Hơn 8.000 thôn bản chưa có điện
Theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc, năm 2011, điều kiện kinh tế khó khăn nhưng nguồn vốn cho các chương trình, chính sách bảo đảm an sinh xã hội đối với vùng dân tộc và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn không giảm. Nhờ đó, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, sự nghiệp giáo dục đào tạo, y tế, hệ thống chính trị… vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được củng cố, phát triển.
|
Tỷ lệ hộ nghèo ở các vùng dân tộc của nước ta còn rất cao. Trong ảnh: Đồng bào dân tộc Cơ Tu ở xã Thượng Nhật (huyện miền núi Nam Đông, Thừa Thiên- Huế) thu hoạch chuối. |
Tuy nhiên, theo ông Hà Hùng - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, hiện tỷ lệ hộ nghèo ở vùng dân tộc và miền núi còn chiếm 26,5%. Riêng các xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 giai đoạn 2, hộ nghèo chiếm bình quân 57,5%, có xã, bản tỷ lệ này lên tới 90%. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng dân tộc yếu và kém, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.
Hiện 360 xã vùng dân tộc chưa có đường hoặc có nhưng chỉ đi được mùa khô; 14.093 thôn bản chưa có đường giao thông; 204 xã chưa có điện lưới quốc gia đến trung tâm xã và trên 8.100 thôn bản chưa được sử dụng điện.
Về giáo dục, 304 xã đặc biệt khó khăn chưa đủ lớp học kiên cố, 15.930 thôn bản chưa có nhà trẻ, mẫu giáo; 21% người dân tộc thiểu số mù chữ. Lĩnh vực y tế rất yếu kém với trên 3.000 trạm y tế xã chưa có bác sĩ...
Qua kiểm tra của Ủy ban Dân tộc, tại các tỉnh Tây Nguyên hiện vẫn còn trên 40.000 hộ cần định canh, định cư; gần 80.000 người di cư từ miền núi phía Bắc vào chưa được đăng ký hộ khẩu. Tình trạng du canh du cư, di cư tự do năm 2011 rất phức tạp, nhất là ở các tỉnh Hà Giang, Nghệ An, Thanh Hóa… Đặc biệt, cả nước hiện có đến 220.000 hộ đồng bào dân tộc thiếu đất sản xuất và hàng triệu người thiếu nước sinh hoạt.
Chính sách nhiều nhưng thiếu đồng bộ
Theo ông Măng Đung - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, các chính sách dân tộc của nước ta còn thiếu đồng bộ, thiếu kế hoạch, do chưa nghiên cứu sâu các vùng đồng bào dân tộc để có giải pháp phù hợp. “Không phải cứ thấy đồng bào đói rét là cho ăn, cho mặc. Vấn đề là phải nghiên cứu kỹ để có giải pháp, chính sách phù hợp cho mỗi cộng đồng, để không tạo ra sự xung đột”- ông Đung nói.
Bà Hà Thị Nga - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đặc biệt nhấn mạnh sự bất cập trong chính sách hỗ trợ con em hộ nghèo ở vùng cao đến trường. Theo bà Nga, ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc, khoảng cách giữa hộ nghèo và cận nghèo rất ngắn, nên chỉ hỗ trợ cho con em hộ nghèo mà bỏ qua con em hộ cận nghèo là không phù hợp. Bà Nga còn cho rằng, Nhà nước cần có thêm chính sách khuyến khích, động viên các hộ vùng đồng bào dân tộc biết vươn lên làm giàu để tạo nên phong trào.
"Một số chính sách trọng tâm đối với vùng dân tộc và miền núi đã hết hiệu lực thực hiện nhưng chậm có chính sách mới thay thế."
Ông Hà Hùng
- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc
Ông Hà Hùng thừa nhận: “Chính sách dân tộc của nước ta nhiều nhưng thiếu đồng bộ, phân tán, chủ yếu mang tính chất hỗ trợ. Có chính sách không phù hợp với thực tế, cơ chế khó thực hiện như giải quyết đất sản xuất, dạy nghề cho người dân tộc thiểu số… nhưng chậm được sửa đổi.
Theo ông Hùng, hiện ngân sách nhà nước bố trí cho các chính sách dân tộc còn quá thấp, chưa đúng kế hoạch được phê duyệt. Đơn cử như năm 2011, vốn bố trí thực hiện Quyết định 1592 chỉ bằng 8,5% kế hoạch, cho triển khai Quyết định 1342 chỉ bằng 22,7% kế hoạch. Chương trình 135 năm 2011 đến tháng 12.2011 mới cấp vốn, Chương trình trung tâm cụm xã không được bố trí vốn để hoàn thành những công việc dở dang, gây lãng phí...
An Sơn
Vui lòng nhập nội dung bình luận.