Kỹ thuật này khá đơn giản như dùng dao bén cắt khoanh khoảng 2cm quanh vỏ thân cây, cách mặt đất một khoảng hợp lý cho việc thao tác (không quá cao hoặc quá thấp, chỗ thân cây không quá méo mó). Sau đó, chỗ vết cắt này lập tức bao phủ quanh nó với một băng bằng nhựa có màu đen. Một tháng sau khi khoanh bóc vỏ thân cây này, chỗ vết cắt sẽ bắt đầu phục hồi.
![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/3-2012/images/2012-07-13/1434700735-167_12_chom-chom.jpg) |
Chôm chôm trái vụ có giá bán cao hơn gấp 4 – 5 lần chôm chôm chính vụ. |
Lúc này sẽ kích thích cây chôm chôm ra hoa do những thay đổi cơ chế sinh lý trong cây như: Ngăn chặn vật chất hóa học được quang hợp từ chồi xuống vùng rễ; gia tăng tỷ lệ C/N trong các chồi cây; làm cho rễ thiếu năng lượng để hoạt động, giảm hút nước, dinh dưỡng khoáng và tổng hợp hóc môn tăng trưởng. Khi tốc độ hấp thu dinh dưỡng khoáng thấp, đặc biệt là đạm dẫn đến gia tăng tỷ lệ C/N trong chồi và hút nước ít sẽ dẫn đến rối loạn nước sinh lý trong cây và giảm sự tổng hợp hóc môn bao gồm gibberellin.
Kỹ thuật cắt khoanh vỏ thân cây chôm chôm đã chứng minh tạo cho cây ra hoa và trái nghịch vụ có hiệu quả. Áp dụng kỹ thuật tạo ra hoa sớm hơn bình thường khoảng 4 tháng. Có thể kết hợp phun chất kích thích hoặc phân bón lá trên cây. Sau khi cắt khoanh vỏ thân cây 1 tháng, nếu phun KNO3 làm cho hoa ra sớm hơn 10 - 20 ngày so với chỉ cắt khoanh mà không cần phun. Để tăng chất lượng trái cần bón nuôi trái khi đã có trái non khoảng 0,5 – 1kg NPK 20-20-15 + 0,2kg urea + 0,2kg kali KCl cho một cây.
Cần chú ý quan trọng khi áp dụng kỹ thuật cắt khoanh vỏ thân cây là: Chỉ áp dụng đối với những cây đã trưởng thành, ít nhất đã cho trái 2 - 3 lần; chiều rộng miếng vỏ thân cây được cắt nên ít hơn 2cm để giúp cây hoàn toàn phục hồi sau 2 năm. Nếu cắt rộng làm cây lâu hồi phục vết cắt; chỗ vết cắt khoanh nên được bọc miếng nhựa đen ngay sau khi cắt nhằm đảm bảo chỗ vết cắt phát triển không bị rối loạn và nên kết hợp phun KNO3 30 - 40 g/lít nước sau khi cắt 1 tháng nhằm kích thích chồi hoa phát triển. Nhưng không được áp dụng với liều cao hơn 40 g/lít sẽ làm cho lá rụng.
Nhiều vườn chôm chôm có khả năng giảm năng suất trái sau khi áp dụng kỹ thuật cho trái nghịch vụ. Như vậy nên áp dụng kỹ thuật cắt khoanh vỏ thân cây luân phiên 1 lần trong 2 năm tức là lúc mà vết cắt hoàn toàn phục hồi bình thường.
TS Nguyễn Công Thành
Vui lòng nhập nội dung bình luận.