Cho thí sinh chọn môn thi để tránh bất cập học lệch cả khóa

Tùng Anh Thứ tư, ngày 11/06/2014 15:59 PM (GMT+7)
Thay vì Bộ GD-ĐT chọn môn thi, học sinh sẽ tự chọn môn mình thích. Cách làm như vậy chú trọng được giáo dục toàn diện vừa tôn trọng phát huy năng lực toàn diện của học sinh.
Bình luận 0

Sẽ chỉ có một kỳ thi duy nhất

Trong phiên trả lời chất vấn sáng 11.6, trả lời ý kiến của đại biểu về việc kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua đã đánh giá học sinh một cách phiến diện, khiến học sinh học lệch, gây tốn kém tiền bạc của xã hội, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: Việc thay đổi các khâu trong kỳ thi tốt nghiệp vừa qua là phù hợp với lộ trình đổi mới toàn diện giáo dục quốc gia.

Bộ trưởng giải thích, những kỳ thi trước, số lượng môn thi 6 môn trong đó 3 môn bắt buộc, 3 môn Bộ chọn. Trong quá trình phân tích đánh giá thực trạng, Bộ thấy rằng học sinh vẫn chỉ học những môn thi bắt buộc và những môn thi ĐH, các môn được Bộ lựa chọn thường được học sinh…vừa học vừa chờ đợi.

Khắc phục tình trạng này, Bộ GD-ĐT quy định 31.3 hàng năm mới công bố môn thi để tránh tình trạng trò học đối phó thầy, thầy dạy đối phó trường… Bộ trưởng Luận ví dụ: “Nếu năm nay quy định thi môn Sử các cháu sẽ biết sang năm không thi môn này nữa. Điều này dẫn đến tình trạng học lệch cả một khóa học, như vậy rất bất cập”.

Cách làm mới chú trọng vào sự phát triển hình thành nhân cách một cách thực chất nhất: xét kết quả tốt nghiệp bằng 50% kết quả học 3 năm và 50% điểm thi 4 môn tốt nghiệp. Thay vì Bộ chọn môn thi học sinh sẽ tự chọn môn mình thích. Cách làm như vậy chú trọng được giáo dục toàn diện vừa tôn trọng phát huy năng lực toàn diện của học sinh.

“Năm nay các phương tiện truyền thông phản ánh cả hội đồng thi chỉ có một cháu, đây là biểu hiện của việc quá trình dạy và học đã thay đổi, từ chỗ dạy cho số đông sang chú ý phát triển từng cháu. Sau này giáo viên sẽ không trả lời: “Tôi dạy 1 lớp 40 cháu” mà sẽ trả lời rằng: “Tôi dạy 40 cháu trong 1 lớp””, ông Luận ví von.

Bộ trưởng Luận cũng cho biết, việc đổi mới thi cử sẽ được tiến hành sâu và đậm hơn trong các năm tới, tiến đến sẽ chỉ có 1 kỳ thi duy nhất dùng cho cả tốt nghiệp và vào đại học. Với cách làm này, Bộ GD-ĐT tin tưởng rằng thầy sẽ thay đổi cách dạy, trò sẽ thay đổi cách học không còn học tủ, học vẹt, quay cóp, gian lận, học thêm, dạy thêm nữa.

Sao chưa đổi mới SGK đã đổi mới thi cử?

Đó là câu hỏi được đại biểu Nguyễn Thị Bích Nhiệm (Yên Bái) chất vấn Bộ trưởng Bộ GD ĐT Phạm Vũ Luận sáng 11.6.

Theo bà Nhiệm, nhiều cử tri cho rằng việc đổi mới cách thức thi cử chỉ là hình thức, đổi mới nội dung chương trình mới là phần gốc.

Vậy sao chưa đổi mới chương trình, sách giáo khoa đã đổi mới thi cử?

Giải thích vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng, việc thi cử với việc dạy và học là 2 nội dung có tác động lẫn nhau.

Theo chiều thuận, đổi mới đến đâu thì việc thiết kế chương trình dạy - học, thiết kế thi cử đồng bộ đến đó. Tuy nhiên, ngược lại, trong quá trình dạy và học, việc đổi mới thi cử cũng sẽ dẫn tới việc buộc phải đổi mới cách dạy – học.

Bộ trưởng lấy ví dụ, học sinh Việt Nam bị đánh giá là học tập trong môi trường lạc hậu, bất cập nhưng khi được học bổng ra nước ngoài học, các bạn trẻ vẫn thích ứng được. Kết quả PISA vừa qua cũng cho thấy, học sinh Việt Nam được đánh giá khá tốt.

“Thay đổi thi cử, giúp giáo viên hình dung ra việc đổi mới phương pháp dạy học, từ phương pháp truyền thụ sang phương pháp trao đổi để cùng tạo nên hiệu quả một quá trình đào tạo” – Bộ trưởng Luận nói.

Bộ trưởng Luận cho biết, thi cử được coi là khâu đột phá trong 1 – 2 năm đầu. Có hai khối công việc độc lập nhau trong quá trình đổi mới: nghiên cứu thay đổi sách giáo khoa phù hợp với chương trình, thiết lập cách dạy, thi phù hợp và thứ hai là áp dụng với học sinh và giáo viên đang dạy chương trình truyền thụ kiến thức hiện hành bằng những thay đổi cụ thể ngay để buộc cả hai phía tự chỉnh lại cách dạy – học, thi cử, kiểm tra để tự thay đổi mình.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem