Chờ giải pháp từ ngành điện

Thứ sáu, ngày 18/02/2011 17:56 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Vài năm trở lại đây, đến hẹn lại lên, mỗi khi bước vào vụ đông xuân ở miền Bắc, hầu như năm nào cũng xảy ra tình trạng thiếu nước, ngành nông nghiệp lại phải đi "xin" ngành điện xả nước giải hạn.
Bình luận 0
img
Tiến sĩ Trần Nhơn cho rằng Thủy điện Hòa Bình cũng như ngành điện có thể làm tốt hơn nữa để giảm bớt tình trạng khô hạn ở miền Bắc.

Vì sao có tình trạng này, NTNN đã trao đổi với TS Trần Nhơn- nguyên Thứ trưởng Bộ Thuỷ lợi (cũ).

TS Trần Nhơn cho biết: Điều cần xem xét trước tiên đối với tình trạng hạn hán hiện nay ở các tỉnh miền Bắc đó là vấn đề hậu hồ Hoà Bình. Từ khi xây xong hồ Hoà Bình, một lượng phù sa lớn đã được giữ lại trong hồ, dẫn đến hạ du sông Hồng thiếu phù sa. Trong hàng chục năm qua, lòng sông Hồng đã bị xói mạnh từ chân hạ du ra đến tận bờ biển, làm độ dốc của dòng sông bị giảm xuống.

Điều đó có nghĩa là hạn hán ở miền Bắc hiện nay không phải do lượng nước giảm đi, mà chính là do sự thay đổi của dòng sông kể từ khi có hồ Hoà Bình. Theo ông, chúng ta cần điều tiết nước từ hồ Hoà Bình ra sao?

- Khi mới xây dựng hồ Hoà Bình xong, lúc đó người ta cho xả đáy, tức cho nước chảy dưới đáy, nên lưu lượng nước về hạ du luôn luôn đồng pha. Sau khi, hồ Hoà Bình được đưa lên lưới điện quốc gia, người ta đã chuyển việc xả nước từ hồ Hoà Bình từ phủ đáy, sang phủ đỉnh, mỗi ngày chỉ chạy có mấy tiếng vào giờ cao điểm, còn lại là xả lắt nhắt, dẫn đến lượng nước xuống hạ du ngày một ít đi.

Nói như vậy, tức là chính ngành thuỷ điện đã gây ra hạn hán cho miền Bắc?

- Theo tôi, trách nhiệm chính vẫn thuộc về Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đáng lẽ sau khi xây xong hồ, EVN phải lo từ đầu đến cuối, chỉ bán điện rồi thu tiền là xong, mà không quan tâm đến việc giải quyết vấn đề hậu hồ Hoà Bình. Hiện, chúng tôi đang cùng với một số chuyên gia đang nghiên cứu làm một đập dâng dưới hồ Hoà Bình, để mỗi khi hồ thuỷ điện này phủ đỉnh xả nước xuống, thì nước sẽ được tích lại trong đập dâng đó, để đảm bảo đủ nước cho thuyền bè qua lại, cũng như tưới tiêu nông nghiệp.

Những năm gần đây, mỗi khi xảy ra hạn, ngành điện và nông nghiệp phải cố gắng để tìm "tiếng nói chung". Sự "vênh" này, theo ông bắt nguồn từ đâu?

- Có thể nói, trong nhiều năm qua, ngành điện chưa quan tâm đến lợi ích của thuỷ nông một cách thấu đáo. Đáng lẽ, hàng năm, họ phải căn cứ vào dự báo của cơ quan khí tượng, rồi xây dựng kế hoạch vận hành theo đường điều phối nước cho sản xuất nông nghiệp. Theo báo cáo của các chuyên gia ngành thuỷ lợi, trong mấy năm gần đây, việc xả nước từ hồ Hoà Bình xuống hạ du về mùa hạn ngày càng ít dần.

Nguyên nhân, có thể là do ngành điện tranh thủ khai thác điện từ thuỷ điện để giảm chi phí, trong khi họ lại hạn chế dùng nhiệt điện và chỉ đến khi nào thực sự căng thẳng, họ mới khai thác nhiệt điện. Để giải quyết vấn đề này, chúng ta phải xem xét đường điều phối, thường đường điều phối được xây dựng theo sơ đồ từ tháng 9 năm trước đến tháng 8 năm sau.

Trong quá trình này, nước sẽ đạt đỉnh vào các tháng 8, 9 và hạ xuống mức thấp nhất vào các tháng từ 1 - 3. Đáng lẽ ở giai đoạn sau khi nước đạt đỉnh, nhà máy phải cho giữ nước lại, thì họ lại cho khai thác mạnh, dẫn đến thiếu nước vào giai đoạn này và các tháng tiếp theo.

Về mặt quy hoạch thuỷ lợi, thuỷ điện phải có một quy hoạch tổng thể, trong đó có đặt vấn đề hậu Hoà Bình để khẩn trương xử lý. Câu chuyện này trong những năm gần đây đã trở thành căn bệnh trầm kha, lúc nào ngành thuỷ lợi cũng phải đi năn nỉ ngành điện xả bao nhiêu nước cho nông nghiệp. Chúng ta phải nhanh chóng làm rõ vấn đề này và thúc đẩy quy hoạch nhanh hơn.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem