Mỹ trừng phạt "Dòng chảy phương Bắc 2": Đòn vụng mà hiểm

Đại sứ Trần Đức Mậu Thứ bảy, ngày 21/12/2019 19:09 PM (GMT+7)
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký ban hành bộ luật mới được quốc hội Mỹ thông qua về trừng phạt những công ty, tổ chức và cá nhân tham gia trực tiếp hoặc trợ giúp Nga cùng một số nước thành viên EU hợp tác xây dựng tuyến đường ống Nord Stream 2 dẫn khí đốt từ Nga xuyên Biển Bắc sang thẳng Tây Âu.
Bình luận 0

img

Quốc hội Mỹ đặt tên cho bộ luật này là Luật về bảo vệ an ninh năng lượng cho châu Âu và lập luận hệ thống tuyến đường ống dẫn khí đốt này sẽ làm cho nước Đức bị lệ thuộc vào cung ứng năng lượng từ Nga.

Không khiên cưỡng và khôi hài sao được khi không được phía các nước châu Âu yêu cầu mà quốc hội Mỹ đưa ra luận này và trong khi phía Đức nhấn mạnh sự cần thiết và tầm quan trọng của Nord Stream 2 đối với tương lai của nước Đức thì quốc hội Mỹ bao biện ngược lại. Bằng cách nguỵ biện vụng về này, quốc hội Mỹ che đậy ba mục đích chính được theo đuổi với bộ luật trên.

Thứ nhất là gây khó khăn thêm cho Nga trong bối cảnh tình hình chung từ khá lâu nay là Nga bị Mỹ, EU và một số đồng minh khác áp dụng những biện pháp chính sách trừng phạt về kinh tế, thương mại và tài chính cũng như cô lập về chính trị. Xuất khẩu khí đốt là một trong những nguồn thu nhập quan trọng nhất của Nga và đồng thời còn là một trong những vũ khí rất đắc dụng của Nga trong quan hệ của Nga với các nước thành viên EU và Nato ở châu Âu. Thế mạnh này của Nga cũng đồng thời là một điểm yếu và dễ bị toinr thương đối với Nga.

Thứ hai, phía Mỹ muốn thu hẹp thị phần của Nga trên thị trường năng lượng, đặc biệt về khí đốt, ở châu Âu để dành cho khí đốt hoá lỏng của Mỹ. Cách làm của phía Mỹ là vừa thúc ép các đồng minh và đối tác ở châu Âu phải nhập khẩu nhiều hơn nữa khí đốt hoá lỏng của Mỹ vừa ngăn cản Nga đảm bảo cung ứng hoặc tăng cường cung ứng khí đốt cho các nước châu Âu để buộc các nước này phải tăng thêm nhập khẩu khí đốt hoá lỏng của Mỹ.

Thứ ba, phía Mỹ dùng biện pháp này để phân rẽ các nước thành viên EU và Nato ở châu Âu với Nga, đồng thời hậu thuẫn một số nước khác trên châu lục ở trong cũng như ngoài EU và Nato, đặc biệt là Ucraine và Ba Lan, trong chính sách của họ thù địch nhiều hơn là hợp tác với Nga. Mỹ đặc biệt nhằm vào hai nước này vì họ vừa thân thiện với Mỹ nhất lại vừa chống phá dự án Nord Stream 2 quyết liệt nhất. Một khi Nord Stream 2 đã hoàn tất thì Nga không còn phải luỵ Ucraine hay Ba Lan nữa về chuyện chu chuyển khí đốt quá cảnh qua hai nước ấy sang Tây Âu khiến họ vừa không còn được trả lệ phí quá cảnh khí đốt lại vừa không còn một công cụ, vũ khí hay phương cách để gây áp lực đối với Nga.

Theo thiết kế, tuyến đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 dài 2400 km và chỉ còn có 300 km trong độ dài ấy chưa xây dựng xong. Theo kế hoạch của các bên tham gia dự án này thì khoảng cuối quý 1.2020 mọi công việc xây dựng và lắp ráp sẽ hoàn tất, sau một thời gian ngắn vận hành thử sẽ chính thức đi vào hoạt động. Công ty của Thuỵ Sỹ đã vì viêc ông Trump ký ban hành bộ luật này của Mỹ mà ngừng tham gia xây dựng Nord Stream 2. Đức đã chính thức phản đối Mỹ và phía Nga vẫn quyết tâm thực hiện dự án đến cùng.

Mỹ có thể gây khó khăn lớn cho việc thực hiện dự án và có thể làm cho thời gian xây dựng bị kéo dài và thời điểm tuyến đường ống chính thức đi vào hoạt động bị lùi xa, nhưng chắc chắn không huỷ hoại được nó. Nga và các bên tham gia đã đầu tư rất nhiều tiền của vào dự án này nên sẽ không để dự án bị thất bại chỉ vì bộ luật kia của Mỹ. Phía các nước ở châu Âu không thể thuận theo ý muốn của Mỹ trong chuyện này vì như thế đâu có khác gì chấp nhận để cho Mỹ quyết định họ được hay không được làm gì. Đại diện chính phủ Đức coi hành động này của phía Mỹ là vi phạm chủ quyền của các nước châu Âu.

Ông Trump vẫn có ý kiên trì mục tiêu cải thiện quan hệ của Mỹ với Nga, nhưng vẫn nhanh chóng ký ban hành bộ luật này vì mấy nguyên do sau.

Thứ nhất, ông Trump chủ ý tranh thủ quốc hội Mỹ trong bối cảnh bị quốc hội Mỹ tiến hành luận tội phế truất, đặc biệt không muốn làm cho những dân biểu thuộc phe Đảng Cộng hoà bị khó xử hay phật lòng. Cũng vì mục đích này mà trước đó ông Trump đã nhanh chóng ký ban hành những bộ luật mới mà quốc hội Mỹ thông qua về Hồng Công và Tân Cương.

Thứ hai, ông Trump cần việc xuất khẩu được nhiều khí đốt hoá lỏng của Mỹ làm bằng chứng cho thành quả của chủ trương "Nước Mỹ trước hết". Ông Trump cần tác động dân tuý của việc làm cho cử tri ở Mỹ cảm nhận rằng tổng thống đương nhiệm của họ vẫn kiên định thực hiện cam kết tranh cử năm 2016.

Thứ ba, ông Trump tạo thế cho mình có thể linh hoạt quyền biến sử dụng bộ luật này trong xử lý quan hệ của Mỹ với các nước thành viên EU và Nga mà nhằm vào EU nhièu hơn là Nga và đương nhiên nhằm cả vào phân rẽ EU với Nga.

Cú đòn này của phía Mỹ rất vụng về về chính trị và pháp lý, nhưng lại khá hiểm hóc đối với nhiều nước thành viên EU và Nga. Bớt lệ thuộc vào Nga nhưng tăng lệ thuộc vào Mỹ về cung ứng năng lượng thì đâu có khác gì tránh vỏ dưa gặp phải vỏ dừa đối với các thành viên EU. Nga bị làm khó nhưng vẫn có những lợi thế khác. Mỹ hành xử như vậy còn khiến Nga tăng cường hợp tác hơn nữa với Trung Quốc trên mọi lĩnh vực chứ không phải chỉ có về năng lượng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem