Lúng túng bởi thiếu thốn

Thứ tư, ngày 01/12/2010 17:31 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Để đổi mới phương pháp giảng dạy, giáo viên phải áp dụng công nghệ thông tin, giáo án điện tử... Tuy nhiên, không phải trường nào cũng áp dụng được bởi cơ sở vật chất quá nghèo nàn.
Bình luận 0

Quay về bảng đen phấn trắng

img

Cơ sở vật chất thiếu thốn đã cản trở việc giảng dạy (ảnh chụp tại Trường Tiểu học Nậm Dất, Bắc Kạn

Tại Trường Tiểu học xã Khánh Công (huyện Yên Khánh, Ninh Bình), việc đổi mới phương pháp giảng dạy đã được đưa vào triển khai từ vài năm nay. 100% giáo viên đã được tập huấn tiếp cận với giáo trình, khoa học công nghệ, dụng cụ giảng dạy và cam kết thay đổi phương pháp giảng dạy.

Tuy nhiên, hiệu quả vẫn bị “cản trở” bởi thiếu thốn cơ sở vật chất. Cô giáo Đinh Thị Ngọc – giáo viên lớp 5 cho biết: “Cả trường mới đầu tư được 1 máy chiếu phục vụ cho các tiết thao giảng. Yêu cầu giáo viên soạn bài bằng giáo án điện tử vẫn được các cô cố gắng khắc phục, nhưng soạn rồi có máy đâu mà trình chiếu cho học sinh. Vì vậy lại quay về với bảng đen, phấn trắng truyền thống”.

Tương tự, Trường Tiểu học xã Hoằng Xuyên (huyện Hoằng Hoá, Thanh Hoá) chưa có các trang thiết bị hiện đại như máy chiếu, do đó mặc dù 80-90% giáo viên đã được tập huấn cách dạy theo phương pháp mới nhưng nếu áp dụng trên máy cũng không phải việc đơn giản.

Nhiều giáo viên tại Trường THCS Hoằng Phụ (huyện Hoằng Hoá, Thanh Hoá) thì băn khoăn về khó khăn trong triển khai các tiết ngoại khóa, tham quan, dạy kỹ năng sống. Thầy Nguyễn Văn Quân – giáo viên Lịch sử cho biết: “Đối với học sinh ở thành phố sẽ rất dễ dàng để có những tiết “Học lịch sử ngoài trời” hay “Tìm hiểu văn hóa bằng thực tế” tại các bảo tàng trung tâm… còn học sinh nông thôn thậm chí không thể đóng vài chục nghìn đồng để tổ chức một buổi ngoại khóa ngoài trường học”.

Rào cản về tuổi tác

Khi triển khai các phương pháp giảng dạy mới, nhiều trường ngán ngại khi phải đào tạo các giáo viên lớn tuổi. Bản thân các giáo viên cũng cảm thấy... mệt. Cô Nông Thị Hòa (42 tuổi) – giáo viên cấp 2 tại huyện Chợ Mới, Bắc Kạn hài hước kể: “Mặc dù được tập huấn nhưng ở độ tuổi như tôi việc tiếp thu và ứng dụng thành thạo rất khó khăn. Nhà không có máy tính, mỗi lần soạn giáo án lại phải nhờ máy của đứa cháu họ, rồi nó phải ngồi hướng dẫn cho từng tý một. Đánh vật cả buổi mới xong giáo án, nhưng đến hôm thao giảng lại bị lỗi phông chữ, thế là thầy trò lại phải học chay, dạy chay”.

Cô Đinh Thị Ngọc - Trường Tiểu học xã Khánh Công cũng bày tỏ: “Khi được tập huấn phương pháp mới nhiều cô giáo lớn tuổi thấy ngại với sự thay đổi. Có muốn cũng khó thực hiện được”.

Để đổi mới phương pháp giảng dạy, giáo viên cần yêu nghề, có tư duy sáng tạo trong mỗi tiết học, chuẩn bị rất công phu. Không ít giáo viên, vì lương thấp phải xoay xở làm thêm nghề phụ để kiếm sống nên không mặn mà với phương pháp mới. Một giáo viên Trường THPT Sơn Tây (Hà Nội) tâm sự:

“Một giáo viên 20 năm tuổi nghề lương khoảng 3-4 triệu đồng. Chi phí sinh hoạt còn không đủ nên không thể đầu tư mua máy tính, nối mạng Internet để phục vụ giảng dạy. Vì thế mà cứ tụt hậu dần”. Lực lượng giáo viên và các trường nông thôn thực sự cần được “tiếp sức” để xoá dần những rào cản trên.n

Đổi mới phương pháp giảng dạy ở nông thôn hiện đang được thực hiện nửa vời. Theo tôi, vấn đề không phải là giáo viên nông thôn trình độ thấp mà trở ngại lớn nhất là tâm lý và khó khăn về cơ sở vật chất.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem