Chính trị thực dụng và mối quan hệ đồng minh

Đại sứ Trần Đức Mậu Thứ hai, ngày 26/07/2021 10:03 AM (GMT+7)
Chính trị thực dụng hay chính sách thực dụng nào cũng đều được hoạch định và quyết định bởi lợi ích quốc gia.
Bình luận 0
Chính trị thực dụng và mối quan hệ đồng minh - Ảnh 1.

Dòng chảy Phương Bắc 2. Ảnh

Với thoả thuận mới đạt được giữa Mỹ và Đức về hoá giải mối bất hoà lâu nay liên quan đến việc thực hiện dự án xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 từ Nga trực tiếp sang Tây Âu (Đức) tránh phải quá cảnh qua Ukraine và Ba Lan, hai bên này cho thấy đều bị chi phối và dẫn dắt bởi Realpolitik, khái niệm trong chính trị được hiểu chung là chính sách thực dụng hay chính trị thực dụng. Xưa nay khi nào và ở đâu cũng vậy, Realpolitik luôn là kết quả và hệ luỵ trực tiếp của việc lý trí chế ngự tình cảm.

Nord Stream 2 là dự án hợp tác giữa Nga với một số nước thành viên EU, chạy song song với tuyến Nord Stream 1 (đã được đưa vào sử dụng từ mấy năm nay), đi ngầm qua Biển Bắc chứ không quá cảnh qua Ucraine như tuyến đường ống dẫn khí đốt duy nhất trước khi có Nord Stream 1. 

Giá trị kinh tế của Nord Stream 2 là tăng cung ứng khí đốt của Nga cho EU, giúp Nga tăng xuất khẩu khí đốt và EU đảm bảo an ninh năng lượng. Nhưng Nord Stream 2 còn có ý nghĩa địa chiến lược rất to lớn. 

Nó giúp Nga giảm đáng kể sự lệ thuộc vào việc phải chu chuyển quá cảnh khí đốt qua các nước láng giềng vốn không thân thiện, nếu như không muốn nói còn thù địch với Nga và làm gia tăng mức độ lệ thuộc của EU vào cung ứng khí đốt từ Nga. 

Nói theo cách khác, Nga có thêm công cụ để gây và gia tăng áp lực chính trị đối với EU và những nước láng giềng của Nga nhưng thân Phương Tây như Ukraine. Mỹ và những thành viên EU và Nato ở khu vực láng giềng  xung quanh Nga nhìn nhận dự án hợp tác này như cái gai sắp đâm vào mắt nên ra sức cản phá. 

Tổng thống Mỹ Donald Trump chống phá bằng cách trừng phạt tất cả các công ty tham gia thực hiện dự án để dự án này không thể được hoàn tất và đưa vào sử dụng. Ngoài mục đích đối phó Nga và ủng hộ Ukraine cũng như tranh thủ một số đồng minh và đối tác trong EU và Nato, ông Trump còn theo đuổi tham vọng đẩy các nước châu Âu vào tình thế phải mua nhiều khí đốt hoá lỏng của Mỹ. Khẩu hiệu "Nước Mỹ trước hết" được ông Trump vận dụng như thế trong đối ngoại.

Ông Joe Biden kế nhiệm ông Trump và cũng không ủng hộ EU hợp tác với Nga xây dựng Nord Stream 2, nhưng rồi chuyển biến quan điểm và mới đây thoả thuận với chính phủ Đức để cho dự án này được thực hiện đến cuối cùng.

Nội dung cốt lõi của thoả thuận vừa rồi giữa Mỹ và Đức về Nord Stream 2 là để cho hoàn tất dự án này nhưng với điều kiện là Nga cả trong tương lai vẫn phải tiếp tục chu chuyển khí đốt qua lãnh thổ Ukraine, tức là vẫn phải để cho Ucraine có thu nhập từ xuất khẩu khí đốt của Nga, nếu Nga gây bất lợi cho Ucraine thì Mỹ và EU sẽ trừng phạt Nga. Ngoài ra, Mỹ và Đức cam kết sẽ trợ giúp tài chính cho Ukraine để nước này phát triển các nguồn năng lượng thay thế cũng như đảm bảo an ninh năng lượng.

Chỉ cần lướt qua thoả thuận này thôi cũng đã đủ để nhận ra rằng Nga được lợi nhiều nhất và Ukraine là bên thua thiệt nhiều nhất từ thoả thuận kia giữa Mỹ và Đức. Nga đạt được mục đích là hoàn tất Nord Stream 2 để đưa vào sử dụng trước đã và có thêm thời gian để xử lý mọi chuyện liên quan khác tới EU và Ucraine. Cho tới năm 2024, Nga vẫn phải trả phí quá cảnh khí đốt cho Ukraine. Sau đấy Nga đối xử Ucraine như thế nào thì hiện không ai có thể biết. 

Nga cho tới nay đã quá quen với những kiểu và cách trừng phạt mà Mỹ và EU áp dụng đối với Nga nên sự doạ dẫm của Mỹ và Đức trong thoả thuận kia chắc chắn không gây ấn tượng gì đặc biệt đối với Nga và không làm cho Nga phải lo lắng.

Với thoả thuận này, Mỹ và Đức đã đặt lợi ích riêng lên trên đồng minh là Ukraine. Chính quyền mới ở Mỹ nhận thức được rằng hiện không còn có thể huỷ hoại được dự án Nord Stream 2. Để thực hiện thành công định hướng chính sách "Đưa nước Mỹ trở lại với thế giới", ông Biden cần sự hợp tác và đồng hành của những đồng minh truyền thống như nước Đức và thậm chí còn trước hết là nước Đức. Chính phủ Đức không muốn và cũng không thể buông bỏ dự án này vì vốn đầu tư đã đổ vào đấy quá nhiều, vì phải có dự án này để đảm bảo an ninh năng lượng lâu dài và phải có nó thì mới có thể bớt lệ thuộc vào cung ứng năng lượng từ Mỹ. 

Hơn nữa, Đức cần dự án để tạo thế có lợi nhất cho quan hệ với Nga. Tuy là đồng minh và đối tác chiến lược của nhau thật đấy trong Nato, EU hay ở châu Âu nói chung, phía Đức cũng đâu có vì Ukraine, Ba Lan hay Mỹ mà chịu tổn hại lợi ích chiến lược riêng trong quan hệ với Nga..

Chính trị thực dụng hay chính sách thực dụng nào cũng đều được hoạch định và quyết định bởi lợi ích quốc gia. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem