Doanh nghiệp phân bón mất hàng chục tỷ đồng vì chính sách thuế mới

Đình Thắng (thực hiện) Thứ bảy, ngày 27/12/2014 07:26 AM (GMT+7)
LTS.  Tháng 11 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế. Dù đến ngày 1.1.2015, luật bắt đầu có hiệu lực, nhưng luật này đã khiến nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phân bón “dậy sóng” vì nguy cơ thiệt tiền tỷ nhãn tiền, còn nông dân cũng có thể phải mua phân bón với giá đắt hơn trước. Xung quanh vấn đề này, Báo NTNN đã trao đổi với một số lãnh đạo của các công ty phân bón lớn; đại diện cơ quan quản lý nhà nước và lãnh đạo Hội Nông dân nhằm tìm hiểu sâu hơn về vấn đề nêu trên.
Bình luận 0

“Nếu áp theo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế (sau đây gọi tắt là luật thuế) thì công ty chúng tôi phải tự hoạch toán toàn bộ số tiền thuế chênh lệch. Như vậy công ty chúng tôi sẽ bị mất 15 tỷ tiền hoàn thuế. Mặt khác số tiền đó sẽ phải tính vào giá thành sản phẩm, lúc đó sản phẩm phân bón sẽ đội giá lên”- ông Hoàng Văn Tại - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phân lân nung chảy Văn Điển trả lời phỏng vấn PV NTNN.

Thưa ông, luật thuế vừa được Quốc hội thông qua vào tháng 11 vừa rồi, được cho là sẽ góp phần khuyến khích phát triển lĩnh vực nông nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực nông nghiệp, hỗ trợ nông dân. Từ góc độ DN, ông đánh giá về luật mới này như thế nào?

img
Vận chuyển phân bón tại Công ty CP Phân lân nung chảy Văn Điển. Ảnh: L.H.T
- Đây là luật sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung quan trọng của 6 luật thuế hiện hành, có tác động đáng kể đến các hoạt động sản xuất kinh doanh của DN và hộ kinh doanh, nhằm đạt được các mục tiêu lớn là hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, tập trung khai thác và tận dụng lợi thế của nền nông nghiệp, góp phần xây dựng và phát triển khu nông nghiệp công nghệ cao, tạo môi trường thuận lợi thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Luật đã sửa đổi, bổ sung chuyển 3 nhóm mặt hàng thuộc diện áp dụng thuế giá trị gia tăng (GTGT) với thuế suất 5% sang đối tượng không chịu thuế GTGT là phân bón; thức ăn gia súc, gia cầm, vật nuôi; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.

 

Là một DN sản xuất kinh doanh mặt hàng phân bón, chúng tôi hiểu việc Quốc hội ban hành luật thuế sửa đổi nhằm mục đích hỗ trợ các cơ sở sản xuất phân bón để có cơ sở giảm giá thành, hỗ trợ nông dân mua được sản phẩm giá rẻ. Tuy nhiên, tôi nhận thấy rằng nếu thực hiện theo luật mới này thì DN không những chẳng hỗ trợ được gì mà còn bị thiệt rất nhiều, thậm chí đối tượng hưởng lợi là nông dân cũng sẽ rơi vào tình cảnh tương tự.

Vì sao ông lại cho rằng điều này “làm khó” DN và nông dân, điều đó có mâu thuẫn không, thưa ông?

- Tôi có thể khẳng định rằng, không chỉ có DN chúng tôi chịu ảnh hưởng mà còn rất nhiều DN sản xuất phân bón khác cũng chung tình cảnh như chúng tôi. Theo như luật thuế này thì mặt hàng phân bón thuộc diện áp dụng thuế suất 5% sang đối tượng không chịu thuế GTGT, nghe qua tưởng như DN có lợi nhưng kỳ thực hoàn toàn ngược lại.

Bởi vì theo khoản 1, Điều 8 của Thông tư 219 (2013) của Bộ Tài chính ban hành ngày 31.12.2013, cơ sở kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khấu trừ, trường hợp lũy kế ít nhất 12 tháng tính từ tháng đầu tiên phát sinh, thu thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết, thì cơ sở kinh doanh được hoàn thuế. Từ trước tới nay các DN sản xuất phân bón chịu thuế đầu vào 10% (than, điện, phụ gia, vỏ bao, chi phí quản lý, bán hàng…), thuế đầu ra là 5%, bao giờ cũng có chênh lệch thuế đầu vào và thuế đầu ra và DN được hoàn thuế. Có như vậy DN mới giữ được giá bán như thời gian qua. Giờ nếu áp dụng quy định mới, mặt hàng phân bón là đối tượng không phải chịu thuế GTGT thì DN sẽ không được hoàn thuế, đồng nghĩa với việc DN phải tự hạch toán hàng chục tỷ đồng do thuế đầu vào cao.

Từ 2010 đến 2013 Công ty CP Phân lân nung chảy Văn Điển được hoàn thuế 57,6 tỷ đồng (bình quân mỗi năm được hoàn thuế 14,5 tỷ đồng). Từ tháng 3.2014 đến tháng 12.2014, thuế chênh lệch đầu vào - đầu ra là 15 tỷ đồng. Theo quy định trong Thông tư 219, phương pháp khấu trừ sẽ được tính trong trường hợp lũy kế ít nhất 12 tháng, mới được làm hồ sơ để được hoàn thuế. Nhưng bây giờ quy định cũ bị ngắt giữa chừng bởi quy định mới trong luật thuế, đến ngày 1.1.2015 luật có hiệu lực, phải thực hiện quy định mới này. Vậy có nghĩa trong năm 2014, thời gian tính của công ty chúng tôi chỉ mới 10 tháng (chưa đủ 12 tháng). Nếu áp theo luật thuế thì công ty phải tự hạch toán toàn bộ số tiền thuế chênh lệch. Như vậy công ty chúng tôi sẽ bị mất 15 tỷ đồng tiền hoàn thuế.

Mặt khác số tiền đó sẽ phải tính vào giá thành sản phẩm, lúc đó sản phẩm phân bón sẽ đội giá lên, giá bán tăng thì công ty khó khăn vì khó bán được hàng, nông dân đáng lẽ được mua giá thấp thì giờ lại phải mua giá cao. Vậy chẳng có ai được lợi trong câu chuyện này. Điều đó hoàn toàn trái với mục đích khi luật thuế sửa đổi ra đời. Đây là điều mà các nhà soạn luật phải tính tới. Tuy nhiên, họ đã không làm được điều đó.

Vậy ông có kiến nghị gì để luật thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành luật này khi đi vào cuộc sống sẽ có tác dụng tích cực, bảo toàn được nghĩa tốt đẹp như mục đích đặt ra?

- Tôi có 2 đề nghị. Thứ nhất đề nghị Bộ Tài Chính vẫn cho DN hoàn thuế trong năm 2014 dù chưa đủ thời gian 12 tháng như quy định trong Thông tư 219. Nếu không được hoàn thuế thì DN sẽ chịu thiệt thòi một khoản không hề nhỏ.

Thứ hai, tôi thấy nội dung luật thuế nên có sự điều chỉnh cho phù hợp với tình hình, đó là nên để phân bón là “mặt hàng chịu thuế GTGT bằng 0” thay vì “đối tượng không phải chịu thuế GTGT”. Có sự khác nhau giữa 2 điều này: Trường hợp phân bón là mặt hàng chịu thuế GTGT bằng 0 thì DN sẽ được hoàn thuế khi có chênh lệch thuế đầu vào đầu ra, giá thành sản phẩm sẽ có điều kiện giảm. Lúc đó cả DN và nông dân được hưởng lợi. Còn nếu mặt hàng phân bón là đối tượng không phải chịu thuế GTGT, dù DN không phải chịu thuế GTGT, nhưng sẽ phải chịu toàn bộ thuế đầu vào. Vì thuế đầu vào luôn cao hơn, nên chi phí đó DN sẽ phải hạch toán vào chi phí sản xuất, giá bán sẽ đội lên, DN sẽ “chết” vì không bán được hàng. Nông dân lại không được hưởng giá thấp.

Xin cảm ơn ông!

Ông Phạm Đức Tuyến - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đông Hưng (Thái Bình):Nông dân sẽ không còn lãi

Chúng tôi chưa biết gì về thông tin sửa đổi mức thuế GTGT trong luật thuế. Tuy nhiên nếu các doanh nghiệp sản xuất phân bón phải tăng giá bán thì nông dân sẽ rất vất vả. Huyện Đông Hưng có hơn 12.000ha đất lúa, gần 500ha trồng khoai tây và hàng nghìn ha rau quả, khoảng 1 thập niên trở lại đây phân bón Văn Điển được hơn 50.000 hội viên nông dân ở Đông Hưng sử dụng đại trà ở tất cả 44 xã. Mỗi năm nông dân ở đây sử dụng khoảng 400 tấn phân lân Văn Điển theo phương thức mua trả chậm (Hội tín chấp, nông dân trả tiền sau). Hiện nay mỗi sào lúa bà con phải bỏ ra 200.000 đồng mua phân bón. 

Dù chưa nhận được thông tin thay đổi giá cả từ phía công ty phân bón, nhưng chúng tôi rất lo. Phân bón đội giá, nông dân sẽ phải gánh thêm chi phí, nông dân xưa nay lấy công làm lãi, công thì nhiều lên mà lãi ngày càng teo lại, bởi các chi phí đội giá. Không nói xa xôi, lúc này giá phân bón chỉ cần tăng lên 100-200 đồng/kg là nông dân đã gần như không còn lãi nữa. Chúng tôi mong Đảng, Nhà nước cần quan tâm đến người dân hơn nữa mỗi khi đưa ra chính sách mới.

Một đại diện của Công ty TNHH MTV Phân bón Dầu khí Cà Mau (không nêu tên): Chưa đủ cơ sở đảm bảo giá phân giảm

Theo luật mới, do không tính thuế GTGT nữa nên những doanh nghiệp sản xuất phân đạm như Đạm Cà Mau sẽ không được khấu trừ thuế VAT đầu vào như trước đây nữa, trong khi phân đạm nhập khẩu lại được miễn thuế GTGT. Như vậy, doanh nghiệp sản xuất phân đạm trong nước không có lợi, nhưng doanh nghiệp nhập khẩu phân đạm lại được giảm chi phí do được miễn thuế. Như vậy chưa đủ cơ sở đảm bảo giá phân bón sẽ giảm, người nông dân sẽ được hưởng lợi.

Lưu Bạch Dương - Đình Thắng (ghi)
Ông Ngô Văn Tích – Chủ trang trại thanh long (phường Phương Đông, TP.Uông Bí, Quảng Ninh): Mong không ảnh hưởng đến nông dân

Mỗi năm chúng tôi sử dụng khoảng 4 tấn phân bón Bình Điền cho 1,5ha trồng thanh long. Chỉ riêng tiền mua phân bón, chi phí đã xấp xỉ 60 triệu đồng. Nếu bây giờ phân bón tăng giá sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chúng tôi. Phân bón tăng, giá bán thanh long sẽ khó tránh khỏi tăng thêm, như thế chúng tôi sẽ rất khó bán. Mặt khác nếu phân bón của các hãng chất lượng cao tăng giá, nông dân có thể sẽ chuyển sang phân bón giá thấp hơn, như thế khả năng mua phải phân bón kém chất lượng, phân bón dởm, giả cũng cao hơn và điều đó sẽ có tác động lớn đến mùa vụ cây trồng. Tôi mong rằng Nhà nước, các bộ ban ngành có chính sách hỗ trợ nông dân để họ sản xuất có lãi, sản phẩm ngày càng năng suất cao, chất lượng tốt. Hy vọng các chính sách mới sẽ không ảnh hưởng xấu đến nông dân.

Anh Trần Hùng Tráng - Nông dân xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng, Long An: “Chắc tôi phải bỏ nghề nông“

Gia đình tôi đang trồng 100ha lúa, sử dụng 60 tấn phân bón các loại cho mỗi vụ, hiện nay chi phí sản xuất ngày càng tăng trong lúc đó giá lúa gạo lại không tăng. Thời điểm này nông dân trồng lúa ở ĐBSCL không được hưởng mức lãi 30% như mục tiêu mà Thủ tướng Chính phủ đã từng nêu ra. Giá lúa gạo không những không tăng mà ngày càng giảm khiến người nông dân gần như không có lãi, hoặc lãi vô cùng thấp. Bây giờ nếu giá phân bón tăng lên, nếu chỉ với khoảng 200 đồng/kg thôi, thì mỗi vụ tôi phải mất thêm khoảng 12 triệu đồng cho tiền phân bón. Nếu giá cả đầu vào cứ tăng, chắc tôi phải bỏ nghề nông, vì làm đâu có lãi. 

Đình Thắng (ghi)

Ông Nguyễn Văn Ánh (phường Nghĩa Thành, thị xã Gia Nghĩa, Đăk Nông): Cần ổn định giá phân bón

Gia đình tôi có 5ha cà phê, bón phân NPK của Bình Điền, Chánh Hưng, Đạm Phú Mỹ. Mỗi năm tôi dùng 17,5- 20 tấn phân NPK, chưa kể là các loại phân vi sinh khác. Hiện giá phân bón tăng khoảng 5-7%, so với giá phân bón trước đây (khoảng 11 triệu đồng/tấn) thì hiện nay, 1 năm tôi phải tốn thêm trên dưới 10 triệu đồng nữa. Giá cà phê có nhích lên, nhưng trước tình hình phân bón, nhân công… tăng lên, nông dân vẫn không cải thiện được thu nhập. Vấn đề chúng tôi quan tâm nhất hiện nay đó là làm sao giữ được ổn định giá phân bón để an tâm làm ăn. 

Duy Hậu (ghi)



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem