Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng: Bổ sung nhiều điểm mới

Nguyệt Tạ Thứ năm, ngày 14/10/2021 06:00 AM (GMT+7)
Mặc dù đã có nhiều cố gắng, nhưng thời gian qua việc thực hiện chính sách ưu đãi với người có công vẫn còn hạn chế. Để chăm sóc tốt hơn cho người có công, mới đây Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, quy định mới.
Bình luận 0

Điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp với một số đối tượng

Ngoài việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (cuối năm 2020), có hiệu lực tháng 7/2021, vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị định số 75/2021/NĐ-CP quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng. Có hiệu lực vào ngày 15/9/2021. Nghị định gồm 4 chương, 16 điều và 6 phụ lục quy định về mức hưởng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng và các chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng từ nguồn ngân sách trung ương.

Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng: Bổ sung nhiều điểm mới  - Ảnh 1.

Thăm hỏi, chăm sóc người có công ở Quảng Bình. Ảnh: Molisa

Điểm khác biệt của nghị định lần này là quy định mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng. Theo đó, nghị định quy định mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng là 1.624.000 đồng.

Phụ lục của nghị định cũng quy định cụ thể các mức hỗ trợ cho các đối tượng khác nhau như: Bà mẹ Việt Nam Anh hùng là 4.872.000 đồng; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến là 1.361.000 đồng; người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng 8/1945 là 1.679.000 đồng; người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày là 974.000 đồng.

Nhiều chế độ ưu đãi người có công

"Hiện cả nước có gần 1,4 triệu người có công được hưởng trợ cấp hàng tháng. Trung bình mỗi năm, giải quyết trợ cấp một lần cho 6.000-8.000 người; đưa hơn 580.000 lượt người đi điều dưỡng phục hồi sức khỏe...".

Ông Đào Ngọc Lợi -

Cục trưởng Cục Người có công

(Bộ LĐTBXH)

Nghị định 75/2021 cũng quy định cụ thể các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng bao gồm: Bảo hiểm y tế; điều dưỡng phục hồi sức khỏe; hỗ trợ phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng cần thiết; hỗ trợ thăm viếng mộ liệt sĩ; hỗ trợ di chuyển hài cốt liệt sĩ; hỗ trợ công tác mộ liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ; xác định danh tính hài cốt liệt sĩ...

Trong đó, về điều dưỡng phục hồi sức khỏe, nghị định quy định: Điều dưỡng phục hồi sức khỏe tại nhà mức chi bằng 0,9 lần mức chuẩn/người/lần và được chi trả trực tiếp cho đối tượng được hưởng. Điều dưỡng phục hồi sức khỏe tập trung mức chi bằng 1,8 lần mức chuẩn/người/lần...

Chính sách ưu đãi về giáo dục

Về hỗ trợ ưu đãi giáo dục tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân đến trình độ đại học, Nghị định 75 quy định mức hưởng trợ cấp để theo học tại cơ sở giáo dục mầm non: 0,2 lần mức chuẩn/đối tượng/năm.

Mức hưởng trợ cấp để theo học tại cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, trường dự bị đại học, trường năng khiếu, trường lớp dành cho người khuyết tật: 0,4 lần mức chuẩn/đối tượng/năm.

Mức hưởng trợ cấp để theo học tại cơ sở phổ thông dân tộc nội trú, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học: 0,4 lần mức chuẩn/đối tượng/năm.

Về hỗ trợ thăm viếng mộ liệt sĩ, nghị định quy định hỗ trợ tiền đi lại và tiền ăn cho thân nhân liệt sĩ (tối đa 3 người) hoặc người thờ cúng liệt sĩ mỗi năm một lần khi đi thăm viếng một liệt sĩ...

Nghị định cũng bổ sung quy định người bị thương thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 23 pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 ngày 9/12/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV (Ưu đãi người có công với cách mạng) mà có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 5-20% thì được hưởng trợ cấp ưu đãi một lần theo quy định tại phụ lục VI ban hành kèm theo nghị định này.

Ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết, Nghị định 75 quy định chi tiết và hướng dẫn cụ thể những nội dung của pháp lệnh ưu đãi người có công (năm 2020) về điều kiện, tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục, hồ sơ xác nhận và giải quyết ưu đãi người có công…

Nghị định trên đã quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, quy định cụ thể các mức trợ cấp ưu đãi mỗi năm một lần. Đây là cơ sở để các đơn vị thực hiện tốt hơn công tác chăm sóc cho người có công.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem