Cho loài sâm quý 'ăn' cá, dịch trùn quế, rong biển, ông nông dân Ninh Bình thu 200 triệu/ha

Vũ Thượng Thứ tư, ngày 18/10/2023 13:00 PM (GMT+7)
Nhờ đam mê và chịu khó nghiên cứu, học hỏi kỹ thuật, ông Quách Văn Kỳ (xã Yên Quang, huyện Nho Quan) đã thành công trong việc đưa giống sâm về trồng tại tỉnh Ninh Bình, được kỳ vọng giúp nhiều người dân xã Yên Quang vươn lên làm giàu. Ông Kỳ và cộng sự cũng đã xây dựng thương hiệu sâm Cúc Phương Bochi.
Bình luận 0

Trồng sâm lãi 200 triệu đồng/ha/năm

Với mong muốn tìm giống cây mới để phát triển đem lại hiệu quả kinh tế cao ở quê hương, ông Quách Văn Kỳ (xã Yên Quang, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) đã đưa giống sâm Cúc Phương về trồng thử nghiệm, bước đầu đem lại hiệu quả tích cực.

Ninh Bình: Bất ngờ trồng giống sâm Bố Chính trên đất đồi bỏ túi 200 triệu đồng/ha - Ảnh 1.

Ông Quách Văn Kỳ (xã Yên Quang, huyện Nho Quan) cầm trên tay sản phẩm được làm từ cây sâm. Ảnh: V T

Ông Quách Văn Kỳ chia sẻ với phóng viên Dân Việt: "Năm 2019, tôi được người thân giới thiệu về sản phẩm từ cây sâm. Sau đó, tôi tìm hiểu qua mạng, trực tiếp đến những nơi trồng sâm thì nhận thấy khí hậu và chất đất của quê hương phù hợp để trồng".

"Năm 2020, tôi bàn bạc với gia đình, bạn bè quyết định đưa cây sâm về trồng thử nghiệm trên đất xã Yên Quang. Đến nay, diện tích sâm Cúc Phương đã đạt khoảng 5ha", ông Kỳ nói.

Ninh Bình: Bất ngờ trồng giống sâm Bố Chính trên đất đồi bỏ túi 200 triệu đồng/ha - Ảnh 2.

Hiện ông Kỳ cùng cộng sự có khoảng 5ha trồng cây sâm tại xã Yên Quang, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Ảnh: A T

Được biết, ông Kỳ hiện nay đang tạo công việc ổn định cho 5-6 lao động địa phương với mức lương 200.000 đồng/người/ngày, riêng vào thời vụ có khoảng 25-30 lao động. Qua tính toán sau khi trừ mọi chi phí ông Kỳ cùng cộng sự lãi 200 triệu đồng/ha/năm.

Kỹ thuật trồng cây sâm Cúc Phương

Với nhiều năm trồng, chăm sóc cây sâm trên đất Ninh Bình, ông Quách Văn Kỳ chia sẻ kinh nghiệm trồng loại sâm quý này như sau: Cây sâm thường trồng vào tháng 3 dương lịch và khoảng 12 tháng là tiến hành thu hoạch củ, thân được.

Ninh Bình: Bất ngờ trồng giống sâm Bố Chính trên đất đồi bỏ túi 200 triệu đồng/ha - Ảnh 3.

Giống sâm mới "bén duyên" tại xã Yên Quang. Ảnh: A.T

Công đoạn chăm sóc làm đất thực hiện qua 4 bước: Thứ nhất phay đất với mục đích diệt cỏ dại, phơi đất để xử lý sâu bệnh, tiếp đến tung vôi bột để khử trùng, tạo sự ổn định độ pH của đất. Thứ hai, phay nhỏ đất, bổ sung vi sinh bằng chế phẩm sinh học. Thứ ba, bổ sung phân lót bằng phân chuồng ủ mục (đã xử lý qua chế phẩm sinh học) và tung đều lên đất với trọng lượng 25-30 tấn/ha. Thứ tư, lên luống trồng cao từ 35-40cm, chiều rộng 1,4m.

Tiếp theo phủ túi nilon lên luống nhằm giữ độ ẩm, chống xói mòn…đồng thời đục lỗ theo quy chuẩn 35x35cm để đặt hạt sâm xuống. Có thể trồng cây sâm bằng cách gieo hạt trực tiếp hoặc ươm hạt rồi mới đưa ra đất trồng.

Ninh Bình: Bất ngờ trồng giống sâm Bố Chính trên đất đồi bỏ túi 200 triệu đồng/ha - Ảnh 4.

Phủ túi nilon lên luống cây sâm nhằm giữ nước, chống xói mòn...Ảnh: A T

Hiện, ông Quách Văn Kỳ thực hiện gieo hạt trực tiếp nhằm giảm nhân công, với mật độ 3 hạt/hố. Trước khi gieo hạt, ông Kỳ thực hiện ngâm qua nước cho nảy mầm rồi đặt hạt xuống hố, phủ lớp đất mỏng từ 0,5-1cm lên trên hạt.

Ninh Bình: Bất ngờ trồng giống sâm Bố Chính trên đất đồi bỏ túi 200 triệu đồng/ha - Ảnh 5.

Thân cây sâm Bố Chính sấy khô. Ảnh: V T

Qua tìm hiểu, ông Quách Văn Kỳ đang áp dụng phương pháp tưới nước nhỏ giọt trực tiếp vào gốc cây sâm, thời gian từ 8-10 ngày đầu cây ra lá chồi, từ 10-20 ngày tiếp theo ra 4 lá, đến 1 tháng ra 6 lá. Sau khoảng 2,5-3 tháng là cây sâm ra hoa và đậu quả, tháng thứ 6 tiến hành thu hoạch quả để làm giống cho vụ tiếp theo.

Dùng tỏi, ớt, rượu…trị bệnh cho cây sâm

Ông Quách Văn Kỳ bật mí: "Để cây sâm phát triển tốt và đạt chất lượng thì nên trồng theo hướng hữu cơ. Quá trình chăm sóc cây sâm tôi ngâm cá, dịch trùn quế, rong biển…kết hợp với men vi sinh để tạo chất lỏng bón cho cây. Khi phát hiện cây sâm mắc bệnh, tôi sử dụng chế phẩm vi sinh được từ tỏi, quả ớt, rượu ngâm…để tưới lên cây".

Ninh Bình: Bất ngờ trồng giống sâm Bố Chính trên đất đồi bỏ túi 200 triệu đồng/ha - Ảnh 6.

Ông Kỳ dùng men vi sinh, chế phẩm sinh để chăm sóc cây sâm. Ảnh: Vũ Thượng

Với việc chăm sóc bài bản, theo hướng hữu cơ, sản phẩm sâm mà ông Kỳ tạo nên luôn cho hàm lượng dinh dưỡng và các hoạt chất như: Saponin, Omega 3, Omega 6...và các vi khoáng như sắt, canxi.

Ông Kỳ cùng cộng sự cũng đã xây dựng thương hiệu sâm Cúc Phương, với các sản phẩm như: Sâm tươi, trà sâm, bột sâm, sâm thái lát...Trung bình mỗi vụ, mỗi ha thu được 1,5 tấn sâm tươi, với giá bán củ sâm tươi từ 600.000-1.500.000 đồng/kg, tùy chất lượng loại củ.

Ninh Bình: Bất ngờ trồng giống sâm Bố Chính trên đất đồi bỏ túi 200 triệu đồng/ha - Ảnh 7.

Sản phẩm "hoàng trà bảo sâm" được tạo nên từ sâm. Ảnh: VT

Sâm sau thu hoạch được đem sấy lạnh, chế biến thành trà sâm, tinh bột sâm. Giá bán bột sâm Tiến Vương 885.000 đồng/hộp loại 100g và trà túi lọc Hoàng Trà Bảo Sâm 165.000 đồng/hộp; giá củ sâm Cúc Phương tươi từ 800.000 - 1.500.000 đồng/kg. 

Sâm Cúc Phương có vị ngọt, tính mát, có một số tác dụng: điều trị ho, tác dụng bồi bổ cơ thể, hỗ trợ thải độc, chống oxy hóa...

Ông Kỳ cho biết: "Thời gian tới, tôi đổi tên thành Hợp tác xã sâm Cúc Phương, dự định sẽ mở rộng thêm diện tích trồng, đầu tư thêm hệ thống máy móc, dây chuyền sản xuất, mẫu mã các sản phẩm từ cây sâm".

Ninh Bình: Bất ngờ trồng giống sâm Bố Chính trên đất đồi bỏ túi 200 triệu đồng/ha - Ảnh 8.

Bột sâm tiến vương sản phẩm OCOP 3 sao. Ảnh: A T

"Sâm Cúc Phương là cây trồng mới ở xã Yên Quang (huyện Nho Quan), ban đầu ông Quách Văn Kỳ chỉ trồng 1ha, sau khi thấy hiệu quả, địa phương đã tạo điều kiện để đơn vị thuê thêm 4ha đất để mở rộng diện tích. Qua nắm bắt, cây sâm trồng khó, đòi hỏi kỹ thuật cao…nuôi dưỡng bằng phân hữu cơ rất vất vả nhưng ông Kỳ đã trồng thành công", ông Hoàng Xuân Ảnh-Chủ tịch UBND xã Yên Quang trao đổi với Dân Việt.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem