi và sử dụng dịch vụ ngân hàng.
(Trích Nghị quyết của Chính phủ)

Bốn là, Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa uỷ quyền của Thủ tướng báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2012 đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, không bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa kinh doanh trong các lĩnh vực xổ số, bất động sản, chứng khoán, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, sản xuất hàng hóa...

Báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định miễn thuế khoán giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2012 đối với cá nhân, hộ kinh doanh nhà trọ, phòng trọ cho thuê đối với công nhân, người lao động, sinh viên, học sinh; hộ, cá nhân chăm sóc trông giữ trẻ; hộ, cá nhân, tổ chức cung ứng suất ăn ca cho công nhân với điều kiện giữ ổn định mức giá cho thuê phòng trọ, nhà trọ, giá trông giữ trẻ và giá cung ứng suất ăn ca như cuối năm 2011.

Năm là, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục hạ mặt bằng lãi suất cho vay, ưu tiên đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn; doanh nghiệp vừa và nhỏ; doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu; doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ...

Tập trung giải ngân vốn cho các dự án

Ngoài 5 nhóm giải pháp, Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện các biện pháp thiết thực, hiệu quả để đẩy nhanh việc thực hiện, giải ngân vốn đầu tư đối với các dự án, chương trình trong phạm vi quản lý, nhất là đối với vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm đúng đối tượng, hiệu quả và theo đúng quy định. Chính phủ cho phép thực hiện các biện pháp phù hợp để tăng cường thu hút, đẩy nhanh giải ngân các nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA)...

Chính phủ cũng cho thực hiện các biện pháp để huy động 2.000 tỷ đồng bổ sung nguồn vốn cho vay đầu tư kiên cố hóa kênh mương, phát triển đường giao thông nông thôn, trạm bơm điện phục vụ sản xuất nông nghiệp, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản và làng nghề ở nông thôn.

Chính phủ còn cho phép mua sắm theo quy định của Thủ tướng Chính phủ đối với khoản kinh phí năm 2011 đã được bố trí nguồn nhưng chưa sử dụng vì thực hiện theo quy định của Nghị quyết 11/NQ-CP và đã được chuyển sang năm 2012. Đồng thời, tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, dịch vụ theo hướng chủ động tích cực, bảo đảm hiệu quả...

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành: Nghị quyết 13 của Chính phủ được ban hành vào thời điểm doanh nghiệp đang cực kỳ khó khăn này đã phần nào đáp ứng được mong mỏi của cộng đồng doanh nghiệp. Nội dung nghị quyết bao gồm rất nhiều gói giải pháp và các giải pháp này thời gian qua đã được bàn luận khá sôi nổi trên các phương tiện thông tin. Tuy nhiên, về gói giải pháp, dãn và giảm thuế tôi cho rằng còn chưa thực sự thiết thực. Việc dãn và giảm thuế như vậy mới chỉ “cứu” được doanh nghiệp đang “sống”, còn các doanh nghiệp đã “chết” thì giải pháp này hầu như không hữu dụng. Tôi cho rằng với những khó khăn của doanh nghiệp hiện nay, Chính phủ nên mạnh dạn miễn hẳn thuế cho doanh nghiệp, ít nhất là trong 6 tháng hoặc 1 năm để thực sự hỗ trợ doanh nghiệp có “điểm tựa” để hồi phục.

TS Lê Quốc Phương - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương): Tái cơ cấu nợ là một trong những giải pháp được đưa ra trong nghị quyết này, chắc chắn sẽ giải quyết phần nào khó khăn cho doanh nghiệp bởi đây là một tiêu chí quan trọng quyết định đến việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp. Hiện nay, các ngân hàng thương mại không mấy mặn mà cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) vay vốn mà chỉ thích cho DNNN vay, nhất là các tập đoàn lớn, vì đây là khu vực được bảo lãnh. Như vậy, có nghị quyết rồi thì ngân hàng thương mại phải thay đổi suy nghĩ, không thể mãi ưu đãi cho doanh nghiệp lớn. Cần có cơ chế bắt buộc ngân hàng cho DNVVN vay vốn thông qua cơ chế bảo lãnh tín dụng.

Ông Đỗ Ngọc Thanh - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư xe hơi CTBrothers: Theo tôi, các giải pháp hỗ trợ đắc lực nhất cho DN lúc này chính là việc cho dãn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng (VAT) và thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Đây là 2 giải pháp thiết thực nhất, DN có thể cầm chắc trong tay, có thể tính được ngay ra con số cụ thể mà mình được hỗ trợ từ Chính phủ. Thuế VAT với mức 10% trên tổng doanh thu của một DN không phải là một khoản nhỏ, hay như thuế TNDN ở mức 28% lợi nhuận sau thuế, nay được lùi lại nửa năm cũng sẽ giúp DN rất nhiều để có vốn đầu tư phục hồi sản xuất. Ngoài ra, nếu Quốc hội thông qua việc giảm 30% thuế TNDN trong năm 2012 thì càng tốt nữa.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem