Nghệ nhân ca trù Kim Đức
Theo Bộ VHTT&DL, trong danh sách này, Kon Tum (43 hồ sơ), Hà Nội (39 hồ sơ), Nghệ An (39 hồ sơ) là những địa phương có nhiều hồ sơ được thông qua nhất, chủ yếu là về nghệ thuật trình diễn dân gian.
Địa phương có ít hồ sơ được thông qua nhất là Đắk Lắk với một hồ sơ về ngữ văn dân gian. Trước đó, thực hiện Kế hoạch xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ nhất năm 2015, Bộ VHTT&DL đã nhận được 737 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NNƯTcủa 57 Hội đồng cấp tỉnh gửi về...
Theo kế hoạch, thời gian Hội đồng cấp Nhà nước tổ chức xét tặng bắt đầu từ ngày 30.4 đến 30.6.2015. Lễ công bố quyết định và trao tặng danh hiệu nghệ nhân sẽ được Bộ VHTT&DL lịch tổ chức sau khi có Quyết định của Chủ tịch nước. GS.TSKH Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam nhấn mạnh, việc phong tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian cho các nghệ nhân nhằm mục đích tôn vinh những người có tài năng sáng tạo, có công lao giữ gìn, truyền dạy những giá trị văn hoá dân gian các tộc người Việt Nam cho thế hệ sau.
Tuy nhiên, xung quanh việc xét tặng, phong danh đợt này cũng có không ít những ý kiến trái chiều. Riêng về thời gian chờ đợi kéo dài đã khiến không ít nghệ nhân nay đã ở tuổi "xưa nay hiếm” thực sự mệt mỏi, dù ai cũng biết nghệ nhân đóng vai trò then chốt trong việc giữ gìn, thực hành và lưu truyền nhiều tri thức văn hóa quí giá.
Thời gian không chờ đợi, các nghệ nhân tuổi cao, sức yếu như cụ Nguyễn Đức Sôi (quan họ), cụ Hà Thị Cầu (xẩm), cụ Nguyễn Thị Chúc (ca trù)... đã ra đi trong hoàn cảnh khó khăn. Rất nhiều nghệ nhân đang tiếp tục chờ chính sách đãi ngộ, trong khi phía quản lý nhà nước thì lần lữa nâng lên đặt xuống các quy chế, quy định được soạn thảo từ hàng chục năm qua. Nhiều ý kiến cho rằng, chờ cho đến khi thông tư được ban hành, có lẽ nhiều nghệ nhân không còn sống nữa. Khi ấy, việc truy tặng những "báu vật nhân văn sống” liệu còn có ích gì?
Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền, Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam nhìn nhận: Trong văn hóa nghệ thuật truyền thống, nghệ nhân vốn là danh xưng được xã hội mặc nhiên công nhận đối với những tài năng hoạt động gìn giữ di sản. Việc chia danh hiệu thành Nghệ nhân Nhân dân (NNND) và NNƯT trong nghị định là không cần thiết vì nó không phù hợp thực tiễn hoạt động của nghệ nhân các loại hình di sản. Thêm vào đó, các tiêu chuẩn của danh hiệu cũng cho thấy nhiều điều bất cập với thực tiễn hoạt động của các nghệ nhân.
Cố nghệ nhân xẩm Hà Thị Cầu
Lần này, việc lấy ý kiến người dân cũng được cho là một động tác hết sức "máy móc”. Còn theo Nghị định số 62/2014/NĐ.CP quy định về xét tặng danh hiệu nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lại rất cứng nhắc. Ví dụ muốn trở thành NNND, người làm di sản trước đó buộc phải đạt danh hiệu NNƯT. Như vậy, thế hệ các bậc nghệ nhân lão thành hiện nay đã ở tuổi 80 . 90, họ đều được coi là bậc thầy trong lĩnh vực của mình, song tất cả họ nếu muốn trở thành nghệ nhân cấp "nhân dân” thì cũng đều lần lượt phải qua bậc NNƯT, sau đó tiếp tục chờ đợi đủ tiêu chí mới xét tiếp. Điều này thật là làm khó đối với tuổi đời của các nghệ nhân lão thành.
Một bất cập khác cũng được các chuyên gia chỉ ra là các NNND phải thỏa mãn tiêu chí "phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong phạm vi cả nước”, trong khi phần lớn các di sản mang tính khu biệt vùng miền. Chẳng hạn đờn ca tài tử ở miền Nam; ví, dặm ở miền Trung, ca trù, quan họ, hát xoan, xẩm… lại chủ yếu ở phía Bắc. Vậy cứ chiểu theo tiêu chí ấy thì chắc chắn các NNƯT sẽ không thể có cơ hội được xét tặng danh hiệu NNND, bởi họ không thể thực hiện được tiêu chí "phát huy giá trị di sản” trong phạm vi cả nước...
Nhưng theo Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Đặng Thị Bích Liên thì không thể làm khác. "Đúng là thiệt thòi của các cụ, nhất là các cụ tuổi cao, nếu phải chờ có khi là quá muộn. Nhưng chúng ta không thể làm trái luật. Luật Thi đua . Khen thưởng quy định phải là NNƯT rồi mới được xét tặng danh hiệu NNND”, bà Liên nói.
(Theo Báo Đại Đoàn Kết)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.